Điều chỉnh cước của VEC khác với giá niêm yết tại các trạm thu phí khiến nhiều chủ xe cho rằng VEC nhầm lẫn trong điều chỉnh cước trở lại sau khi hết giảm thuế.

VEC lý giải những thắc mắc xung quanh việc tăng phí 4 tuyến cao tốc

H.Đ | 05/01/2023, 18:50

Điều chỉnh cước của VEC khác với giá niêm yết tại các trạm thu phí khiến nhiều chủ xe cho rằng VEC nhầm lẫn trong điều chỉnh cước trở lại sau khi hết giảm thuế.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa ra thông báo bắt đầu từ ngày 1.1.2023 sẽ thực hiện điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 8% lên 10% trong giá sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngải, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Chủ phương tiện đi trên cao tốc của VEC cho rằng, từ thời điểm này thuế VAT không còn được giảm 2% (từ 10% xuống 8% như năm 2022), nhưng khi hết giảm thuế mức phí mới lại cao hơn thời điểm chưa giảm thuế.

Cụ thể, ở tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trước đây chủ xe con đi đoạn Long Phước - Dầu Giây là 100.000 đồng/lượt, sau khi giảm thuế VAT còn 98.000 đồng/lượt, nhưng từ ngày 1.1 tăng lên 102.000 đồng/lượt.

Điều chỉnh cước trên của VEC khác với giá niêm yết tại các trạm thu phí, khiến nhiều chủ xe cho rằng VEC nhầm lẫn trong điều chỉnh cước trở lại sau khi hết giảm thuế.

Lý giải điều này, phía VEC cho biết phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do họ làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín (cước phí được tính theo số Km phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc).

Ngoài ra, còn do giai đoạn khi chưa áp dụng thu phí không dừng (ETC) trước đây, chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt. Khi đó, để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ đang được lưu thông trên thị trường đồng thời thuận lợi cho việc giao dịch (giảm thời gian dừng chờ tại trạm, chống ùn tắc…), VEC đã tính toán giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí, phần lớn đều giảm so với giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông.

Chẳng hạn, phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với xe loại 2 chặng Long Phước - Dầu Giây tính toán 152.949 đồng nhưng giá niêm yết là 150.000 đồng hay ở dự án Nội Bài - Lào Cai, phí với xe loại 1 chặng IC3-trạm Km237 theo tính toán 284.225 đồng nhưng giá niêm yết là 280.000 đồng...)

Từ ngày 1.8.2022, hệ thống thu phí ETC đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây, do đó, VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng.

Việc điều chỉnh giá sử dụng dịch vụ nêu trên có một số thay đổi nhỏ so với mức giá cũ được niêm yết tại các trạm thu phí.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Chính phủ đã quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc giảm thuế giá trị gia tăng sử dụng dịch vụ đường cao tốc từ 10% thành 8% được áp dụng từ ngày 1.2 đến hết ngày 31.12.2022.

Theo số liệu thống kê của VEC, trong năm 2022, tổng lưu lượng xe lưu thông trên 4 tuyến cao tốc gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ước đạt 53,2 triệu lượt, tăng 41,1% so với năm 2021.

Tổng doanh thu thu phí ước đạt 4.442,7 tỉ đồng, tăng 36,1% so với năm 2021 (đã bao gồm VAT). Tổng doanh thu năm 2022 của VEC là 5.360 tỉ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 5.015 tỉ đồng, hoàn thành 123,6% kế hoạch.

Cũng trong năm 2022, VEC đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền); phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai).

Hiện VEC đang hoàn thiện để trình lại Đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu theo hướng xây dựng VEC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc quốc gia.

Trong năm 2023, được giao thực hiện trách nhiệm hoàn thành các hạng mục còn lại, xử lý dứt điểm tồn tại, tranh chấp tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nghiên cứu mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn Yên Bái - Lào Cai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bên cạnh đó, VEC đặt mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành đưa đoạn tuyến Km0+000-Km21+000 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác, vận hành và vận hành toàn tuyến vào năm 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
20 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEC lý giải những thắc mắc xung quanh việc tăng phí 4 tuyến cao tốc