Đến hết năm 2013, Việt Nam có khoảng 72 triệu thẻ ATM đã phát hành.  Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 50% số thẻ ATM là có người sử dụng thực. 

Vì sao chỉ 50% thẻ ATM được sử dụng trên thực tế?

Một Thế Giới | 29/09/2014, 15:02

Đến hết năm 2013, Việt Nam có khoảng 72 triệu thẻ ATM đã phát hành.  Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 50% số thẻ ATM là có người sử dụng thực. 

Tại tọa đàm Phát triển thanh toán trong Thương mại điện tử do Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp vừa tổ chức, ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng văn phòng Banknet.vn tại TP.HCM cho biết, đến hết năm 2013, Việt Nam có khoảng 72 triệu thẻ ATM đã phát hành. 
Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 50% số thẻ ATM là có người sử dụng thực. Trong đó, chỉ có 10% là đăng ký giao dịch trực tuyến, chiếm khoảng 3 triệu thẻ ATM.
Nguyên nhân khiến tỉ lệ giao dịch, thanh toán trực tuyến ở Việt Nam còn thấp, theo ông Lợi là do cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử và thương mại điện tử còn nhiều rủi ro và hạn chế, chưa giúp người tiêu dùng an tâm thanh toán trực tuyến. 
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nói, nguyên nhân tỉ lệ thanh toán trực tuyến thấp là do người tiêu dùng lo ngại chất lượng hàng qua thương mại điện tử.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử gần đây về mua sắm trên mạng, 77% người tiêu dùng phản ánh là chất lượng sản phẩm ngoài thực tế và trên mạng không giống nhau. Đây chính là trở ngại chính khiến người tiêu dụng ngại mua hàng trên mạng; 38% cho rằng dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu; 20% là giá cả trên mạng không thấp hơn so với thị trường bên ngoài…
Tuy nhiên, vẫn còn một nguyên nhân khiến số lượng thẻ "chết" tăng còn do tình trạng cho mở thẻ ngân hàng ồ ạt, mỗi người dùng hiện nay có đến 5 cái thẻ là ít nhưng chỉ sử dụng 1 trong số đó.
Anh Nguyễn Văn Hòa (ngụ quận Gò Vấp) - nhân viên IT cho Một Thế Giới biết đã từng làm việc cho 4 công ty, mỗi công ty lại bắt làm một chiếc thẻ thuộc ngân hàng khác theo quy định riêng.
“Tính tất cả trong ví tôi đang có đến 7 cái thẻ. Một thẻ dùng cho công ty trả lương, 1 thẻ tôi dùng cố định từ xưa đến nay thì còn đến 5 thẻ tôi không sử dụng. Có vài cái là của công ty cũ, còn lại là tôi chưa dùng qua bao giờ. Có chiếc tôi còn chưa đổi mã pin nữa. Đa số những chiếc thẻ này là do bạn bè làm bên ngân hàng nhờ nên phải làm. Tôi để cho dày ví vậy chứ có biết làm gì đâu!”.
Việc các trường đại học, cao đẳng “ép” sinh viên làm thẻ sinh viên kết hợp chung với thẻ ngân hàng cũng dẫn đến tình trạng tương tự, bởi có rất ít sinh viên dùng chiếc thẻ này để giao dịch.
Bạn S. hiện là sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM kể với PV Một Thế Giới: “Thẻ sinh viên của trường mình cũng là một chiếc thẻ đa năng. Trường mình liên kết với ngân hàng BIDV để làm thẻ liên kết và tích hợp luôn. Nhưng, theo mình thấy thì rất ít sinh viên lấy thẻ đó làm thẻ cố định bởi nó có rất nhiều bất tiện. Mình từng dùng thẻ này để giao dịch và sử dụng như một thẻ ATM cố định nhưng nhận thấy hại nhiều hơn lợi vì nhiều lần bị nuốt thẻ lắm, phải làm lại hoài phát bực!
Mọi việc chẳng có gì đáng nói nếu như thủ tục cấp lại thẻ cho sinh viên được dễ dàng. Vì là thẻ trường liên kết với ngân hàng nên thủ tục với thời gian cấp lại rất lâu. Không có thẻ sinh viên thì bị bảo vệ đuổi ra khỏi trường.
Chưa hết, việc không có thẻ lại trùng vào mùa thi làm nhiều bạn sinh viên phải chạy đôn chạy đáo xin giấy xác nhận. "Từ lần đó là mình chừa tới già luôn, không dám sử dụng thẻ ngân hàng đó nữa!”, S. nói.
Khi được ngân hàng áp chỉ tiêu, một số nhân viên ngân hàng cho biết, ngoài việc giao dịch thường ngày thì họ phải thường xuyên sử dụng các mối quan hệ bạn bè, người quen để tiếp thị thẻ để đạt được chỉ tiêu mỗi tháng.
“Giao dịch viên thì trung bình khoảng 100-200 thẻ/tháng. Tín dụng cá nhân khoảng 200 thẻ. Tín dụng doanh nghiệp thì tùy theo sức lực và khả năng của từng người. Lâu lâu ngân hàng lại đưa ra có một số chương trình thi đua mở tài khoản mới. Tối thiểu mỗi người mở 10 cái. Quá chỉ tiêu đặt ra thì được thưởng. Nếu không đạt thì sẽ bị trừ điểm, trừ tiền thưởng...
Ngân hàng đánh giá nhân viên qua điểm hàng tháng. Mỗi tháng một nhân viên phải làm được 600 điểm. Mở mới một tài khoản ATM được 1 điểm, thẻ visa được 15 điểm. Với những nhân viên không mạnh về tín dụng, cho vay thì bắt buộc phải chạy đua để mở tài khoản, phát hành visa...
Tuy nhiên cấp trên lúc nào cũng giao mỗi chi nhánh tối thiểu 1 tháng phải mở mới tối thiểu bao nhiêu tài khoản. Thành ra nhân viên nào cũng phải nhờ các mối quan hệ quen biết để mở mới tài khoản để đảm bảo chỉ tiêu” - anh B.P, nhân viên tín dụng của ngân hàng T.P cho biết.
“Cuối tháng vừa hoàn thành chỉ tiêu chưa kịp mừng thì lại lo chạy chỉ tiêu cho tháng tới. Để đạt chỉ tiêu nên phải nhờ vả người quen tiếp thị giùm. Riết rồi mất hết bạn bè vì ai cũng trốn, sợ mình lại đi tiếp thị thẻ” - nữ nhân viên ngân hàng N.Th nói thêm.
Phí phát hành thẻ ATM lần đầu từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng, nếu tìm ra được số thẻ "chết" thực sự và nhân số tiền này lên sẽ cho ra con số không hề nhỏ. Đó là chưa kể chi phí duy trì thẻ, lượng mã số đã cấp cũng được sử dụng lãng phí trong khi đâu phải người dùng nào cũng làm siêng đến ngân hàng báo hủy thẻ và lấy lại tiền?
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chỉ 50% thẻ ATM được sử dụng trên thực tế?