Theo báo cáo của Bộ Y tế, thống kê trong 3 ngày Tết Mậu Tuất 2018, từ 15.2 (30 tháng chạp) đến 17.2 (mùng 2 Tết), 1.300 cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 1.949 ca cấp cứu do các vụ ẩu đả, đánh nhau. Có ít nhất 6 trường hợp tử vong. Tại sao người Việt thích “đánh nhau” trong dịp Tết?
Không chỉ có Tết năm nay người ta mới đánh nhau. Tết nguyên đán năm 2016, trong 9 ngày nghỉ Tết, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong. Tết Đinh Dậu 2017, trong 7 ngày nghỉ Tết là 5.675 trường hợp cấp cứu do đánh nhau.
Nếu người nước ngoài đọc những con số thống kê này, họ sẽ rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Vì sao người Việt thích đánh nhau trong dịp Tết; vì sao người Việt hiếu chiến đến vậy?
Số liệu thống kê nêu trên là rất chính xác vì trong quy trình khám chữa bệnh, nhân viên y tế đều ghi chép cụ thể. Thực ra, do thống kê trong những ngày Tết vậy thôi, chứ bình thường, ngày nào người Việt cũng đánh nhau. Nếu Bộ Y tế thử thống kê trong một tháng bình thường, sẽ thấy hàng tháng người Việt đánh nhau nhiều như thế nào.
Lấy số liệu thống kê Tết năm 2017 để phân tích, cho thấy trong 7 ngày nghỉ Tết có 5.675 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 619 trường hợp có nguyên nhân từ rượu bia.
Theo số liệu của Vụ Pháp chế (Bô Y tế), trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia, trong đó 1/4 số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.
Như vậy có thể xem rượu bia là nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột, cả ngày thường cũng vậy chứ không phải chỉ những ngày Tết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đánh nhau, ngoài rượu bia là nguyên nhân chính, cờ bạc, chửi nhau rồi đi đến đánh nhau, va quẹt xe cộ cự cãi dẫn đến đánh nhau, nói móc nhau dẫn đến xung đột… Thậm chí có những nguyên nhân dẫn đến đánh nhau rất vớ vẩn như ép nhau uống 100% cũng dẫn đến đánh nhau… Quốc gia nào cũng có tiếng chửi tục nhưng có lẽ người Việt mình nói tiếng Đ.M nhiều nhất, cũng là nguyên nhân dến đến đổ máu. Không có cuộc đánh nhau nào mà người ta không xổ những từ thô tục này!
Như vậy người Việt có "hiếu chiến" hay không? Còn nhớ trên tạp chí Bách Khoa số 352, phát hành ngày 1.9.1971 (và các số tiếp theo), nhà văn Phan Du có một chuyên luận rất hay: "Con người và tính hiếu chiến", đặt vấn đề "hiếu chiến phải chăng là một di sản văn hóa? Hay là có đặc tính di truyền, ác bẩm sinh?". Cũng vì tính hiếu chiến này mà con người đánh nhau vì lợi ích, dẫn đến những cuộc chiến tranh tàn khốc. Với cá nhân, tính hiếu chiến là do con người muốn giành phần thắng, lợi thế về mình, không chấp nhận phần thua thiệt, thậm chí muốn chứng tỏ mình hơn người khác.
Ngày nay, các nhà tâm lý học phân tích nguyên nhân đánh nhau là do ngày càng có nhiều người hung hăng, không biết ứng xử, bế tắc trong ứng xử văn hóa, nên hành xử như côn đồ.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng đánh nhau không phải chỉ là chuyện nhỏ, nó phản ánh một sự thật đằng sau những hành vi đấy là tính hung hăng của con người và ngày càng có chiều hướng phức tạp, đặc biệt trong những người trẻ.
Có thể giảm bớt tình trạng đánh nhau? Rất khó, bởi người trẻ đa số thiếu kỹ năng ứng xử. Thực tế xã hội từng xảy ra những vụ giết người rùng rợn như va quẹt xe nhau, rút dao đâm chết người va quẹt xe mình ngay lập tức mà không để pháp luật xử lý. Cách giết người lãng nhách như vậy nhưng lại rất dã man, dã man đến tột cùng.
Như vậy, mấu chốt của hiện tượng đánh nhau, đặc biệt đánh nhau trong những ngày Tết là do con người thiếu khả năng ứng xử như một con người có văn hóa. Để hành xử như một người có văn hóa, con người cần hấp thụ giáo dục về tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái… Những điều này phải được giáo dục ngay trong gia đình, trong trường học và tự bản thân mỗi con người cần hoàn thiện nhân cách cho mình, để làm một con người có văn hóa…