Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về đề xuất sáp nhập một số quận, huyện, phường, xã tại TP.HCM nêu ra bên lề Hội nghị tổng kết ngành nội vụ năm 2016 và phương hướng năm 2017.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng chủ trương sáp nhập một số quận, huyện và phường, xã như đề xuất của Sở Nội vụ TP.HCMsẽ đảm bảo bộ máy tinh gọn hơn. Đồng thời thúc đẩy việc tinh giản biên chế, đưa những người không làm được việc ra khỏi bộ máy, giữ lại những người làm việc tốt, hoạt động của chính quyền địa phương sẽ hiệu quả hơn.
Ông Tuấn cũng cho rằng, các đơn vị hành chính cấp quận, huyện, xã, phường, các tổ chức sự nghiệp… nếu có thể tinh gọn, thực hiện việc sáp nhập phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn thì quá tốt và nên thực hiện.
Theo ông Tuấn, việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người dân khi làm thủ tục hành chính. Bởi vì không riêng TP.HCM mà nhiều địa phương khác đều đang thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, tổ chức trung tâm hành chính công để phục vụ người dân giải quyết thủ tục nhanh chóng. Chính phủ cũng đang chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức để hoạt động của đội ngũ công chức đáp ứng sự hài lòng của người dân.
“Việc sáp nhập có thể cũng có một số khó khăn bởi một số cá nhân có tư duy cho rằng thích tách ra để thêm biên chế, thêm ghế vì lợi ích cục bộ. Nhưng hiện nay, để phục vụ nhân dân tốt hơn thì chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích việc sáp nhập và tôi tin nhiều cấp ủy đảng, nhiều địa phương và nhiều người sẽ ủng hộ việc này” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Sau khi sáp nhập, việc xử lý cán bộ dôi dư cũng nhận được không ít quan tâm. Theo ông Tuấn, việc này sẽ thực hiện theo nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ.
Theo đó, cần phải có những biện pháp đồng bộ, hợp lý để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, trách nhiệm của người đứng đầu. Ai không đáp ứng được yêu cầu thì tạo điều kiện để họ tìm công việc mới còn những người đáp ứng được yêu cầu thì cần giữ lại, bên cạnh thu hút thêm người có năng lực. Vì vậy, không nên băn khoăn việc giải quyết sắp xếp lại cán bộ, công chức dôi dư trong đề án sáp nhập này.
Trước đó, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với Quận uỷ Bình Tân chiều 23.12, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính như phường và quận trên địa bàn.
"Ví dụ có thể sáp nhập quận 4 vào một quận khác bởi quận này chỉ rộng 4 km2, dân số hơn 200.000 người. Nếu so sánh về diện tích, quận 4 nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) nhưng vẫn phải duy trì một bộ máy đầy đủ từ quận xuống 15 phường", ông Đạo nói.
Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, 30 năm trước vấn đề tinh giản biên chế đã được đề cập và hiện nay càng đòi hỏi cấp bách hơn: "Nếu chúng ta sáp nhập hợp lý, khoa học sẽ tiết kiệm được rất nhiều biên chế, kể cả cơ sở vật chất, nhà cửa…”.
Bí thư thành ủy Đinh La Thăng cho hay việc tách, nhập các phường là chủ trương của Thường vụ, Thường trực Thành ủy và sẽ cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ tổ chức chính quyền, bộ máy từ TP đến quận, huyện để có hướng giải quyết hợp lý.
“Mình không làm máy móc. Chỗ nào cần tách thì tách, chỗ nào cần nhập thì phải nhập. Để làm sao nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phải thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ là tinh giản biên chế. Việc tách, nhập phải dựa trên cơ sở khoa học, căn cứ pháp luật và đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân. Thường trực Thành ủy, Thường vụ sẽ giao cho Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ làm đề án tổng thể chứ không làm phân tán từng quận, huyện”, ông Thăng nhấn mạnh.
Hoàng Long