Cách đây đúng 75 năm, người dân Trung Quốc buộc phải đi đúng lề phải. Đó là tác động từ một viên tướng Mỹ.

Viên tướng Mỹ khiến toàn dân Trung Quốc phải đi lề phải

Anh Tú (theo NWJ) | 31/12/2020, 09:20

Cách đây đúng 75 năm, người dân Trung Quốc buộc phải đi đúng lề phải. Đó là tác động từ một viên tướng Mỹ.

Trong các sinh viên du học tại Mỹ, sinh viên đến từ Trung Quốc tỏ ra hào hứng hơn cả trong việc đăng ký học lái xe ở Mỹ nhất. Điều này một phần là do sự phổ biến của ô tô ở Trung Quốc, quốc gia có tốc độ cơ giới hóa nhanh nhất trên trái đất. Nhưng đó cũng là do giao thông ở Trung Quốc và Mỹ tuân theo cùng một quy tắc về đường bộ. Các phương tiện ở cả hai quốc gia đều lái bên phải. Hiện tại, học lái xe ở Mỹ và bạn có thể lái xe ở Trung Quốc. Trở lại lịch sử thì chính người Mỹ đã "mở đường" để Trung Quốc đi lề phải.

Trung Quốc không phải lúc nào cũng lái xe bên phải như bây giờ.Trước Thế chiến thứ hai, Trung Quốc đi xe lề trái do ảnh hưởng từ Anh. Điều đó đã thay đổi vào đúng 75 năm, nửa đêm ngày 31.12.1945. Khi năm mới bắt đầu, giao thông khắp vùng đất Hoa hạ chuyển từ bên trái sang bên phải. Đó là công trình của Tướng Albert Wedemeyer, người mà Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã bổ nhiệm để thay thế Joseph Stilwell làm chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Quốc. Động thái của Wedemeyer, ít nhất là về bề ngoài, nhằm giảm thiểu tai nạn trên các con đường của Trung Quốc, vốn bị tắc nghẽn bởi xe jeep và xe tải của Mỹ khi ấy. Nhưng cũng có thể Wedemeyer đã có toan tính sẵn phục vụ nước Mỹ.

Việc Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc đã thúc đẩy quyết định của Wedemeyer. Vào đầu năm 1945, quân đội Nhật đã bị buộc phải rời khỏi Miến Điện và các đảo ở Thái Bình Dương. Nhưng hai triệu quân vẫn ở lục địa châu Á, chủ yếu ở miền nam Trung Quốc. Để đánh đuổi quân Nhật, Wedemeyer đã phát động Chiến dịch Carbonado. Chiến dịch đòi hỏi vận chuyển hai sư đoàn của quân đội Trung Quốc bằng đường hàng không từ Miến Điện, sau đó di chuyển cả ngàn cây số về phía nam từ Trùng Khánh đến bờ biển bằng một đoàn xe tải của Mỹ.

Nhưng do các phương tiện ở Trung Quốc đi nghịch tay lái với Mỹ nên đã xảy ra tai nạn giao thông. Sau khi các chiến dịch hướng dẫn lái xe thất bại, Wedemeyer đề xuất với Tưởng Giới Thạch rằng quy tắc đi đường của Trung Quốc phải đảo ngược. Tưởng đã đồng ý. Hầu hết người Trung Quốc cũng vậy; họ muốn xoá bỏ truyền thống di chuyển bên trái mang dấu ấn của chủ nghĩa đế quốc Anh.
Wedemeyer đã ra lệnh chuẩn bị cho một chiến dịch công khai. “Áp phích được đặt trên các cột điện thoại và cửa sổ cửa hàng”, ông ghi lại trong hồi ký, “kèm sơ đồ chỉ ra cách thức lưu thông sẽ di chuyển”.

tuongmy.jpg
Tưởng Giới Thạch và Wedemeyer

Nhưng cũng có sự phản kháng. Các bài xã luận xuất hiện trên báo chí địa phương “chỉ trích ý tưởng phá vỡ truyền thống cũ của Trung Quốc và thúc giục Tưởng Giới Thạch xem xét lại”. Thấy khả nghi, Wedemeyer ra lệnh điều tra. Nguồn tin hóa ra là do Đại sứ quán Anh, nơi các quan chức tin chắc rằng Wedemeyer đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược kiểu khác - bán ô tô Mỹ.

Họ có lẽ đã đúng. Quân Nhật đầu hàng vào ngày 2.9.1945, chiến dịch Carbonado là vô nghĩa. Với việc các phương tiện của Quân đội Mỹ sớm rời đi, lẽ không cần phải thay đổi giao thông trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn tiến hành.

Tại sao? Wedemeyer là một người Mỹ yêu nước và có thể ông ấy đã nghĩ đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Thay đổi giao thông của Trung Quốc sẽ mở đường cho ô tô Mỹ tại thị trường do người Anh thống trị từ lâu. Thật vậy, Wedemeyer vui mừng nhớ lại “trải nghiệm ly kỳ khi đứng trên ban công của căn hộ tòa tháp của tôi ở khách sạn Cathay Thượng Hải để xem giao thông thay đổi lúc nửa đêm khi các xe phải di chuyển dọc theo bên phải của con đường”.

Nhưng mãi đến những năm 1980, Detroit (công ty xe hơi) mới chuyển vào Trung Quốc và họ cần cảm ơn vì Mao Trạch Đông đã chọn cách duy trì luồng giao thông di chuyển lề phải sau năm 1949 - mô hình tương tự mà Liên Xô đã sử dụng. Ngày nay, các con đường của Trung Quốc tràn ngập Buicks, Teslas và Fords. Những chiếc xe này — và tất cả các phương tiện khác — di chuyển bên phải giống như các phương tiện ở bất kỳ nơi nào tại Mỹ. Một cách hiển nhiên, xuất khẩu phổ biến nhất của Mỹ sang Trung Quốc không phải là Hollywood hay McDonald’s mà chỉ đơn giản là cách lái xe.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viên tướng Mỹ khiến toàn dân Trung Quốc phải đi lề phải