Cần triển khai nhanh việc xây dựng các đài quan sát, trạm quan trắc phóng xạ ở miền Bắc, đặc biệt là các vùng từ Quảng Ninh đến Hà Nội để có thể chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.

Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới

15/10/2016, 17:42

Cần triển khai nhanh việc xây dựng các đài quan sát, trạm quan trắc phóng xạ ở miền Bắc, đặc biệt là các vùng từ Quảng Ninh đến Hà Nội để có thể chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.

Qinshan - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, đặt tại Chiết Giang

Đó là quan điểm của GS-TS Trần Hữu Phát - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) trước băn khoăn của dư luận về việc Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) gần biên giới với Việt Nam, trong đó nhà máy gần nhất chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50km.

Ông cho rằng việc xây dựng hệ thống kỹ thuật và năng lực cảnh báo sớm để kiểm soát sự cố là điều cần thiết đối với tất cả các nhà máy ĐHN trên thế giới chứ không riêng 3 nhà máy này.

Cần có các trạm quan trắc phóng xạ

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nêu rõ, bất cứ sự cố hạt nhân nào xảy ra trên thế giới cũng ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia chứ không riêng nước có nhà máy. Vì vậy, chủ động kiểm soát là yêu cầu được đặt ra với các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Thực tế, 3 nhà máy ĐHN của Trung Quốc gồm Phòng Thành (Quảng Tây, công suất 1.000MW), Trường Giang (Quảng Đông, 600MW) và Xương Giang (đảo Hải Nam, 650MW) khi xây dựng cũng phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của IAEA như tất cả các nước có chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN.
“Trung Quốc có sử dụng công nghệ của Nga và xây dựng theo tiêu chuẩn của IAEA. Trong nhiều hội thảo do Trung Quốc tổ chức, họ cũng giới thiệu về việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của IAEA” - GS Phát cho biết. Tuy nhiên, theo ông, dù thế nào thì việc đưa ra biện pháp phòng ngừa là cần thiết, không riêng gì với Trung Quốc mà với tất cả các nước. Cần triển khai nhanh việc xây dựng các đài quan sát, trạm quan trắc phóng xạ ở miền Bắc - đặc biệt các vùng từ Quảng Ninh đến Hà Nội để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

“Nếu đo thấy lượng phóng xạ môi trường cao bất thường, chúng ta sẽ chủ động nhận biết. Trên cơ sở có hệ thống cảnh báo sớm và tốt thì mới hợp tác tốt với phía Trung Quốc được” - ông Phát nói.

TS Lê Văn Hồng - nguyên Phó Viện trưởng Vinatom - cũng cho rằng cần lập các phương án ứng phó, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo kịp thời tới dân vùng ảnh hưởng.

Theo ông, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khi xây dựng nhà máy ĐHN cũng đều có báo cáo đánh giá an toàn và tác động môi trường, thiết lập hệ thống phòng, chống sự cố: “Trung Quốc khi làm dự án hạt nhân chắc chắn đã tính đến chuyện đảm bảo an toàn cho dân của họ, do vậy người dân Việt Nam có thể phần nào yên tâm”.

Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin

Chủ động về mọi mặt là điều được GS Phát nhấn mạnh nhiều lần, trong đó có cả việc chủ động đề nghị hợp tác với Trung Quốc để có thông tin trực tiếp về quá trình hoạt động của các nhà máy ĐHN gần biên giới và đây cũng là việc cần làm ngay.

“Về mặt nhà nước, trong quan hệ quốc tế cần có hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực ĐHN, an toàn bức xạ, phóng xạ. Khi hợp tác tốt sẽ dễ trao đổi, nắm thông tin chính xác hơn” - ông Phát gợi ý.

Về vấn đề này, ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, trong đó có Công ước thông báo sớm sự cố hạt nhân. Nghĩa là khi có bất kỳ sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của công ước này, mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu thành viên khác báo cáo tình trạng an toàn của bất kỳ nhà máy nào.

“Sắp tới, cục sẽ làm việc với cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để thỏa thuận việc trao đổi thông tin về vấn đề này” - ông Tấn nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Hào Quang - Phó Viện trưởng Vinatom, để đo mức độ phóng xạ trong không khí, Việt Nam đã có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường. Việc xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia cũng đang được triển khai.

Theo quy hoạch, mạng lưới sẽ bao gồm 1 trung tâm điều hành, 4 trung tâm vùng do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, 16 trạm quan trắc địa phương do các tỉnh, thành quản lý, 1 hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý.

“Ước tính tổng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa đầu tư xây dựng được theo quy hoạch nên Vinatom đang xây dựng dự án theo cách phân kỳ: Giai đoạn đầu dự kiến trong năm 2017-2020, giai đoạn sau dự kiến trong năm 2021-2025” - TS Quang cho biết.

Hải Minh (báo Khoa học và phát triển)

*Tựa đề bài viết do báo điện tử Một Thế Giới đặt lại

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới