Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Việt Nam khởi xướng điều tra 29 vụ phòng vệ thương mại

Tuyết Nhung 22:51 14/10/2024

Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Bộ Công Thương chiều 14.10 cho biết công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tiếp tục được đẩy mạnh thời gian qua nhằm tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

pvtm.jpg
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực - Ảnh: IT

Theo đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc PVTM. Cụ thể gồm: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 2 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 2 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra thì đang có 17 biện pháp PVTM có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thuơng mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 8.2024, đã có 257 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp PVTM là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.

Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM (danh sách cập nhật vào tháng cuối hằng quý) gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tính chung 9 tháng, theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỉ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỉ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỉ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Qua đó cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,4%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỉ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỉ USD, tăng 16,5%.

Trong 9 tháng năm 2024 có 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 45%).

Theo Bộ Công Thương, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 248 tỉ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bài liên quan
Việt Nam đề nghị Mỹ sớm giải quyết dứt điểm các vụ phòng vệ thương mại
Việt Nam đề nghị Mỹ sớm giải quyết dứt điểm các vụ phòng vệ thương mại liên quan đến cá tra, cá ba sa hay mật ong trong thời gian gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam khởi xướng điều tra 29 vụ phòng vệ thương mại