Kể từ ngày 11.10, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Các hộ sử dụng từ 200 - 300kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí điện từ 32.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 300 - 400kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả lên khoảng 62.000 đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - với mức tăng 4,8%, hiện cả nước có trên 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng dưới 200kWh/tháng, sẽ làm chi phí mỗi hộ tăng thêm 13.800 đồng/tháng.
Hiện cả nước có 547 nghìn khách hàng kinh doanh, dịch vụ. Như vậy, với mức tăng 4,8%, mỗi hộ bình quân tăng 247.000 đồng/tháng; 1,921 triệu hộ sản xuất tiền điện sẽ tăng thêm bình quân mỗi hộ khoảng 499.000 đồng/tháng; khoảng 691.000 khách xí nghiệp thì các khách hàng sẽ chi trả tăng thêm khoảng 91.000 đồng/tháng.
Giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần (3% vào tháng 5.2023 và mức 4,5% vào tháng 11.2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).