Cuối tháng 3.2023, sản phẩm sơn chống cháy có sử dụng các phụ gia biến tính do Viện Khoa học vật liệu cung cấp đã chính thức được Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cấp giấy kiểm định.
Khoa học - công nghệ

Việt Nam làm chủ công nghệ sơn chống cháy

Thu Anh 20/01/2024 11:16

Cuối tháng 3.2023, sản phẩm sơn chống cháy có sử dụng các phụ gia biến tính do Viện Khoa học vật liệu cung cấp đã chính thức được Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cấp giấy kiểm định.

Theo thông tin từ Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã làm chủ công nghệ sơn chống cháy sử dụng phụ gia biến tính.

Việc chọn lớp sơn chống cháy chất lượng cao được đánh giá là cực kỳ quan trọng và nó chỉ cho thấy công dụng khi hỏa hoạn xảy ra. Trong hệ sơn chống cháy, quá trình cấu trúc thép bị đốt nóng bị chậm lại. Sơn chống cháy tạo thành một lớp cách nhiệt trên bề mặt thép bằng cách tạo bọt khi có nhiệt độ cao.

Bọt cách nhiệt giúp cấu trúc thép ổn định trong 30 - 120 phút, tùy vào hệ thống sơn. Về xây dựng, vật liệu thép có thể chịu nhiệt trung bình từ 350 - 750 độ C tùy thuộc vào tải trọng. Do đó, lựa chọn hệ sơn chống cháy tốt nhất nên dựa vào tải trọng của các cấu trúc.

Theo TS Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và composit, Viện Khoa học vật liệu, sơn chống cháy bảo vệ kết cấu thép là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện từ năm 2013. Lúc đó, sơn chống cháy mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Tại thời điểm này, các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá khả năng ứng dụng của các loại khoáng sản sẵn có trong nước, như khoáng sản sericite, khoáng sản talc trong sơn chống cháy trên cơ sở nhựa epoxy.

screenshot-352-.png
Quá trình thi công mẫu thử nghiệm tại khu triển khai công nghệ - Ảnh: VAST

Với các đặc tính bảo vệ cao và đặc biệt là độ bền nhiệt cao, các sản phẩm bột khoáng sericite và khoáng talc đã có những kết quả nổi bật, thể hiện tiềm năng ứng dụng trong sơn chống cháy.

Bắt đầu từ năm 2018, Phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và composite đã hoàn thiện công thức sản phẩm sơn chống cháy chứa các phụ gia biến tính, cũng như tư vấn và chuyển giao sản phẩm phụ gia biến tính cho doanh nghiệp sản xuất sơn chống cháy trong nước.

Sản phẩm sơn chống cháy với sự kết hợp của phòng nghiên cứu ngay khi ra đời đã thể hiện sự khác biệt đối với các sản phẩm hiện có trên thị trường, mang lại nhiều giá trị cho xã hội.

Đến đầu năm 2021, khi cơ quan quản lý thay đổi các yêu cầu kiểm định sản phẩm sơn chống cháy (Nghị định 136) theo hướng nâng cao chất lượng và sát với yêu cầu thực tế, Phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và composite cũng bắt tay ngay vào quá trình nghiên cứu thử nghiệm các hệ sản phẩm sơn chống cháy mới theo tiêu chuẩn ISO 834-10:2014 và BS EN 13381-8:2013.

Các nghiên cứu tập trung hơn vào vai trò của khoáng talc. Ngoài ra, Phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và composite cũng thử nghiệm vai trò của các chất kết dính khác nhau, tập trung vào khối lượng phân tử của polyme nhằm tìm được chất kết dính tối ưu cho quá trình bám dính của lớp phồng nở lên kết cấu thép.

Sau khi hoàn thiện các nghiên cứu, các nhà khoa học của đơn vị đã kết hợp với doanh nghiệp, bắt đầu thử nghiệm sản phẩm trên mẫu kết cấu theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành và tiến hành thử nghiệm tại Viện Chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng, Viện KH-CN xây dựng (IBST).

Quá trình thử nghiệm mẫu được thực hiện tại IBST theo tiêu chuẩn ISO 834-10:2014 đã diễn ra thành công vào đầu năm 2022. Trên cơ sở thử nghiệm thành công này, doanh nghiệp đối tác của Viện Khoa học vật liệu đã bắt đầu quá trình đăng ký và kiểm định chính thức sản phẩm sơn chống cháy bọc bảo vệ kết cấu thép với Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị định 136 hiện hành.

Sau gần 1 năm thử nghiệm cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đến cuối tháng 3.2023, sản phẩm sơn chống cháy có sử dụng các phụ gia biến tính do Viện Khoa học vật liệu cung cấp đã chính thức được Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn cấp giấy kiểm định.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam làm chủ công nghệ sơn chống cháy