Nước Mỹ đang đối mặt với đại dịch COVID và suy thoái kinh tế. Mở cửa lại trường học để xã hội vận động trở lại là một áp lực cần thực hiện. Trang Vox cho rằng Mỹ nên tham khảo học tập 3 nước trong cách mở lại trường học là Đức, Việt Nam và New Zealand. Một Thế Giới xin dịch lại bài viết của Vox.
Sau khi đại dịch coronavirus gây gián đoạn việc học tập của hơn 1,5 tỉ trẻ em trên toàn thế giới, một số đang quay trở lại lớp học. Điều này đem lại các bài học cho học sinh và các nhà giáo dục Mỹ.
Tại Đức, học sinh tự xét nghiệm coronavirus để theo dõi xem họ có mắc bệnh hay không. Tại Việt Nam, trẻ em được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường và đeo khẩu trang y tế bên trong lớp học. Và ở New Zealand, phụ huynh hoặc học sinh lo lắng về việc trở lại quá sớm có thể trì hoãn việc tới lớp cho đến khi họ cảm thấy an tâm.
Những chính sách kể trên nhằm giúp việc nối lại đi học an toàn và chấm dứt những tháng ngày gián đoạn mà các chuyên gia cho rằng đã làm ảnh hưởng tới học sinh và gây ra căng thẳng quá mức cho giáo viên trên toàn thế giới. Một số chuyên gia cho rằng việc mở lại trường học đáng để mạo hiểm, vì những người trẻ tuổi không dễ mắc bệnh như người già, cho dù dữ liệu về việc lây lan vi-rút tới trẻ em vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả mọi người và không phải ý tưởng nào cũng hoạt động hoàn hảo. Nhưng nếu Mỹ có ý định mở lại các trường học thì đã đến lúc cần phải học hỏi từ những nỗ lực của các nước đi trước. Ông Robert Schwartz đến từ Trường Sư phạm thuộc Đại học Harvard cho biết đã đến lúc nghĩ về việc mở lại trường học, các nhà lãnh đạo có thể nhìn ra nước khác để tìm hiểu về cách đưa trẻ em trở lại trường. Dưới đây là ba quốc gia mà các nhà lãnh đạo giáo dục Mỹ nên quan sát để rút ra bài học trong việc mở lại trường học.
Học sinh Đức xét nghiệm coronavirus tại trường học
Vào giữa tháng 5, tờ The New York Times đã kể câu chuyện về Lea Hammermeister, một nữ học sinh trung học 17 tuổi ở thị trấn nhỏ Neustrelitz phía bắc nước Đức. Trước khi trở lại lớp, em tự thực hiện việc xét nghiệm theo đúng hướng dẫn. Sau đó, em nhận được kết quả trong email cá nhân: âm tính. Điều đó cho phép em đeo một phù hiệu màu xanh lá cây và với phù hiệu đó, em có thể đi lại tự do tới trường mà không cần đeo khẩu trang.
Đó là một thủ tục mà Hammermeister và các bạn cùng lớp của em thực hiện mỗi lần cứ sau bốn ngày để theo dõi tình trạng COVID-19 trong trường học của em. Hammermeister và những học sinh khác nói rằng các em đánh giá cao chương trình này, vì nó giúp học sinh cảm thấy an toàn trong lớp học và cho phép phụ huynh làm việc mà không phải bận tâm về con cái trong khi đi làm.
Hiệu trưởng Henry Tesch nói trên tờ The New York Times rằng việc mở cửa lại trường học là chìa khóa để mở lại hoạt động kinh tế xã hội: “Không có trường học, cha mẹ không thể làm việc và trẻ em đang bị phí mất thời gian học tập quý giá và sau cùng, là một phần của tương lai của các em”.
Một chương trình xét nghiệm như vậy không phải được thực hiện ở mọi trường học ở Đức, nhưng đó là một chương trình mà nhiều nơi có thể áp dụng trong tương lai gần.
Trong khi đó, các trường học ở Đức tiếp tục tuân theo các chỉ thị mới khi mở cửa trở lại: Hành lang bây giờ là lối đi một chiều, phải đeo khẩu trang trong lớp học, ghế ngồi được giãn cách xa nhau, và các em được khuyến khích mặc quần áo nhiều hơn (tránh lạnh) vì cửa sổ phải được mở thường xuyên để tăng cường lưu thông không khí. Tất nhiên là phải tuân thủ các thông lệ đã phổ biến như giữ khoảng cách 2 mét giữa các học sinh khi đứng xếp hàng.
Nhưng thực hiện các biện pháp này đã đi kèm với những thách thức. Ví dụ, một số trường có phòng học quá chật không thể đưa hết học sinh vào lớp nếu họ muốn duy trì giãn cách như quy định. Ở trường trung học Neustrelitz, chỉ có thể xếp khoảng một phần ba học sinh có thể vào lớp một lúc - và thậm chí sau đó, một giáo viên có thể phải dạy một lúc hai nhóm trong hai phòng học.
Tuy nhiên, khống chế căn bệnh này thông qua các xét nghiệm và giảm thiểu nguy cơ lây lan là một trong những cách tốt hơn để duy trì việc dạy học.
Một lớp học ở Đức - Ảnh: DPA
Các trường Việt Nam yêu cầu đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt
Việt Nam, nơi đã sử dụng xét nghiệm và truy tìm sớm những người có nguy cơ để xử lý sự bùng phát của COVID-19, tiếp tục sử dụng các phương pháp tương tự để mở lại các trường học.
Sau ba tháng gián đoạn, 22 triệu học sinh Việt Nam trong độ tuổi đi học được phép trở lại lớp học trong tháng 5. Các học sinh được kiểm tra thân nhiệt bắt buộc tại cổng trường. Nếu không bị sốt, các em sẽ được phép vào lớp học, nhưng ban đầu chúng phải đeo khẩu trang trong suốt cả ngày học. Một trường học ở Hà Nội đã mua 10.000 khẩu trang để đảm bảo luôn có đủ cho học sinh sử dụng.
Một số người có thể thấy đeo khẩu trang hàng giờ rườm rà, nhưng em Phạm Anh Kiệt, 11 tuổi, ở Hà Nội không thấy vậy. Em nói với phóng viên AFP hồi đầu tháng 5: “Cháu cảm thấy an toàn khi đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt, cháu khỏi sợ bị nhiễm vi-rut”.
Như ở Đức, các trường học Việt Nam cũng đang thực thi các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Khang, một giáo viên chủ nhiệm tại Hà Nội, nói với AFP rằng việc duy trì giãn cách có thể đặt ra thách thức đối với học sinh nhỏ tuổi vì theo ông, các em rất hiếu động.
Một thách thức khác sẽ là vệ sinh: Khoảng 30% trường học Việt Nam (đa phần ở vùng sâu) chưa trang bị hệ thống nước sạch hay xà phòng sát khuẩn. Điều đó có nghĩa là rửa tay trong 20 giây sẽ không được đảm bảo, làm tăng nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi khẩu trang trong các trường học ở Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro đó.
New Zealand cho phụ huynh lựa chọn thời gian trở lại trường
Tuy nhiên, không phải ai cũng đã sẵn sàng trở lại trường. Chính phủ New Zealand nhận ra điều đó và đã đưa ra một giải pháp cho phép phụ huynh đưa con đến trường chỉ khi họ cảm thấy an tâm.
Các trường học ở New Zealand đã nối lại công tác giảng dạy vào giữa tháng 5, nhưng các học sinh và phụ huynh cho rằng thời điểm này còn quá sớm sẽ được phép lùi lại ngày đến trường.
Bộ trưởng Giáo dục của New Zealand phát biểu: “Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng về sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên và có thể có những phụ huynh hay chính các em lo lắng về việc trở lại trường học. Trong những trường hợp này, chúng tôi có thể giúp họ thực hiện thỏa thuận để sắp xếp lại việc học”.
Tuy nhiên, nhà chức trách chưa nói rõ về cách thức của việc sắp xếp hay bao lâu sẽ diễn ra. Những chi tiết cụ thể đó được để lại cho các trường học, nhưng chắc chắn sẽ có sự thiếu đồng bộ trong các kiểu sắp xếp trên phạm vi toàn quốc.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng quyết định của chính phủ cho phép sự linh hoạt và đề cao sự lựa chọn của gia đình học sinh sẽ giúp mọi người không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm mà còn tăng cảm giác yên tâm của mọi người trong đại dịch.
Ngày 27.5, Mỹ trở thành nước đầu tiên vượt mốc 100.000 người tử vong vì COVID-19 được ghi nhận. Theo dữ liệu mới nhất, Mỹ hiện ghi nhận 1.734.794 ca nhiễm COVID-19 và 101.700 ca tử vong. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ có xu hướng giảm nhẹ dù số ca tử vong lại có xu hướng tăng nhẹ trong những ngày gần đây.
Do tốc độ tăng không còn cao như các tuần trước nên tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Tổng thống Donald Trump cũng ban hành lệnh cho phép tụ tập tối đa 10 người ở bất kỳ bang nào, miễn họ duy trì hướng dẫn cách biệt cộng đồng.
Anh Tú (theo Vox)