Nhà Trắng đang tìm cách trừng phạt Trung Quốc vì thái độ của họ trong đại dịch COVID-19 nhưng lại không muốn ảnh hưởng sự nghiệp của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tổng thống Mỹ trước bài toán trừng phạt Trung Quốc: Vẫn sợ vỡ bình

22/05/2020, 17:18

Nhà Trắng đang tìm cách trừng phạt Trung Quốc vì thái độ của họ trong đại dịch COVID-19 nhưng lại không muốn ảnh hưởng sự nghiệp của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Trump chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ gần đây - Ảnh: Internet

Trừng phạt Trung Quốc mà không làm trầm trọng thêm một nền kinh tế Mỹ vốn đang chịu tổn thương sẽ là bài toán không dễ dàng. Trong khi các biện pháp cứng rắn hơn như tăng lệnh trừng phạt và các đòn thuế quan đang được thảo luận, các quan chức Mỹ cũng đang xem xét các giải pháp mở rộng khác như đánh vào các công ty 5G của Trung Quốc hay một vài hành động chính trị khác nhằm ra đòn vừa đủ với Bắc Kinh.

Ông Trump đã phải đối phó với thực tế là thỏa thuận thương mại với Trung Quốc mà ông tự hào lại đang hoạt động kém hiệu quả. Vài tuần sau khi thực hiện chính thức Giai đoạn 1 của thỏa thuận, tốc độ mua hàng hóa của Trung Quốc không giống như những gì đã hứa hẹn. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng của ông Trump có gặt hái kết quả đáng giá hay không.

Nhiều người Mỹ, đặc biệt là nông dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại của ông Trump, đã hy vọng gói xuất khẩu được hứa hẹn trị giá 200 tỉ USD của Mỹ sang Trung Quốc sẽ giúp đầu ra cho họ. Nhưng cho đến nay, theo một số ước tính, Trung Quốc đã mua ít hơn một nửa dầu thô, nông sản và hàng hóa được nêu trong thỏa thuận. Điều này làm suy yếu mạnh mẽ đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Trump. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã cam kết với cử tri rằng ông đã buộc Trung Quốc chịu chấp nhận một thỏa thuận thương mại tốt hơn trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng.

Chad Bown, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói: "Thỏa thuận luôn luôn có yếu tố chính trị song hành, theo đó ông Trump có thể ra ngoài tranh cử, nói về 200 tỉ USD và ông có một số tròn đẹp để phát biểu với cử tri”. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục không thực hiện theo thỏa thuận, nó có thể tầm thường hóa lời hứa của Trump và càng khiến ông tức giận với Trung Quốc.

Bất đồng trên đồi Capitol

Ông Trump đã nhiều lần đả kích Trung Quốc về việc họ không hành động và cảnh báo thế giới sớm hơn về sự lây lan của dịch COVID-19, hiện đã khiến hơn 329.000 người trên toàn cầu tử vong, bao gồm hơn 93.000 người ở Mỹ (tính đến thứ năm).

Tại Washington, có một suy nghĩ chung rằng cần phải làm gì đó với Trung Quốc nhưng sự thống nhất chỉ có vậy. Khi Tổng thống cố gắng xác định đại dịch COVID-19 là do sự cố ý của Trung Quốc nhằm che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch, các nhà lập pháp trên Đồi Capitol - cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ - nói với CNN rằng họ cần phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về sự liên quan của Trung Quốc với đại dịch.

Nhưng sức nóng từ cuộc bầu cử tổng thống, cùng với những bất đồng nội bộ về việc Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc xa tới đâu, khiến 2 đảng khó tìm tiếng nói chung thật sự trong vấn đề này. Đảng Dân chủ đang miễn cưỡng ủng hộ chính sách cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc kèm theo lo ngại rằng bất kỳ hành động quan trọng nào cũng có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ đang suy yếu.

Trong những tuần gần đây, các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu thảo luận về một loạt các bước để chuyển chuỗi cung ứng vật tư y tế và thuốc quan trọng trở lại Mỹ, bao gồm giảm thuế và ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Mỹ.

Nhưng đó là chuyện trong tương lai, còn trước mắt Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Việc thay đổi điều đó sẽ mất nhiều năm và có thể gây ra thiệt hại kinh tế ngắn hạn trong quá trình các quốc gia tự tìm lối thoát cho mình. Trong bối cảnh đó, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua một số biện pháp trừng phạt. Hôm thứ Tư, Thượng viện đã thông qua đạo luật chống lại việc các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Đầu tháng này, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Lindsey Graham đến từ bang Nam Carolina đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không đưa thông tin về nguồn gốc của coronavirus. Nếu được thông qua, luật này sẽ cho Tổng thống 60 ngày để xác nhận rằng liệu Trung Quốc đã tuân thủ các yêu cầu về cung cấp thông tin và các yêu cầu khác của Mỹ, gồm cả việc thả những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vốn bị bắt giữ sau đại dịch COVID-19.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz đến từ bang Texas cũng đề xuất một dự luật nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc. Phe đảng Dân chủ nói rằng họ sẵn sàng ủng hộ các đề xuất để trừng phạt Trung Quốc vì đã "đánh lừa Mỹ và thế giới về mức độ nguy hiểm của coronavirus vào tháng 12 năm ngoái".

Nhưng đảng Dân chủ cũng cảnh giác khi tham gia sâu vào chiến dịch chống Trung Quốc của ông Trump chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử. Chĩa mũi dùi vào Trung Quốc bây giờ có thể giúp cho ông Trump có vật tế thần mà ông ta cần để giải cứu chính quyền của mình khỏi những sai sót trong cuộc đối phó với đại dịch và quảng bá học thuyết "Nước Mỹ trên hết" của ông.

Vẫn cần gửi thông điệp

Tạm thời, chính quyền Mỹ đã tập trung nỗ lực vào các biện pháp có thể gửi thông điệp tới Trung Quốc mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn các lệnh trừng phạt liên quan đến an ninh quốc gia và đánh thêm vào công ty kinh doanh mạng 5G của Trung Quốc. Hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền Trump đã có lệnh chặn các lô hàng chất bán dẫn xuất cho Huawei Technologies từ các nhà sản xuất chip toàn cầu, một hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Sự bất mãn đối với Bắc Kinh đang gia tăng, ngay cả từ một số cố vấn của ông Trump vốn là những người có xu hướng coi trọng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng một số cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump - gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer – vẫn thận trọng vì sợ mất thỏa thuận Giai đoạn 1 mà họ rất khó khăn mới đạt được. Họ thấm thía khá nhiều khi các ngành nông nghiệp và sản xuất của Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trước khi ký kết vào tháng 1.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và sau đó, ông Trump luôn quảng bá về tài kinh doanh của mình như một phương thuốc cho ung nhọt trong thương mại của nước Mỹ. Ông chỉ trích các thỏa thuận thương mại trước đây với Canada, Mexico, Trung Quốc và hứa sẽ cắt giảm thâm hụt, tạo các thỏa thuận tốt hơn với một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Ông đã sử dụng quan điểm của mình với Trung Quốc như một câu chuyện cảnh báo cho những gì sẽ xảy ra nếu người Mỹ chọn ai khác vào Nhà Trắng, rằng chỉ ông mới đủ kiên định trong lập trường và chính sách đối phó với Trung Quốc. Hiện ông tiếp tục làm như vậy khi nhắm vào đối thủ đảng Dân chủ là cựu Phó tổng thống Joe Biden, cho dù tương lai của thỏa thuận thương mại của ông với Trung Quốc vẫn đang bị hoài nghi.

Cái giá phải trả

Nhưng cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đã gây ra hậu quả kinh tế đối với các bang như Ohio và Pennsylvania, nơi thuế quan đã làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và khiến nông dân ngồi trên hàng tấn nông sản thường được xuất đến Trung Quốc nhưng giờ không bán được.

Do đó, theo Cục Dự trữ Liên bang, các ngành sản xuất đã chứng kiến ​​một cuộc suy thoái nhẹ vào năm 2019, với sản lượng giảm 1,3% trong năm nay. Và các nông trang bị phá sản trong năm 2019 đã tăng gần 20% so với năm trước. Với việc mua hàng của Trung Quốc vẫn bị thâm hụt so với mức năm 2017, chính quyền cho biết họ có thể gia hạn chương trình trợ cấp với các nông trại trong năm thứ ba.

Thuế quan của Mỹ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Với nhu cầu mua hàng giảm mạnh khi bùng phát COVID-19, cuộc chiến thương mại mới đang ngày càng tập trung vào cấp vĩ mô. Mỹ vẫn đang áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 360 tỉ USD của Trung Quốc mặc dù đã ký thỏa thuận thương mại vào giữa tháng 1.

Do gần đến ngày tiến hành bầu cử, bây giờ có thể không phải là thời điểm thích hợp để Mỹ trả đũa Trung Quốc. Đảng Cộng hòa nhận thức được điều đó nên họ vẫn chưa thúc đẩy một dự luật cải cách lớn để dịch chuyển các doanh nghiệp trở lại Mỹ hoặc trừng phạt Trung Quốc vì trách nhiệm trong đại dịch COVID-19.

Đảng Cộng hòa rất nhạy cảm với hành động thô bạo hoặc quá nóng vội của ông Trump trong việc chống lại Trung Quốc vào thời điểm họ cần Trung Quốc duy trì thỏa thuận thương mại, đặc biệt là cam kết mua các mặt hàng nông sản quan trọng của Mỹ như đậu nành. Các thượng nghị sĩ nói rằng việc trừng phạt Trung Quốc trong lúc Mỹ đang phụ thuộc vào họ để xuất khẩu, sẽ là một sai lầm.

"Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta, chúng ta vẫn cần thị trường của Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Roy Blunt, một nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Missouri phát biểu. Thượng nghị sĩ John Thune, đảng Cộng hòa từ Nam Dakota, cho biết đảng này rất nghiêm túc trong việc cố gắng tìm ra cách để các công ty chủ chốt của Mỹ di dời các nhà máy trở lại nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong một đêm.

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ trước bài toán trừng phạt Trung Quốc: Vẫn sợ vỡ bình