Trong số 14 bị cáo sắp bị đưa ra xét xử vào ngày 16.12 tới tại TAND TP.Hà Nội, có 6/14 bị cáo hiện đang tại ngoại.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 6 bị cáo được tại ngoại gồm Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn (đều là thành viên HĐTV MobiFone), Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên (đều là nguyên Phó TGĐ MobiFone).
Trong đó, 5 bị cáo còn lại có tên trên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại. 8 bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 -Bộ Công an. Riêng bị cáo Phạm Thị Phương Anh được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang Bảo lĩnh, hiện tại ngoại.
Được biết, Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam, được áp dụng khi bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nếu có đủ các điều kiện quy định và xét thấy cần thiết thay đổi biện pháp tạm giam thì người có thẩm quyền quyết định áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam.
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh. Mặc dù là một biện pháp thay thế, nhưng biện pháp bảo lĩnh có tính chất ít nghiêm khắc hơn so với tạm giam.
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Phương Anh với vai trò, trách nhiệm là Phó TGĐ MobiFone -phụ trách tài chính, kế toán, Tổ trưởng tổ giúp việc, Tổ trưởng tổ đàm phán, biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài… Tuy nhiên, bị cáo Phạm Thị Phương Anh cùng Ban TGĐ ký Báo cáo trình HĐTV, cùng Ban TGĐ ký Quyển dự án để HĐTV trình Bộ TT-TT xem xét, phê duyệt.
Bị cáo tham gia cuộc họp ngày 18.9.2015 giữa MobiFone và đại diện AVG; tham gia cuộc họp ngày 2.10.2015 do Bộ TT-TT chủ trì cùng các thành viên HĐTV, Ban TGĐ MobiFone và AVG thống nhất giá mua là hơn 8.898 tỉ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG theo nguyên trạng.
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Phương Anh đã thực hiện việc thu xếp, bố trí nguồn vốn để thanh toán cho các cổ đông chuyển nhượng của AVG không đúng như phương án ban đầu. Ngoài ra, Phạm Thị Phương Anh còn tham gia ký khống biên bản họp Ban TGĐ ngày 24.12.2015.
Tại CQĐT, bị cáo khai nhận có nhiệm vụ triển khai thực hiện các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trên cơ sở đánh giá lại kết quả tư vấn của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàngthương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS); và được TGĐ ủy quyền ký Hợp đồng dịch vụ định giá với AMAX trong việc thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG.
Ngoài ra, nguyên Phó TGĐ MobiFone Phạm Thị Phương Anh còn khai nhận đã nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi mua ngay toàn bộ để chuyển đổi thành 100% vốn nhà nước hay mua ít nhất 90% cổ phần theo văn bản của TGĐ, đề xuất thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án…
Trong số 14 bị cáo, có 13 bị cáo bị Viện KSNDTC truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
13 bị cáo gồm: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).
Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên TGĐ MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (Thành viên HĐTV MobiFone) cùng 5 Phó TGĐ MobiFone.
Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, 4 bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhã Thanh
Vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ăn hối lộ sẽ ra tòa vào 16.12.2019
Vụ AVG: 3 triệu USD 'quây tôn‘' và dấu ấn của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Vì sao Trương Minh Tuấn đưa thương vụ AVG vào danh mục ‘Mật’?