Bị cáo Vũ Mạnh Hùng khai nhận đã treo banner quảng cáo và đăng trên trang facebook cá nhân với nội dung “Mua bán tiền Game online, thẻ điện thoại uy tín số 1 Việt Nam – Đại lý cấp 1 RikVip – 23Zdo – Zon".
Chiều 14.11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm đối tượng bị truy tố tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ liên quan tới 2 cựu tướng công an.
Hệ thống thiết kế banner quảng cáo cho đại lý
Theo đó, trong phần xét hỏi bị cáo Vũ Mạnh Hùng (chủ đại lý cấp 1), HĐXX đã cho trình chiếu banner quảng cáo để bị cáo xác nhận. Theo đó, bị cáo Vũ Mạnh Hùng cho biết làm đại lý cấp 1 cho hệ thống game bài Rikvip - Tip.Club từ ngày 18.9.2015,với tên hiển thị “WINER6789”.
Trong thời gian làm đại lý cấp 1, bị cáo Hùng khai đã xây dựng được101đại lý cấp 2. Cáo trạng nêu rõ, từ ngày 19.9.2015 đến 9.8.2017, Hùng có tổng giao dịch mua, bán Rik là1.520.453.111.006 rik, được hưởng lợi từ đổi thưởng VipPoint và đua tốp sự kiện, doanh thu là1.161.718.900 rik=964.226.700 đồng.
Đối với game bài 23Zdo.Club, Hùngcó tổng giao dịch mua, bán Zdo là96.223.608.700 zdo= 79.865.595.200 đồng, được hưởng lợi từ đổi thưởng VipPoint và đua tốp sự kiện, doanh thu (bao gồm cả Zon) là198.822.500 zdo, zon=165.022.700 đồng.Tổng số tiền Hùng hưởng lợi từ Rik, Zdo, Zon là1.129.249.400 đồng.
Nhằm lôi kéo con bạc và các đại lý cấp 2, Vũ Mạnh Hùng treo banner quảng cáo và đăng trên trang facebook cá nhân với nội dung “Mua bán tiền Game online, thẻ điện thoại uy tín số 1 Việt Nam – Đại lý cấp 1 RikVip – 23Zdo – Zon". Hùng cho biết, banner này được hệ thống thiết kế cho các đại lý.
Theo cáo trạng, CQĐTđã phong tỏa20tài khoản của Hùng tại các hệ thống ngân hàng khác nhau, có tổng số dư tài khoản đã phong tỏa là 1.300.193.603 đồng.Về số tiền phong tỏa nêu trên, Hùng có đơn tự nguyện nộp toàn bộ để phục vụ việc điều tra, xử lý vụ án.
Đi vay ngân hàng với hy vọng “gỡ”
Trước đó, bị cáo Nguyễn Trường Sơn đứng trước tòa với thái độ thành khẩn và tỏ ra hối hận vì đã tham gia trò cờ bạc này. Sơn cho biết, ban đầu bị cáo chơi bằng tiền lương của mình, sau đó đã phải vay ngân hàng để hy vọng “gỡ” lại khoản tiền đã mất. “Bị cáo càng chơi càng thua lỗ nên đã vay ngân hàng 400 triệu đồng. Lúc đó, bị cáo bị cuốn hút vào trò chơi nên không kiểm soát được. Đến giờ bị cáo đã thua sạch và rất hối hận vì những gì mình đã làm”, Nguyễn Trường Sơn nói.
Trả lời câu hỏi từ phía luật sư, Sơn khai nhận khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, bị cáo ghi trong hợp đồng là “vay vì công việc cá nhân”. Tuy nhiên, khi giao dịch mua rik với đại lý qua ngân hàng, bị cáo ghi nội dung chuyển tiền là “Mua rik”.
Một trong những con bạc khát nước khác là Trần Mạnh Hiệp.Theo lời khai tại tòa của Hiệp, bị cáo này mua thẻ cào điện thoại, nạp vào hệ thống và được quy đổi ra rik. Để chơi bạc, bị cáo truy cập bằng máy tính tại quán game và điện thoại di động của mình. Bị cáo mua trực tiếp từ đại lý cấp 1 với giá 84 đồng/rik, nếu thắng sẽ bán lại cho đại lý với giá 82 đồng/rik.
Để mua bán rik, Trần Mạnh Hiệp cũng sử dụng tài khoản ngân hàng với nội dung chuyển khoản là “mua rik”, kèm tên đăng nhập của bị cáo. Trong ngày 8.8.2018, ngày cuối cùng trước khi hệ thống bị sập, bị cáo chơi 83 phiên theo hình thức Tài – Xỉu.
“Phiên bị cáo được hệ thống đặt lệnh nhiều nhất là 45 triệu rik (tương đương khoảng 35 triệu đồng) sau khi bị cáo nạp rik trị giá 23 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng kết lại, bị cáo là người thua cuộc sau quá trình tham gia chơi bạc”, bị cáo Hiệp khai.
Nhã Thanh