Nam thanh niên cầm bịch xăng đổ vào bình xe gắn máy, còn miệng thì “phì phèo” điếu thuốc lá, bất ngờ ngọn lửa bùng cháy đã thiêu sống nạn nhân. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị bỏng lên đến 50% cơ thể và đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo người nhà của nam thanh niên T.V.P. (22 tuổi, ngụ tại An Giang), khi P. chuẩn bị đi làm thì phát hiện xe mình bị hết xăng. Lập tức anh mượn xe gắn máy của một người bạn trong khu nhà trọ để ra cây xăng mua tạm 1 lít về đổ vào xe máy của mình.
Không có can, P. lấy túi ni lon để đựng xăng. Đến nhà P. mở bịch nilon xăng ra đổ vào bình xe gắn máy, trong lúc đổ xăng miệng phì phèo điếu thuốc lá. Bất ngờ lửa phực cháy lên, P. hốt hoảng giật túi xăng lại thì văng vào người khiến lửa táp vào người anh biến nạn nhân thành ngọn đuốc.
Mọi người trong khu nhà trọ hốt hoảng liền tri hô rồi dập lửai. Sau khi ngọn lửa trên cơ thể của P. được dập tắt thì quần áo của nạn nhân đã cháy hết, nhiều vùng da trên cơ thể bong tróc. Nạn nhân được chuyển đến bệnh viện địa phương nhưng do tình trạng bỏng quá nặng, các bác sĩ đã chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Ngày 10.11, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh nhân T.V.P bị bỏng 50% toàn thân, trong đó có 17% bỏng sâu (độ III). Bệnh nhân đang được theo dõi nguy cơ bị bỏng đường hô hấp.
"Nếu bệnh nhân P. bị bỏng đường hô hấp thì sẽ đối diện với nguy cơ tử vong rất cao”, một bác sĩ khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Mặc dù hiện nay bệnh nhân P. đã qua giai đoạn sốc bỏng, nhưng theo các bác sĩ ở đây nguy cơ bệnh nhân này phải đối diện với tình trạng nhiễm trùng là rất cao. Nếu may mắn qua được nguy kịch, người bệnh sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ di chứng sẹo lồi, sẹo co rút, ảnh hưởng tiêu cực đến vận động và chất lượng cuộc sống.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ ở đây khuyến cáo người dân khi sử dụng xăng, bếp cồn, bếp gas... phải đặc biệt lưu ý, nhất là đối với xăng cần phải tránh xa lửa. Vì chỉ cần một bất cẩn nhỏ sẽ cướp đi sinh mạng của chính mình, thậm chí của cả những người xung quanh.
Hồ Quang