Tôi có đứa cháu sống ở nước ngoài. Lần về quê, đi chơi biển Vũng Tàu tắm biển, đến lúc mắc tiểu, cháu chạy lên bờ và nằng nặc đòi phải vào nhà vệ sinh dù nhiều người trong nhà cố thuyết phục cháu “xả thải” đại xuống biển cho đỡ mất công, phiền toái với chuyện nhà vệ sinh trên bãi biển…
Bởi biển cả thì mênh mông, còn chuyện đi vệ sinh trên bãi thì nhà vệ sinh vừa xa, vừa dơ, lại phải mất tiền. Thế nhưng cậu bé mười tuổi này đã quen với lối giáo dục ở xứ người, có thuyết phục cách mấy thì cũng không chấp nhận chuyện làm dơ biển.
Nhắc đến câu chuyện này là để đề cập đến ý thức vệ sinh và bảo vệ môi trường của đa số người dân nước ta, từ cấp “vi mô” như cá nhân và cả đến cấp “vĩ mô” như các bộ, sở. Điển hình nhất là vụ Formosa và mới đây nhất là vụ cấp phép xả thải đến cả triệu tấn bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển Bình Thuận.
Có lẽ, với ý nghĩ nôm na đơn giản là biển cả thì bao la vô tận, có xả thải hay “đầu độc” cỡ nào “biển mẹ” cũng bao dung hòa tan nên chúng ta cứ tha hồ mà thải, xả. Thế nhưng bài học từ vụ Formosa đã cho thấy rõ là thực tế không đơn giản như vậy mà hậu quả của việc xả thải của nhà máy này vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội nước ta cho đến tận hôm nay. Một số nhà khoa học còn đánh giá là mức độ ảnh hưởng của vụ xả thải này có thể kéo dài đến hơn nửa thế kỷ.
Bài học Formosa còn chưa “tiêu hoá” nổi, giờ bộ Tài nguyên và môi trường lại cấp phép cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả thải gần một triệu mét khối bùn xuống biển, tương đương lượng xả thải xuống biển của cả thế giới. Chưa hết, một giấy phép xin xả thải 2,4 triệu mét khối bùn nữa cũng của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã được nộp lên chờ xét duyệt.
Nếu chỉ riêng xét về bài toán kinh tế thì việc xả thải chất lỏng cũng như chất rắn xuống biển sẽ được lợi gì và gây hại gì? Theo tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang, thì chúng sẽ tiêu diệt các rạn san hô, vốn là nơi cư trú và sinh sản của các loài thủy tộc.
Các nhà máy như Formosa hay Vĩnh Tân không biết làm lợi cho kinh tế được bao nhiêu, nhưng với việc có thể tàn phá hàng ngàn ký lô mét vuông biển trong vòng vài chục năm, thử hỏi cái lợi có bù hại? Chúng ta cần nhớ một điều theo tính toán của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), mỗi ký lô mét vuông biển có giá trị kinh tế ở mức khoảng 600.000USD/năm.
Qua những câu chuyện trên, câu hỏi được đặt ra là chức năng của bộ Tài nguyên và môi trường trong những năm qua và hiện nay là gì, là bảo vệ tài nguyên môi trường hay cấp phép xả thải? Việc bùn, nếu là sạch và không độc hại với môi trường thì vì sao lại phải thải xuống biển mà không tận dụng lại trên bờ để làm giàu dinh dưỡng cho đất đai nông nghiệp? Vì sao với chuyên môn là quản lý khoa học tài nguyên và môi trường mà các nhà quản lý thuộc bộ lại không biết đến việc bùn xả thải có khả năng hủy hoại môi trường trong phạm vi cả 170 hải lý biển, như phân tích của tiến sĩ Nguyễn Tác An?
Nhiều người dân như người viết hẳn đã phải nảy sinh thắc mắc về việc người dân phải đóng thuế môi trường trong những năm qua và sắp tới có thể sẽ tăng cao hơn nữa (lên đến 8.000đ một lít xăng), là để làm gì? Để làm gì khi mà Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO), là nước có tỉ lệ phá rừng cao thứ hai thế giới, chỉ sau Nigeria? Để làm gì khi mà cho đến giờ ngư dân bốn tỉnh miền Trung đến nay vẫn chưa và không biết bao giờ mới được phép khai thác cá đáy sau sự cố Formosa?
Trong quyển sách “Sụp đổ - Các xã hội đã thất bại và thành công như thế nào?”, giáo sư Jared Diamond đã phân tích về một trong những nguyên nhân của sự lụn bại và sụp đổ của một xã hội như đảo Phục Sinh là do sự “tự sát về môi trường”. Đó có thể là những bài học để chúng ta chiêm nghiệm, phản tỉnh, để có thể thực sự “phát triển mà không hy sinh môi trường”…
Đoàn Đạt