Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, chủ trương xây tháp truyền hình không chỉ là xây cho truyền hình VTV mà còn là một điểm nhấn của đô thị, có thể thu hút du lịch, du khách, và có thể cũng trở thành điểm nhấn cho vấn đề phát triển kinh tế, dịch vụ. Đây không chỉ một trụ tháp truyền hình mà còn là biểu tượng về mặt văn hóa.

'Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới là biểu tượng về văn hóa'

Một Thế Giới | 02/04/2015, 09:18

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, chủ trương xây tháp truyền hình không chỉ là xây cho truyền hình VTV mà còn là một điểm nhấn của đô thị, có thể thu hút du lịch, du khách, và có thể cũng trở thành điểm nhấn cho vấn đề phát triển kinh tế, dịch vụ. Đây không chỉ một trụ tháp truyền hình mà còn là biểu tượng về mặt văn hóa.

Liên quan đến dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới vừa được Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1.4.2015.
Thủ tướng vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới và giao cho VTV lên kế hoạch triển khai. Vậy, hiện nay Chính phủ đã nhận được báo cáo về tiến độ thực hiện dự án chưa? và việc xây tháp cao 636m thì quy mô này có hợp lý không, thưa Bộ trưởng?
Ai cũng muốn đất nước mình có cái gì đó đẹp, tốt trong quá trình dựng xây phát triển, không ai muốn đất nước mình thua kém các nước khác. Cho nên chủ trương xây tháp truyền hình không chỉ là xây cho truyền hình VTV mà nó là một điểm nhấn của đô thị, là một trung tâm có thể thu hút du lịch, du khách, và có thể cũng trở thành điểm nhấn cho vấn đề phát triển kinh tế, dịch vụ.
Từ việc xây dựng tháp truyền hình sẽ tạo ra một sự lan tỏa, cho nên đây không chỉ là một trụ tháp truyền hình mà đối với nhiều nước trên thế giới, đó còn là biểu tượng về mặt văn hóa.
Tôi cho rằng, có thể đứng ở một độ cao mà nhìn thấy hết Thủ đô của chúng ta là một điều vinh dự. Du khách các nước khi đến Hà Nội cũng sẽ muốn làm điều đó, cho nên chủ trương này là phù hợp và nhiều người sẽ rất mừng khi Việt Nam sở hữu tháp truyền hình cao nhất thế giới này.
Tuy nhiên, hiện nay đất nước còn nghèo cho nên chủ trương của Đảng và Chính phủ là như vậy nhưng lại không có tiền để thực hiện, nên mới tạo cơ chế để có thể huy động các nguồn vốn xã hội từ phía doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân. 
Hiện nay, đơn vị chủ trì vấn đề này là VTV và họ đang tích cực vận động các nhà đầu tư để làm, giống như là một công ty cổ phần mà trong đó VTV có đủ tư cách, có sự chuẩn bị cho một dự án lớn. Sau khi có dự án, sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, lắng nghe góp ý và tiến hành tổ chức thực hiện. 
Mấy ngày qua tôi thấy một số báo có bình luận, nhưng các báo chỉ đi sâu vào vấn đề đất nước mình còn nghèo, chưa nên làm điều đó và đặt ra câu hỏi: có cần phải xây tháp truyền hình với độ cao như thế này không?
Thực ra, người xây sau mà xây cao hơn một hai thước, chuyện này cũng bình thường. Chủ trương xây dựng tháp truyền hình đã có từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ năm 1995, nhưng lúc đó không có tiền, không có điều kiện. Đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục chủ trương đó nhưng cũng lại không có tiền, nên mới phải huy động từ vốn xã hội hóa.
Tôi cho rằng, việc xây tháp truyền hình cao nhất thế giới không có vấn đề gì để phải bận tâm. Tại sao chúng ta lại cứ thích phải thấp hơn người khác? Mong muốn cao hơn người khác là việc cần phải được ủng hộ.
xay-thap-truyen-hinh-cao-nhat-the-gioi-con-la-bieu-tuong-ve-van-hoa-hinh-anh-1
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
Việc xã hội hóa những công trình lớn là rất phù hợp. Tuy nhiên, với dự án xây tháp truyền hình lớn nhất thế giới thì Nhà nước dự kiến đầu tư bao nhiêu phần trăm và để tư nhân góp bao nhiêu phần trăm, thưa Bộ trưởng?
Sẽ không có tỷ lệ và việc này sẽ do VTV chủ trì. Thực ra đây cũng không phải là vấn đề khó quản lý, cho nên không đưa ra chủ trương là các đơn vị phải đóng góp bao nhiêu phần trăm, điều này sẽ làm việc kêu gọi khó khăn hơn.
Còn hiện nay chúng ta đang kêu gọi các doanh nghiệp và trong đó có doanh nghiệp nhà nước. 
Ngoài SCIC, VTV và một số nhà đầu tư khác ra thì liệu có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia không thưa ông?
Tôi nghĩ nếu có thì cũng tốt thôi, không có vấn đề gì, vì các nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm. Họ có khả năng quản lý và kêu gọi du khách thì điều này cũng rất tốt, tôi nghĩ là như vậy.
Nhưng cụ thể thì Chính phủ chưa bàn, Chính phủ chỉ mới bàn chủ trương vàcho cơ chế, còn VTV phải phối hợp với TP Hà Nội để chuẩn bị cho dự án này.
Sau khi chúng ta ổn định về mặt tổ chức dự án thì sẽ có tính toán đầy đủ về nguồn vốn, rồi mới tiến hành thực hiện dự án.
Vậy các nhà đầu tư có phải báo cáo thiết kế dự án lên Chính phủ không, thưa ông?
Chắc chắn là việc gì quá tầm của của các nhà đầu tư thì họ sẽ phải báo cáo. Vấn đề nào thuộc sự quản lý của Chính phủ thì họ phải báo cáo. 
Hôm nay, tôi có hỏi Tổng Giám đốc VTV thì anh có trả lời rằng không có gì ngại lắm vì chúng ta chỉ cần một số vốn cần thiết ban đầu, còn sau đó sẽ vay nước ngoài, cho nên dự án này không phải là khó khăn, không khả thi.
Nếu vay nguồn vốn từ nước ngoài thì chúng ta sẽ phát hành trái phiếu hay như thế nào, thưa ông?
Không, việc này là do công ty cổ phần làm, còn Chính phủ sẽ không tham dự.
Theo kế hoạch thì đến khi nào VTV phải đưa đề án để trình lên Chính phủ, thưa Bộ trưởng?
Hiện nay VTV đang xúc tiến, có lẽ là sẽ nhanh thôi. Còn theo như tôi nghe nói thì đã có rất nhiều đơn vị đăng ký tham gia đầu tư dự án này.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đ. Tuyết - Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới là biểu tượng về văn hóa'