Mùa xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) năm nào cũng có điều ra tiếng vào, người không đạt luôn có những thắc mắc, băn khoăn.

Xét tặng danh hiệu NSND: Vẫn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Một Thế Giới | 29/06/2015, 08:00

Mùa xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) năm nào cũng có điều ra tiếng vào, người không đạt luôn có những thắc mắc, băn khoăn.

 Năm 2015, lần đầu tiên việc xét tặng danh hiệu dành cho nghệ sĩ được áp dụng theo Luật Thi đua - Khen thưởng, những tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ hơn, song một lần nữa dư luận lại nổi sóng bởi việc rơi rụng của nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc qua mỗi vòng xét loại.
Hai hồ sơ không lọt vào vòng Hội đồng cấp bộ của Nhà hát Tuổi trẻ đang được dư luận chú ý nhiều là hai nghệ sĩ khá quen mặt với khán giả: NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng. Mặc dù rất được công chúng yêu thích, ủng hộ nhiệt tình nhưng hai nghệ sĩ này vẫn “trượt vỏ chuối” trong đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm nay với lý do là số huy chương không đủ và không đạt được đủ phần trăm phiếu bầu của hội đồng.
Theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu, sau khi đạt danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có thêm 2 huy chương vàng ở các cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do các cục chuyên ngành của bộ tổ chức. Còn huy chương vàng tại các cuộc thi, hội diễn của các hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ sân khấu… chỉ được quy đổi bằng 2/3 huy chương vàng mà thôi. Điều này khiến cho tiêu chí về số huy chương của các nghệ sĩ đã khó càng thêm khó. 
Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn “có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên” (riêng xiếc và múa thì 10 năm). Trong 15 năm đó, những nghệ sĩ đã nhận danh hiệu NSƯT hầu hết đều đã qua thời vàng son của nghề, việc đòi hỏi phải có thêm 2 huy chương vàng thì mới được NSND với nhiều người dường như vượt quá sức của họ. 
Băn khoăn về tiêu chí xét số lượng huy chương, NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều lần chia sẻ rằng: “Thực ra việc xét tặng này vừa dễ mà vừa khó, mỗi thời kỳ lại có một thay đổi khác nhau, năm nay căn cứ vào Luật Thi đua - Khen thưởng. Ở nhiều bộ môn như nghệ thuật xiếc, không có nhiều liên hoan xiếc trong nước, thế thì các nghệ sĩ lấy đâu ra giải thưởng để được tôn vinh?
Trước đây thì cứ 3 năm hay 5 năm lại có các kỳ liên hoan xiếc toàn quốc. Nhưng không hiểu trong kế hoạch phát triển ngành nghệ thuật lại bỏ quên việc tổ chức các liên hoan xiếc toàn quốc. Các nghệ sĩ xiếc hàng năm cũng chỉ tham gia vài ba liên hoan, mà các tiết mục nhiều lắm cũng chỉ 2 - 3 nghệ sĩ biểu diễn. Thử hỏi như thế thì các nghệ sĩ đến bao giờ mới đủ giải thưởng”.
Tâm tư của các nghệ sĩ là vậy, song quy định xét lại quá ngặt nghèo nên để đạt được cả tình và lý cũng không phải chuyện đơn giản. Có lẽ vì vậy mà hội đồng xét danh hiệu cứ “án tại hồ sơ” để tránh khiếu nại về sau, rất hiếm khi “nương tay”. 
Tài năng của người nghệ sĩ phải được đo bằng những cống hiến đích thực cho nghệ thuật, bằng những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ trong lòng công chúng, chứ không thể chỉ được xác định một cách cơ học bằng thời gian hoạt động nghề nghiệp hay những giải thưởng, huy chương.
Thực tế cho thấy, có những diễn viên rất chịu khó tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn, mang về nhiều huy chương vàng, bạc nhưng cống hiến của họ cũng chỉ dừng lại ở đó, công chúng chẳng biết họ là ai. Trong khi đó, có những nghệ sĩ cả đời tâm huyết, cống hiến cho nghệ thuật nhưng không có nhiều cơ hội sắm vai chính cho nên không đủ huy chương để xét tặng danh hiệu. Với chủ trương trẻ hóa sân khấu, những nghệ sĩ đã đứng tuổi càng khó có cơ hội hơn. Vì thế, huy chương, giải thưởng đúng là một cơ sở để chứng minh tài năng của người nghệ sĩ nhưng không thể lấy đó là yếu tố quyết định để khẳng định vị thế nghệ thuật của họ.
Nếu chỉ dừng lại ở những con số lạnh lùng là huy chương, là 90% phiếu bầu… thì có nhất thiết phải thành lập hội đồng tới 4 cấp hay chỉ cần nạp con số vô hồn vào một phần mềm máy tính rồi cho máy tự xử lý!
Để giải thưởng và danh hiệu trở về đúng vị trí và ý nghĩa, để những nghệ sĩ xứng đáng được tôn vinh, cần lắm cái “tầm” và “tâm” của nhà quản lý đối với nghệ thuật cũng như những người làm nghệ thuật.
Và cái “tầm”, cái “tâm” ấy phải được cụ thể hóa bằng một hành lang pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh động, bám sát hoàn cảnh thực tế và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Có như vậy thì mới hy vọng việc xét tặng danh hiệu, vinh danh các nghệ sĩ không còn bị bó buộc bởi cảnh “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. 
Mai An/ Theo SGGP
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét tặng danh hiệu NSND: Vẫn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”