Gần 2 năm trước (tháng 9/2013), anh Trịnh Tấn Phúc (SN 1990, ngụ xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) bị một thanh niên ngụ cùng xã đánh đến tàn phế, lâm vào hoàn cảnh bi đát.

Ăn chặn tiền từ thiện ủng hộ người khiếm thị, mù chữ

Một Thế Giới | 01/06/2015, 13:32

Gần 2 năm trước (tháng 9/2013), anh Trịnh Tấn Phúc (SN 1990, ngụ xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) bị một thanh niên ngụ cùng xã đánh đến tàn phế, lâm vào hoàn cảnh bi đát.

Tháng 5/2015, một lần nữa gia đình anh Phúc lại liên lạc cầu cứu báo chí, nhưng lần này với lý do vì không biết chữ, không hiểu thủ tục nhận tiền từ thiện... mà suốt thời gian qua, bị vợ chồng Đặng Hoàng Chương (SN 1943) và Trần Thị Thu (SN 1960, ngụ xã Bình Triều) trục lợi, chiếm đoạt tiền các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Bị đánh mù mắt, dập não

Sau 2 năm gặp lại, căn nhà cấp 4 cô độc giữa cánh đồng của ông Trịnh Tấn Á (SN 1963, cha nạn nhân Phúc) càng xập xệ xuống cấp hơn. Giữa cái nắng gay gắt ngày hè, nhà không có quạt máy, bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1966, mẹ Phúc) một tay phẩy phẩy quạt nan, một tay đút mì tôm cho con, nước mắt hòa cùng mồ hôi ướt áo. Gặp lại PV, ông Á nghẹn ngào: "Vì không biết chữ và không ngờ có người nhẫn tâm đến mức độ này, nên phải chịu cảnh nhìn con tàn phế suốt đời, nợ nần chất chồng...".

Tai ương của gia đình bắt đầu vào một đêm đầu tháng 8/2012, Phúc cùng người bạn chạy xe máy sang chơi làng bên. Trên đường đi, cả hai vượt qua xe của hai nam thanh niên "thổ địa làng" đang đi cùng chiều. Bực vì hít phải bụi, hai "thổ địa" lập tức rồ ga rượt, ép xe Phúc vào lề, đánh đấm, táng mũ bảo hiểm nhiều lần vào đầu Phúc. Hai nạn nhân chở nhau về, đi một đoạn ngắn thì Phúc choáng khiến xe đổ theo, toàn thân tím lạnh, được bạn đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình.

Hai đối tượng gây án nhanh chóng bị bắt. Phần nạn nhân, do thương tích quá nặng, tiếp tục được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, xác định bị nứt xương thái dương phải, tụ máu trong và ngoài màng cứng; chèn ép tổn thương thần kinh hậu nhãn cầu hai bên, khiến 2 mắt mù hoàn toàn, bị liệt nửa người do ảnh hưởng của chấn thương sọ não... tỷ lệ thương tích 85%. Ba tháng trải qua hàng chục ca phẫu thuật, Phúc mở được mắt nhưng không nhìn thấy gì. Cũng trong 3 tháng đó, phần hộp sọ bể được lấy ra ngoài nuôi dưỡng phải chấp nhận huỷ vì sức khoẻ Phúc quá yếu, phù não. Điều này cũng đồng nghĩa một bên đầu của nạn nhân bị khuyết xương sọ, lõm xuống.

Tiếp tục thêm 3 tháng nằm viện, gia đình hoàn toàn khánh kiệt. Mẹ nạn nhân nức nở: "Vợ chồng tôi có 3 người con. Phúc là con trai duy nhất. Nhà tôi thuộc hộ nghèo, chồng bị hở van tim, tôi bị thấp khớp không làm gì được. Cả đời tui chưa 1 lần cầm được tiền triệu trong tay, rứa mà lúc nó đột ngột con bị nạn, phải đi vay nóng, nợ đến hơn 300 triệu".
An chan tien tu thien ung ho nguoi mu mat, dap nao-hinh-anh-1
 Gia đình ông Á

Tiền ủng hộ từ thiện bị ăn chặn 40%

Không còn cách nào xoay được tiền, gia đình đưa con về nhà, chấp nhận sống cuộc đời tàn phế với nhiều di chứng, bị liệt nửa người, mắt mù vĩnh viễn... Sau khi Phúc bị đánh, cô em gái học lớp 11 cũng đành phải nghỉ giữa chừng vì nhà không còn tiền.

Theo người cha trình bày, đau lòng con một phần, phần nữa, vụ việc xảy ra đã 1 năm, nhưng những kẻ đánh Phúc vẫn chưa được đưa ra xử lý. Đến ngày 3/9/2013, gia đình nạn nhân đưa con đến TAND huyện Thăng Bình để tham gia phiên xử vụ “Cố ý  gây thương tích" trong, vai trò bị hại, nhưng bất ngờ toà thông báo huỷ. Đau đớn trước cảnh tàn phế của con, lại thêm uất ức dồn nén vì mỏi mòn chờ ngày ra toà, gia đình ông Á không chịu ra về mà tập trung trước VKSND huyện khóc than đòi  trả lại công bằng. Thủ phạm sau đó cũng bị tuyên án. Thời điểm này, báo PL&TĐ tìm về viết bài, nêu hoàn cảnh của gia đình bị hại. Sau bài báo, rất nhiều độc giả trực tiếp giúp đỡ tiền qua số điện thoại của ông Á ghi trên bài viết.

Sự việc bị ăn chặn cũng bắt đầu từ đây. Cùng thời điểm, thông qua việc được ông Á nhờ viết đơn kháng cáo, biết ông Á mù chữ, không hiểu mở thẻ ATM ngân hàng và các thủ tục nhận tiền từ nhà hảo tâm... vợ chồng Chương - Thu đứng ra làm giúp với điều kiện phải "chi" lại 40% số tiền được giúp đỡ. Trong lúc bần cùng và cần tiền lo thuốc men cho con, ông Á nhận lời.

Trong đơn tố cáo gửi công an, ông Á ghi một số lần bị vợ chồng Chương - Thu ăn chặặn cụ thể như sau: 3 cá nhân ở Hà Nội, 4 cá nhân ở Sài Gòn hỗ trợ gần 7 triệu đồng; nhưng Chương đã lấy 4 triệu. Chi hội từ thiện Quán Thế Âm (Đà Nẵng) giúp 10,7 triệu đồng, Chương lấy 5 triệu. Phật tử chùa Giác Nguyên (Quảng Nam) giúp 2,5 triệu, Chương lấy 1 triệu. Công ty xổ số kiến thiết Đà Nẵng giúp 1 triệu đồng, Chương lấy 400 ngàn đồng... Tổng cộng Chương đã ăn chặn gần 30 lần với số tiền gần 40 triệu. Ngoài ra, chưa kể Chương bắt ông Á phải chi phí "tiền xăng xe, trà nước" mỗi khi Chương đi nhận tiền giúp đỡ. Nhiều lần, tiền nhận được, Chương cho rằng "không đủ chi phí đi lại".

Theo nạn nhân, hai đối tượng ăn chặn Đặng Hoàng Chương và Trần Thị Thu có hộ khẩu ờ xã Bình Quý, vốn làm nông nghiệp, kinh tế bình thường. Vài năm trở lại đây, thấy mùa màng thất bát, họ chuyển đi khỏi địa phương, dịp Tết thi thoảng về quê chụp ảnh. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Công an xã Bình Triều xác nhận, vợ chồng Chương - Thu có hộ khẩu ở xã Bình Quý nhưng đến tạm trú tại thôn 3, Xã Bình Triều từ tháng 8/2011 đến nay, chuyên nghề chụp ảnh, quay phim dạo.

Trục lợi trên nỗi đau của người khác

Theo Phó công an xã Bình Triều, không chỉ dính đến nghi án tại xã này, thời gian qua, Chương cũng đang bị Công an xã Bình Giang cùng huyện triệu tập làm việc theo đơn thư tố cáo đã ăn chặn tiền từ thiện của một nạn nhân khác. Ngày 16/5 xã Bình Triều nhận được đơn tố cáo của ông Á, đã mời nghi phạm Chương lên làm việc nhưng không được hợp tác. Hai hôm sau, Chương mới chịu đến cơ quan công an nhưng không thừa nhận hành vi ăn chặn tiền như tố cáo. Xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Công an hai xã Bình Triều và Bình Giang đã lập hồ sơ, chuyển vụ việc lên Công an huyện làm rõ theo thẩm quyền.

Theo công an huyện, ngoài trường hợp ông Á, nghi phạm Chương còn ăn chặn tiền được giúp đỡ của chị Nguyễn Thị Em (SN 1971, ngụ xã Bình Giang). Chị Em là phụ nữ đơn thân, không có việc làm ổn định đang nuôi con nhỏ (SN 2000) bị bại liệt. Cuối năm 2014, cháu bé bị đau nặng nên có nhờ Chương chụp một số ảnh tính xa lo chuyện hậu sự và nhờ làm giấy trình bày hoàn cảnh khó khăn để xin các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Chị Em không rành chữ nghĩa, nên để được ông Chương giúp phải chấp nhận theo yêu cầu là chỉ ghi số điện thoại của Chương để mọi người liên lạc. 
Các nhà hảo tâm muốn giúp đỡ đều liên lạc với Chương. Một số nhà hảo tâm đã gửi giúp đỡ cho chị Em 10,1 triệu đồng, nhưng Chương đã cắt 5 triệu “hoa hồng”. Thực tế Chương có thể nhận được nhiều hơn và ăn chặn cả, theo lời tố cáo của chị Em. Tại công an huyện, Chương vẫn quanh  co chối tội. Sau khi trưng ra nhiều chứng cớ, Chương mới thừa nhận từ cuối năm 2014 lợi dụng tình trạng bệnh tật của con chị Em để chụp hình, mang đến một số cơ tổ chức cá nhân trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng xin giúp đỡ. Khi được ủng hộ hơn 10 triệu đồng, vợ chồng Chương lấy một nửa như đã nêu.

Đối với gia đình ông Á, từ năm 2013, Chương hướng dẫn mở thẻ ATM cho ông Á nhưng giữ mật khẩu thẻ để đi rút tiền. Ngoài ra, Chương còn nhân danh người nhà của nạn nhân Phúc, chụp hình nam thanh niên đang nằm thoi thóp, mang đi nhiều nơi kêu gọi các tổ chức, cá nhân cho tiền. Chương cho rằng, mình chỉ chiếm đoạt có 2,4 triệu, còn lại đã đưa hết ông Á”.

Tới thời điểm này CQĐT bất ngờ tiếp nhận thêm 2 đơn tố  cáo của 2 người khác ở  Quảng Nam cũng tố cáo vợ chồng Chương có hành vi vô nhân tính tương tự . Cảnh sát đã khởi tố vụ án “Lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”  đối với Chương - Thu để tiếp tục điều tra làm rõ.

Vân Anh / PL & TĐ


Bài liên quan
Lý do nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Ukraine của ông Trump nhận được ủng hộ ngày càng tăng ở châu Âu
Nỗ lực hòa bình của ông Trump có thể mang lại cơ hội chấm dứt xung đột, nhưng cũng đi kèm với những thách thức lớn về mặt chiến lược và chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn chặn tiền từ thiện ủng hộ người khiếm thị, mù chữ