Bước vào mùa Vu Lan, có khá nhiều người ăn chay như một nghi thức báo đáp công ơn cha mẹ hay cầu may mắn, an lành. Thế nhưng nhiều người lại không biết cách ăn chay như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng, tránh thiếu dưỡng chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc.

Ăn chay trong mùa Vu Lan thế nào để đảm bảo sức khỏe

16/08/2016, 13:30

Bước vào mùa Vu Lan, có khá nhiều người ăn chay như một nghi thức báo đáp công ơn cha mẹ hay cầu may mắn, an lành. Thế nhưng nhiều người lại không biết cách ăn chay như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng, tránh thiếu dưỡng chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc.

Trong tháng 7 âm lịch, nhiều người chuyển sang ăn chay nhưng lại không biết ăn như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe

Cứ đến hẹn lại lên, trong tháng 7 âm lịch hàng năm, có khá nhiều Phật tử và cả những người ngoại đạo cũng chuyển sang ăn chay, với tâm niệm báo hiếu, đền đáp công ơn cha mẹ, hay để cầu mong phúc đức may mắn trong tháng được gọi là “ tháng cô hồn” này.

Theo TS.BS Lâm Vĩnh Niên – Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong thực tế, ăn chay có tác dụng tốt cho sức khỏe, có thể hạn chế khá nhiều bệnh. Các nghiên cứu cho thấy ăn chay giúp làm giảm nguy cơ đái tháo đường type 2, bệnh tim, nhiều loại ung thư và một số bệnh khác so với ăn thịt.

Người ăn chay có khả năng ít bị béo phì hơn và BMI (chỉ số khối cơ thể) có xu hướng thấp hơn. Nghiên cứu tiến hành ở Anh năm 2013 cho thấy tỷ lệ bệnh tim ở người ăn chay giảm 1/3 so với người không ăn chay. Tổ chức Ung thư thế giới cho thấy ăn thịt là nguy cơ “đáng tin cậy” đối với ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều người đang ăn mặn, đang làm việc trong môi trường căng thẳng, mệt mỏi tiêu tốn nhiều calo, bỗng dưng chuyển sang ăn chay vào dịp tháng 7 âm lịch này, nhưng lại không biết cách ăn sao cho đúng, dẫn đến không đủ sức khỏe làm việc.

Phân tích của bác sĩ Niên cho thấy người đang ăn mặn chuyển sang chế độ ăn chay, tức đang từ ăn các sản phẩm có nguồn gốc động vật chuyển sang các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nhất là ăn kéo dài có thể dẫn đến thiếu một số thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, vốn phong phú hơn ở các thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Bác sĩ Niên lưu ý những người đang từ chế độ ăn mặn khi chuyển sang ăn chay cần phải chú ý đến những thực phẩm cung cấp cho cơ thể đủ protein, sắt, canxi, vitamin D và các acid béo omega-3.

“Để đạt được điều này, người ăn chạy cần ăn phong phú chủng loại thức ăn khác nhau, gồm các loại trái cây, rau củ quả, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc - ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt”, bác sĩ Niên khuyến cáo.

Theo bác sĩ Niên, chế độ ăn chay phải đảm bảo mỗi ngày ăn ít nhất 5 phần các loại trái cây, rau quả (mỗi phần tương đương 80g) cùng với các thành phần carbohydrate có nguồn gốc từ gạo, bánh mì, ngũ cốc, khoai tây (chiếm khoảng trên 1/3 lượng thức ăn); sữa, sản phẩm từ sữa, hoặc các sản phẩm thay thế sữa (như nước uống đậu nành); các loại đậu, trứng và các nguồn đạm khác...

Đối với các thực phẩm có thành phần carbohydrate, bác sĩ Niên cho biết nên ưu tiên những thực phẩm nguyên hạt. Đây là loại thực phẩm cung cấp tinh bột và là nguồn năng lượng chính của cơ thể, các loại thực phẩm này còn chứa chất xơ, canxi, sắt và vitamin nhóm B.

Riêng sữa và các sản phẩm sữa nên dùng loại ít béo và ít đường để cung cấp protein, canxi, các vitamin A và B12; còn đậu, trứng và nguồn đạm khác nên sử dụng các đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng… là các nguồn đạm ít béo, giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng, có thể tính vào thành phần rau quả. Các nguồn đạm khác có thể từ các sản phẩm thay thế thịt như đậu hủ, mycoprotein (như quorn), đạm chay khô (textured vegetable protein) và tempeh.

“Việc sử dụng đạm cần sử dụng nhiều nguồn gốc khác nhau để có được thành phần acid amin phù hợp cho nhu cầu cấu trúc và chức năng của cơ thể”, bác sĩ Niên nói.

Ngoài ra, bác sĩ Niên cũng khuyến cáo những người từ ăn mặn chuyển sang ăn chay nên ăn ít chất béo; giảm số lượng, số lần ăn thực phẩm giàu béo, muối và đường.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Thời gian và nguồn lực có hạn, làm việc nào cần dứt điểm việc đó
“Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn”, Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn chay trong mùa Vu Lan thế nào để đảm bảo sức khỏe