Ma Ri Giah (SN 1989, ngụ ấp Ra Mo, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang) hiện là giáo viên trường tiểu học B Vĩnh Trường. Cô tham gia công tác phòng chống dịch từ tháng 7.2021.

An Giang: Cô giáo người Chăm kể chuyện ít ai biết khi tham gia test cộng đồng

Tô Văn | 16/08/2021, 11:02

Ma Ri Giah (SN 1989, ngụ ấp Ra Mo, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang) hiện là giáo viên trường tiểu học B Vĩnh Trường. Cô tham gia công tác phòng chống dịch từ tháng 7.2021.

Lúc đầu, cô hoạt động trực chốt kiểm soát tại các bến đò. Khi diễn biến dịch phức tạp, Ma Ri Giah cùng với nhiều giáo viên trường được UBND xã Vĩnh Trường đưa đi tập huấn cấp tốc bổ sung cho lực lượng lấy mẫu cộng đồng tại địa phương.

9-cham.jpg
Cô giáo Ma Ri Giah tham gia phòng chống dịch tại địa phương - Ảnh: Ma Ri

Chia sẻ với PV Một Thế Giới, Ma Ri Giah cho biết, do địa phương vùng sâu, vùng xa nên cán bộ y tế rất ít. Vì vậy, địa phương kết hợp luôn giáo viên các điểm trường. Sau đó, phân công mỗi nhóm đi test cộng đồng đều có kèm theo 1 y tế trạm hoặc 1 nhân viên y tế trường.

“Mặc đồ bảo hộ chống dịch, tôi và các anh chị cảm giác như cơ thể luôn trong tình trạng bị mất nước. Quê tôi vùng giáp biên nắng gió khó chịu, nóng bức, những ngày ở nhà là chút xíu đổ mồ hôi như tắm, tôi chịu không nổi, phải tìm ngay chỗ có quạt hoặc tìm những gốc cây to có bóng mát trước nhà để mắc võng nằm”, Ma Ri Giah chia sẻ và cũng quả quyết “Việc mặc đồ bảo hộ tuy nóng bức nhưng sẽ bảo vệ bản thân phòng ngừa lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu vẫn tốt hơn”.

7-cham.jpg
Nhóm của Ma Ri Giah hoàn thành khóa tập huấn test cộng đồng - Ảnh: Ma Ri
8-cham.jpg
Quyết tâm hoàn thành công việc được giao - Ảnh: Ma Ri

Trong quá trình lấy mẫu từng hộ dân, Ma Ri Giah và đồng đội luôn phải đảm bảo đồ bảo hộ và mặc trong suốt nhiều giờ đồng hồ liền. Đến vài tiếng đồng hồ mặc đồ bảo hộ làm việc cũng là ngần ấy thời gian cả nhóm không uống nước, dù khát khô cổ họng, cũng ráng nhịn để tránh lây nhiễm.

Ma Ri Giah kể, hằng ngày trước khi đi làm bản thân đều uống nước sả, gừng, chanh đã nấu sẵn để có thể bổ sung vitamin C và năng lượng làm việc suốt một ngày. Thời gian làm việc, sáng bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc có khi hơn 5 giờ chiều.

2-cham.jpg
Ma Ri Giah kiểm tra việc phòng hộ cho mọi người trong nhóm - Ảnh: Ma Ri
4-cham.jpg
Trong những ngày tham gia test cộng đồng, Ma Ri Gial còn vượt qua áp lực gia đình - Ảnh: Ma Ri

Trong những ngày tham gia đi test cộng đồng, Ma Ri Giah còn vượt qua áp lực gia đình. Sợ chồng và người thân lo lắng nên cô chỉ nói tham gia hỗ trợ chốt kiểm soát.

“Những lúc chồng gọi điện thoại, tôi không dám bắt máy vì đang mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Lúc tôi xong việc có thể gọi điện thì đã muộn. Về tới nhà, chồng tôi nhiều khi giận hờn không nói chuyện”, Ma Ri Giah tâm sự không ít lần đã khóc thầm vì do chồng hiểu lầm.

5-cham.jpg
Việc thực hiện test cộng đồng, cả nhóm bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày - Ảnh: Ma Ri

Chia sẻ về lý do tham gia chống dịch, Ma Ri Giah nói: “Ở nhà, ngày nào khi xem báo đài thấy nhiều ca mắc COVID-19 mới buồn lắm. Nhưng khi nghe địa phương kêu gọi lập tức đăng kí lên đường tham gia, tất cả vì đồng bào thì tại sao không cống hiến để đi chống dịch”.

Trong quá trình tham gia test cộng đồng, nhóm của Ma Ri Giah gặp khó khăn như gặp những người hay nhường qua nhường lại vì sợ đau hoặc trốn tránh trong quá trình test nên làm mất thời gian. Tuy nhiên, có những đồng đội tâm lý và những lời động viên người dân để họ thực hiện tốt hơn. Việc này, giúp cô thêm mạnh mẽ và tích cực hoạt động với tầng suất cao hơn.

“Tôi được phân công ở nhóm 6, cũng là nữ nên được các anh em yêu thương. Có một người anh trong nhóm từng động viên: Chúng tôi sẽ làm tất cả để thành công. Đơn giản bởi chúng tôi là những người trẻ và chúng tôi không bao giờ biết từ bỏ. Hãy cứ làm đúng trách nhiệm của mình”, Ma Ri Giah chia sẻ.

3-cham.jpg
Thời điểm này, xã Vĩnh Trường đã hoàn thành chỉ tiêu test sàng lọc 100% - Ảnh: Ma Ri

Ông Nguyễn Nhu - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường, huyện An Phú cho biết, hiện trong khu dân cư của xã hơn 3.000 người dân, số lượng có thể nói là rất đông. Vì vậy, địa phương thiếu nguồn cán bộ y tế buộc phải tăng cường thêm giáo viên tham gia việc sàng lọc để theo kịp tiến độ quy định của cấp trên.

“Khi tăng cường gần 60 giáo viên tham gia test cộng đồng. Tôi nhận thấy những giáo viên và cô Ma Ri Giah hỗ trợ rất tốt, nhiệt tình trong công tác sàng lọc trong cộng đồng và thời điểm này địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu test sàng lọc 100%”, ông Nhu nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Cô giáo người Chăm kể chuyện ít ai biết khi tham gia test cộng đồng