Gần một tháng qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã có nhiều việc làm, hành động thiết thực, cụ thể và thấm đượm tình người để chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM - nơi tâm dịch COVID-19 đang hoành hành.
Thiêng liêng 2 tiếng đồng bào!
Lâu nay, người dân phương Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng nổi tiếng là người chất phác, thật thà, hào sảng và nghĩa tình. Và giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai như hiện nay. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã hướng về bà con đồng bào nơi tâm dịch với những hành động, cách làm cụ thể bằng cả tình người, tình đồng bào. Điều đó, khiến tôi nhớ lại câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” mà ông cha ta đã đúc kết từ xa xưa.
Vào ngày 18.7 vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn ở TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là 12 tấn tôm thẻ đông lạnh từ nguồn kinh phí cứu trợ của địa phương. Trong 12 tấn tôm này, địa phương gửi tặng người dân TP.HCM 10 tấn, 2 tấn tôm còn lại tỉnh sẽ gửi đến Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP.HCM nhờ chuyển tới hỗ trợ cho bà con đồng hương đang sinh sống và làm việc tại TP. Cũng trong tháng 7.2021, tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ cho bà con Cà Mau đang sinh sống, lao động, học tập và làm việc ở TP.HCM hơn 2 tấn cá khô các loại, 1 tỉ đồng và cùng nhiều nhu yếu phẩm được vận động từ các đơn vị tài trợ.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động chuẩn bị phương án hỗ trợ cho người dân Cà Mau gặp khó khăn tại một số địa phương do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương để UBMTTQVN tỉnh và các sở, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động, kêu gọi hỗ trợ và xuất ngân sách tỉnh để thông qua Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tổ chức hỗ trợ người gặp khó khăn tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận trên 1.300 trường hợp (trong đó Cà Mau gần 700 trường hợp). Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chăm lo cho bà con gặp khó khăn cần hỗ trợ về vật chất, lương thực, thực phẩm thiết yếu. Từ đó, giúp bà con giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Để góp phần chi viện nhân lực cho TP.HCM chống dịch, trong sáng 9.8, tại Khoa hồi sức tích cực – chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã cử 2 đội gồm 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng giỏi lên đường giúp TP.HCM chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, bác sĩ Trần Hoàng Phó và bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhã được phân công làm đội trưởng cũng với 2 điều dưỡng sẽ trực tiếp tham gia việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 bị nguy kịch tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng khoa hồi sức tích cực – chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: “Đây là đợt đầu tiên chúng tôi cử 6 người là bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm, nhiệt tình, có thể hoàn thành việc chi viện cho Bệnh viện Chợ Rẫy”.
Trân quý từng keo ba khía, con cá khô
Dân Cà Mau thật thà, chất phác, với người khó khăn thì họ luôn giúp đỡ rất nhiệt tình. Từ những sản vật có được ở địa phương như con tôm, con ba khía hay mớ cá khô ở miệt miền biển… họ cũng cẩn thận chế biến rồi gói ghém lại để làm quà gửi cho bà con nơi tâm dịch nhằm san sẻ phần nào giúp người dân có thêm động lực để cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Điều đó thật đúng với tinh thần, truyền thống của người dân Việt Nam chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Xứng đáng với câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”.
Hơn nữa tháng qua, Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã phối hợp với các ngành, đoàn thể của địa phương đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, vựa thu mua thủy hải sản… trên địa bàn gồm: mì, gạo để hỗ trợ cho bà con khó khăn tại địa phương. Còn tôm, cá biển, ba khía… thì đơn vị sẽ chế biến thành thức ăn. Sau khi thành phẩm, đơn vị sẽ đóng hộp cẩn thận rồi gửi cho Hội đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP.HCM để chuyển đến tận tay cho bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đến nay, địa phương đã vận động, thu gom được trên 200kg ba khía tươi và hàng chục kg cá khô các loại từ các tổ chức, cá nhân. Sau đó, qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ họ đã tách rửa sạch rồi dùng dầu thực vật để chiên giòn con ba khía trước khi tẩm ướp gia vị để rang và đóng hộp. Các sản phẩm được Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc hỗ trợ cho bà con khó khăn ở tâm dịch TP.HCM, tỉnh Đồng Nai gồm: ba khía rang me (ba khía là sản vật nổi tiếng của địa phương – PV), tôm rang, cá khô các loại…
Ông Lâm Sĩ Em, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc chia sẻ, qua xem tin tức ông thấy bà con quê hương đang sinh sống, lao động và làm việc, học tập ở TP.HCM hiện rất khó khăn vì TP đang áp dụng nghiêm ngặt lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. “Với tấm lòng của người dân Cà Mau luôn hướng đến bà con nghèo xa quê nên Hội nông dân đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể đứng ra vận động nhà hảo tâm những sản phẩm của quê hương để gửi đến ủng hộ bà con thông qua Hội đồng hương Bạc Liêu – Cà Mau tại TP.HCM. Thông qua những món ăn này tôi hi vọng bà con sẽ vững niềm tin và an tâm hơn để chống lại bệnh dịch”, ông Sĩ Em tâm tình.
Theo ông Sĩ Em, hiện tại thị trấn Rạch Gốc đã hỗ trợ được 2 đợt gồm các sản phẩm là thức ăn được chế biến từ tôm, cá khô và ba khía cho người dân ở TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. “Tuy món quà không lớn, nhưng đó là cả tấm lòng của chính quyền và nhân dân thị trấn hướng về TP.HCM và các tỉnh thành có dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhất. Chúng tôi sẽ là hậu phương vững chắc để cùng chung tay với chính quyền và nhân dân cả nước sớm đẩy lùi dịch COVID-19 để đem lại cuộc sống yên bình như trước đây. Địa phương sẽ tiếp tục vận động, chế biến thức ăn để ủng hộ cho bà con vùng dịch”, ông Sĩ Em nói.
Tuy không phải là vật chất cao sang hay những món ăn sơn hào hải vị mà những con cá khô, keo tép, ba khía rang chỉ là những sản vật bình thường, dân dã ở miền biển Rạch Gốc của H.Ngọc Hiển. Nhưng ẩn chứa đằng sau đó là cả tấm lòng của người dân địa phương nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung luôn hướng đến những hoàn cảnh khó khăn ở tâm dịch. Họ chẳng quản ngại khó khăn, cần mẫn và tỉ mỉ để tách rửa sạch sẽ rồi chế biến trước khi vận chuyển đến tay người cần hỗ trợ. Chỉ có tình người giúp nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn nhất thì mới thấu hiểu và trân quý.