Năm học 2020-2021 có thể được xem là năm học đặc biệt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các địa phương phải chọn phương án dạy học trực tuyến. Đây cũng là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm và gây nhiều tranh cãi.

An Giang: Học trực tuyến, tiếp tục hay dừng?

Tô Văn | 19/09/2021, 13:05

Năm học 2020-2021 có thể được xem là năm học đặc biệt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các địa phương phải chọn phương án dạy học trực tuyến. Đây cũng là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm và gây nhiều tranh cãi.

Học trực tuyến: Thầy cô thấy khó, trò lại thích

Từ giữa tháng 8, khi COVID-19 diễn biến phức tạp khiến trường học cả nước đóng cửa, trong đó tại tỉnh An Giang, có rất nhiều thầy cô tại các huyện vùng sâu vùng xa lo việc học của học sinh bị gián đoạn. Thấy nhiều trường ở thị xã, thành phố lên kế hoạch dạy trực tuyến. Nhiều thầy cô nghĩ trường mình cũng phải làm vậy. Nhưng thực tế khiến họ không khỏi lo lắng.

2-truc-tuyen-.jpg
Em N. (học sinh lớp 8) đang soạn thời khóa biểu trên điện thoại để học online - Ảnh: Tô Văn

Cô T.T.T. (giáo viên huyện Thoại Sơn) cho biết những khó khăn khi triển khai học trực tuyến. Cô kể: “Tôi lên kế hoạch bắt đầu từ việc giao bài tập qua Zalo của phụ huynh, dạy thử nghiệm trên phần mềm Google Meet và Zavi. Việc này không triển khai đồng bộ do rất nhiều học sinh thiếu thiết bị. Chưa kể, khi đang dạy thử mạng chập chờn thì bị thoát ra phải đăng nhập lại. Ngoài ra, các em học trực tuyến trên điện thoại thì màn hình rất nhỏ dễ gây hư mắt. Còn nếu đảm bảo an toàn cho các em khi học trên máy tính thì phụ huynh ở đây đa số không đủ khả năng mua sắm”. 

Thầy H.N.Đ. (56 tuổi, giáo viên huyện Thoại Sơn) cho biết, hàng chục năm đứng lớp, quá quen với bảng đen phấn trắng, hơn nữa chưa tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, tất cả là con số 0.

“Khi nhà trường triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến trên những ứng dụng mới, tôi cảm thấy cũng chút lo lắng nhưng cũng phải tập làm quen với nó thôi”, thầy Đ. tâm tình.

Còn em N.H.K.N. (học sinh lớp 8, trường THCS P.T) cho biết, bản thân mới làm quen với việc học trực tuyến, khi thầy cô dạy giống như đi học trên lớp.

“Em rất thích thú học trực tuyến trên điện thoại thông minh, em sử dụng điện thoại suốt, lâu lâu nghỉ xả hơi em chơi game, hơn nữa em lại được ở nhà. Nói chung, em thích học trực tuyến hơn đi học trên lớp”.

Tiếp tục hay dừng lại?

Chỉ riêng tại An Giang, khảo sát mới đây cho biết, học sinh tiểu học, THCS, THPT của tỉnh An Giang tổng số 362.299 em nhưng có đến 78.725 em chưa có thiết bị học trực tuyến (chiếm 21,73%). Trong số 78.725 học sinh chưa có thiết bị thì có 12.000 em thuộc diện hộ nghèo, 20.000 em thuộc diện cận nghèo và 3.000 em thuộc diện khó khăn.

Nhiều gia đình khánh kiệt về kinh tế do dịch bệnh kéo dài, đến nay phải gồng mình để trang bị điều kiện cho con em mình học online thì khó khăn chồng chất khó khăn. Không ít bậc cha mẹ phải gạt nước mắt xin lỗi con mình vì không làm tròn trách nhiệm, để con phải thua sút bạn bè cùng trang lứa trong việc trang thiết bị, máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học.

Chưa kể đến, ở một số nơi đường truyền internet không ổn định khiến quá trình tiếp thu bài học của học trò gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học. Nhiều phụ huynh phải “lén lút” đi mua sách giáo khoa cho con học, bởi quy định một số địa phương thì sách không phải là “hàng thiết yếu”. Nhưng có không ít học sinh hiện tại không có sách học, vì phụ huynh chưa tiếp cận được mặt hàng, hoặc biết nguồn hàng để mua nhưng không có tiền.

1-truc-tuyen-.jpg
Một buổi học trực tuyến dành cho sinh viên- Ảnh: Tô Văn

Trước những bất cập phát sinh trong quá trình dạy học trực tuyến, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với thạc sĩ Trương Chí Hùng, Giảng viên Khoa sư phạm, trường Đại học An Giang. Thạc sĩ Hùng cho biết, hiện nay, không ít người đặt ra câu hỏi, Bộ GD-ĐT nên chủ trương tiếp tục hay dừng lại? Với quan điểm cá nhân, chúng ta nên tiếp tục duy trì hình thức dạy học trực tuyến.

“Thời điểm này dịch bệnh COVID-19 tuy có giảm ở một số nơi, nhưng tình hình chung là còn rất phức tạp. Điều này đồng nghĩa, chúng ta không thể một sớm một chiều để kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Tức là, cũng chưa biết đến bao giờ cuộc sống trở lại bình thường, chưa biết đến bao giờ học sinh mới có thể quay lại trường lớp như trước đây. Nếu chúng ta không chọn phương án dạy học trực tuyến mà “tạm dừng” để chờ ổn định, thì sẽ không biết dừng đến khi nào. Trong khi đó, một nền giáo dục cần được vận hành, không thể “đóng băng” vô thời hạn được”, thạc sĩ Hùng nói.

Thạc sĩ Hùng cho biết thêm, nếu so sánh chất lượng dạy và học trực tuyến thì không thể bằng dạy học trực tiếp. Nếu dạy học trực tuyến đối với sinh viên đại học và học sinh bậc trung học phổ thông, qua khảo sát có thể đạt chất lượng khoảng 80% so với học trực tiếp. Còn đối với học sinh tiểu học hay trung học cơ sở, tỉ lệ này có thể còn thấp hơn. Ngoài ra, một số môn thực hành rất khó vận dụng để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hầu như tất cả mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hiệu suất nhiều lĩnh vực chỉ còn duy trì ở mức dưới 30%. Vậy thì chuyện chất lượng giáo dục ít nhiều bị giảm do dạy học trực tuyến là hoàn toàn có thể cảm thông.

Trong quá trình dạy học trực tuyến, không ít giáo viên vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động này. Nhiều giáo viên lớn tuổi phải rất chật vật để cập nhật các kiến thức về công nghệ thông tin để giảng dạy. Đâu đó vẫn còn giáo viên ngại khó, ngại đổi mới nên phản đối việc dạy trực tuyến. Như chúng ta đã biết, chất lượng dạy và học chịu ảnh hưởng rất lớn từ vai trò của người thầy.

Do vậy, nếu giáo viên chưa thực sự tâm huyết với hoạt động dạy học này, thì khó lòng để quá trình giảng dạy thành công. Còn về phía học sinh, sau quá trình giảng dạy, thông qua các bài kiểm tra đánh giá, chúng tôi nhận thấy em nào học tập chăm chỉ thì kết quả học tập khả quan, em nào lười thì kết quả thấp. Điều này phần nào cho thấy, thái độ học tập, sự chuyên cần của học sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập của các em, chứ không hẳn là do dạy trực tuyến hay trực tiếp”, thạc sĩ Hùng phân tích.

Cũng theo thạc sĩ Hùng, thời gian qua, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn còn hoài nghi chất lượng của hình thức dạy học trực tuyến. Điều này dẫn đến thái độ phê phán, thiếu hợp tác với ngành giáo dục và các thầy cô giáo trong việc dạy học con em mình.

Trong một lớp học trực tiếp, dù thầy cô tích cực giảng dạy, thì vẫn có trò giỏi trò yếu. Cho nên, trong lớp học online, chuyện học trò chậm tiến, yếu kém cũng không phải là khó hiểu. Chuyện học trực tuyến rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh. Do vậy, thay vì phê phán, các bậc phụ huynh nên thay đổi tư duy, nên đồng hành với thầy cô giáo.

Một công chức tỉnh An Giang cho biết, trong mỗi người dân chúng ta ai cũng mong muốn dịch bệnh sớm chấm dứt, để trở lại cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được dịch bệnh này bao giờ kết thúc. Từ đầu tháng 9, các học sinh, sinh viên đã bước vào năm học theo hình thức học trực tuyến (online, thời đại của 4.0) song mỗi nhà mỗi cảnh, có những gia đình không thể trang bị thiết bị như máy tính, mạng wiffi..

“Thấu hiểu việc này, tôi nghĩ các cấp lãnh đạo tỉnh nên có giải pháp hỗ trợ. Ví dụ như: Ngành giáo dục phối hợp các địa phương rà soát số lượng học sinh, sinh viên không đủ khả năng trang bị thiết bị gửi ngành Công thương lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị và tổ chức vận chuyển đến từng gia đình các cháu. Về phương thức thanh toán trả chậm và ngân hàng có chính sách hỗ trợ một phần lãi phí. Hoặc rà soát lại các loại máy tính tại các cơ quan đơn vị trong toàn tỉnh, không sử dụng để gửi đến các cháu. Tất nhiên, các loại máy đã qua sử dụng thì tỉnh giao cho đơn vị chuyên môn kiểm tra đảm bảo vận hành tốt. Có như vậy, góp phần không để đứt gãy “chuỗi học tập” của các cháu”, người này nói.

3-truc-tuyen-.jpg
Một buổi hội thảo về dạy học trực tuyến của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang - Ảnh: C.D

Vận động mọi nguồn lực đóng góp kinh phí, hiện vật hỗ trợ học sinh học trực tuyến

Trước tình hình này, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch “vận động đóng góp kinh phí, hiện vật trong toàn ngành” nhằm hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ.

Sở GD-ĐT kêu gọi, vận động mọi nguồn lực đóng góp kinh phí, hiện vật trong và ngoài ngành nhằm hưởng ứng tích cực chương trình. Trong đó vận động mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đóng góp tối thiểu 1 ngày lương hiện hưởng theo lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, các cán bộ, giáo viên và người lao động trong ngành có thể đóng góp thêm bằng hiện vật như laptop, máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh còn mới hoặc đã qua sử dụng, nhằm hỗ trợ học sinh khi bước vào thực học.

Và sáng 16.9, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tổ chức dạy học ở tiểu học trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Sau buổi Hội thảo, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã tổ chức hội ý để định hướng các hoạt động giáo dục cấp tiểu học thời gian tới. Dự kiến để có thời gian cho giáo viên hướng dẫn học sinh làm quen, tiếp cận với phương pháp học trực tuyến đối với lớp 1 tại một số địa phương vừa mới tuyển sinh đầu cấp, thời gian thực học sẽ lùi lại vào 27.9.

Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức buổi Hội thảo để lắng nghe ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên từ các huyện vùng núi, vùng học sinh dân tộc như huyện Tri Tôn, Tịnh Biên... để có những định hướng bao quát, phù hợp tình hình thực tiễn từng địa phương; đồng thời sở cũng sẽ tổ chức Hội nghị giao ban với tất cả cán bộ quản lý trường tiểu học trên địa bàn tỉnh nhằm đề ra các giải pháp phù hợp nhất cho hoạt động giáo dục ở cấp tiểu học trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
26 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Học trực tuyến, tiếp tục hay dừng?