Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải tổ chức học trực tuyến. Tuy nhiên, các giáo viên và học sinh phản ánh hình thức dạy và học này có quá nhiều khó khăn, bất cập.

Dạy và học online: Quá nhiều khó khăn, bất cập

Lam Thanh - Quỳnh Nguyễn | 16/09/2021, 15:21

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải tổ chức học trực tuyến. Tuy nhiên, các giáo viên và học sinh phản ánh hình thức dạy và học này có quá nhiều khó khăn, bất cập.

Đường truyền quá tải, học sinh lười tương tác

Các giáo viên chia sẻ, để đảm bảo thời gian vào học đúng giờ, các học sinh phải trang bị những thiết bị cơ bản như điện thoại, máy tính, đường truyền mạng ổn định. Đối với những em đã làm quen với công nghệ sớm thì vấn đề này không khó, nhưng đối với những em gia đình nông thôn, thuộc diện khó khăn hoặc chưa tiếp cận được với các công nghệ thì đây là một thách thức lớn.

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, em Đào Thị Phương Lan, học sinh lớp 6C- Trường THCS Tượng Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, bản thân không thích học online vì học không hiểu bài.

“Em không biết cách đăng nhập vào hệ thống để học, nhiều khi mạng kém, em không nghe cô giảng bài được. Môn Toán với môn tiếng Anh là khó nhất mà lại phải học online, nên em khó tiếp thu được bài học”, Lan nói.

Chung cảm nhận, Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh lớp 10B6- Trường THPT Gia Hội, phường Phú Hiệp, thành phố Huế chia sẻ, là một học sinh mới của trường trung học phổ thông mà không được học trên trường, phải học qua phần mềm trên Microsoft Team rất bất tiện và khó khăn trong việc học.

“Em không thể thích ứng nhanh các môn học mới cũng như là thầy cô, bạn bè vì chưa từng gặp mặt, chỉ nhìn nhau qua màn hình điện thoại, giao lưu với các bạn không thoải mái bằng việc gặp mặt trên trường. Đối với cá nhân em, em không thích học online chút nào, nó rất nhàm chán”, Trang nói.

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng chỉ ra những bất cập trong việc học online. Cô Vũ Thị Ngân, một giáo viên ở Ba Vì, Hà Nội cũng chia sẻ với Một Thế Giới rằng có những học sinh không tập trung, không tương tác trong giờ học; buổi học lẫn nhiều tạp âm khiến học sinh và giáo viên dễ mất tập trung.

Ngoài ra, theo cô Ngân, việc dạy online đôi khi đường truyền mạng còn chập chờn, nhiều lúc giáo viên cũng bị văng ra ngoài. Chưa kể, học online nhiều cũng ảnh hưởng đến mắt của cả giáo viên lẫn học sinh.

hoc-onl.jpg
Hình ảnh một buổi dạy của cô giáo Vũ Thị Ngân, Ba Vì, Hà Nội - Ảnh: LT

Theo đó, giáo viên khó nắm bắt được việc học sinh có hiểu bài hay không, hiểu đến đâu như tương tác trực tiếp trên lớp. Do đó, việc quản lý và giám sát cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, bài tập về nhà và bài ghi chép thì các học sinh nộp lại qua các nhóm zalo, facebook, sau đó giáo viên lại phải dành thời gian dò lại từng bài một, rất bất tiện.

Cô Ngân đánh giá, quan trong nhất vẫn là việc tự học ở các học sinh. Đây cũng là cơ hội để học sinh ý thức hơn và rèn luyện việc tự học cho bản thân. Để việc dạy và học hiệu quả, ngoài việc chuẩn bị bài tốt thì giáo viên cũng cần tạo ra hình thức khen thưởng, tăng tương tác với học sinh.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - nhận định, hiện tại nhiều giáo viên, nhiều nhà trường vẫn còn thực hiện cứng nhắc trong việc dạy học trực tuyến; xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến như dạy học trực tiếp. Điều này dẫn tới nghẽn mạng, quá tải cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh khi cần hỗ trợ con.

Theo ông Thành, các nhà trường cũng cần sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu theo hướng giãn thời gian học của học sinh theo các khung giờ khác nhau, không nhất thiết học dồn vào một buổi với 4 - 5 tiết. Thời gian dạy học của một tiết linh hoạt tùy theo đặc thù môn học, thiết kế của giáo viên trên cơ sở thống nhất trong các tổ chuyên môn.

hoc-onl(2).jpg
Nhiều giáo viên và học sinh phản ánh gặp khó khăn trong dạy và học online

Được biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1).

Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GD-ĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.

Thiếu thiết bị học tập trực tuyến

Theo cô Ngân, ngoài việc tương tác giữa cô trò thì một vấn đề đảm bảo thiết bị học tập cho học sinh cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để chuẩn bị đầy đủ những thiết bị này. Có những gia đình có 2 - 3 đứa con học trùng giờ thì không có máy để học. Nhiều gia đình không có phòng riêng cho con, nhiều khi vừa ăn cơm vừa học, nên rất bất tiện.

Cô Ngân cũng cho hay, đối với những học sinh nghèo không có tiền để trang bị máy móc cho học online, giáo viên cũng chỉ biết lập danh sách gửi lên nhà trường. Hiện cũng chưa thể hỗ trợ thêm được gì cho các em.

Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm ngày 12.9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giản cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

may-tinh.jpg
Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"

TP.HCM thống kê sơ bộ còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng internet; Ninh Thuận có trên 70% học sinh tiểu học, trên 30% học sinh THCS, THPT chưa có thiết bị học trực tuyến…

Thời gian qua, nhiều địa phương tiến hành phát động ủng hộ máy tính, thiết bị học tập cho học sinh khó khăn. Tại lễ phát động “sóng và máy tính cho em”, hơn 1 triệu máy tính đã được đăng ký trao tặng tới những học sinh gặp khó khăn học tập trực tuyến.

Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT, 100% cước phí sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Năm 2021, tất cả những địa phương có học sinh học tập trực tuyến sẽ được phủ sóng Internet di động.

Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều địa phương đã phát động các chương trình ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh. Ví dụ tại Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ngày 10.9 viết thư kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức và người dân ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn.

Cũng trong ngày 10.9, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị ngành giáo dục các địa phương, nhà trường kêu gọi cán bộ, giáo viên, người lao động ủng hộ kinh phí tối thiểu một ngày thu nhập. Mọi nguồn lực sẽ được huy động nhằm giúp học sinh chưa có và không thể mua thiết bị học trực tuyến không mất cơ hội học tập trong đại dịch…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy và học online: Quá nhiều khó khăn, bất cập