Bà Bé ngày ngày vừa phải lam lũ nuôi 4 đứa con bị tâm thần, vừa phải nhận gỡ tơ rối từ các xưởng dệt tơ lụa gần nhà với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày để kiếm tiền sinh hoạt cho gia đình. Gần hết đời người, 50 năm trông giữ đàn con như trồng cây mà không biết đến ngày hái quả.

An Giang: Người đàn bà 70 tuổi nuôi 4 con tâm thần và người chồng lú lẫn

19/06/2020, 11:14

Bà Bé ngày ngày vừa phải lam lũ nuôi 4 đứa con bị tâm thần, vừa phải nhận gỡ tơ rối từ các xưởng dệt tơ lụa gần nhà với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày để kiếm tiền sinh hoạt cho gia đình. Gần hết đời người, 50 năm trông giữ đàn con như trồng cây mà không biết đến ngày hái quả.

Căn nhà sàn rỗng mục của bà Bé - người nuôi 4 người con tâm thần - Ảnh: Tô Văn

“Mẹ cò”

PV đến gặp bà Lê Thị Bé - mẹ của 4 người con bị tâm thần, tại nhà riêng nằm trong con hẻm nhỏ thuộc tổ 12, khóm Long Hưng, P.Long Châu, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang. Căn nhà sàn rỗng mục của bà Bé rộng chừng 56m2. Bà Bé năm nay 70 tuổi, nước da xanh xao, tóc điểm bạc, đôi mắt như người mất hồn. Vừa nhắc tới chuyện của 4 người con, bà cụ gục đầu khóc tức tưởi...

Không biết gọi “Mẹ cò” có làm bà Bé phật lòng không, nhưng cuộc sống của bà Bé hiện chẳng hơn gì thân cò lặn lội. Hơn 30 tuổi, bà đã trải qua 4 lần quặn đau sinh con. Khi 4 người con của bà cứ bước sang tuổi đôi mươi đột nhiên xuất hiện nhiều hành vi kỳ quặc như không ngủ, thường xuyên đập phá đồ đạc...

“Mẹ cò” Lê Thị Bé phải chịu đựng đủ mọi khổ cực để nuôi chồng, con - Ảnh: Tô Văn

Đưa các con đi khám, bà Bé nhận lại kết quả chẩn đoán cả 4 người con của bà đều mắc chứng tâm thần phân liệt. Trong đó, người con trai cả Nguyễn Văn Cường (43 tuổi), con trai thứ Nguyễn Văn Điền (41 tuổi) và cô con gái thứ ba Nguyễn Thị Thùy Linh (39 tuổi) cùng mắc chứng tâm thần phân liệt thể paranoid (F20.0). Riêng người con gái út là Nguyễn Thị Thùy Trang (36 tuổi) thì mắc chứng tâm thần phân liệt thể di chứng (F20.5).

Trên sàn nhà, những người con của bà ngơ ngẩn, ánh mắt vô hồn, người thì không mặc quần áo nằm khóc lóc phía sau nhà, người thì ngồi ngẩn ngơ, người thì hát ca... Hình như họ vẫn chưa ý thức được rằng mẹ của họ phải trải qua bao vất vả, đau thương. Còn chồng bà thì lú lẫn, hay đi lang thang, khi ăn cơm nhà, khi hàng xóm thương tình có gì cho ăn nấy... Năm tháng và nỗi đau như dần se thắt lại trong tâm hồn cứng cỏi và thể xác đã cằn cỗi của “Mẹ cò”.

Nhìn đàn con, bà buồn rầu bảo: “Tui lập gia đình gọi là hơi muộn so với thời xưa, từ khi lấy nhau vợ chồng tui được ba mẹ cho 10 công đất để ra riêng. Sau khi sinh tụi nhỏ, vợ chồng tui mới xin đất cha mẹ cất ngôi nhà nhỏ kế bên tiện thể chăm sóc ông bà. Lúc này, cả 4 người con của tui đều khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo, học hành rất khá, được tặng nhiều giấy khen, phần thưởng. Nhưng khi đến tuổi chúng nó trưởng thành thì tai họa ập tới, tất cả chúng nó đều phát bệnh điên mà không hiểu nguyên do gì?”.

Nỗi lòng “Mẹ cò”

Bà Bé chia sẻ, đời bà khổ nhất là không biết vì sao các con lần lượt bị bệnh tâm thần, không phá phách thì cũng lầm lì, cáu gắt, nói không nghe lời. Và khổ hơn nữa là phải nhờ hàng xóm cột tay chân các con lại, đứa lâu nhất đến nay cũng 15 năm ròng. Thấy nhà có khách, nghe tiếng mẹ khóc, anh Cường đang nằm phía sau nhà hét lên rồi cười hềnh hệch, man dại, trên người không mảnh vải che thân.

Vì tuổi đã cao lại không còn ruộng đất, bà Bé cố gắng làm thêm công việc gỡ tơ rối từ các xưởng dệt tơ lụa gần nhà với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày để nuôi con - Ảnh: Tô Văn

“Trong 4 đứa con thì Cường bị nặng nhất, lúc học lớp 10 tự nhiên nó phát bệnh, càng lớn bệnh tình trở nên trầm trọng, nó không nghe lời ai, toàn đi lang thang khắp nơi, phá phách, hò hét, thỉnh thoảng đánh người nên năm 2005 tôi đành nhốt nó trong nhà. Hồi xưa nhốt nó trong buồng mỗi lần nó lên cơn lại đập vách buồng rồi chạy ra ngoài, cả xóm phải hò nhau vây lại bắt nó về giúp tui không chứ gặp ai nó cũng đánh”, bà Bé kể trong nghẹn ngào.

Tới bữa ăn bà Bé chỉ dám từ xa đưa cơm vào, thích thì anh Cường ăn, không thích thì ném văng tung tóe ra nhà, cái tô bằng nhựa đựng cơm bể toang hoang không còn ra hình thù gì sau những lần ném. “Có lần Cường nắm túm được tóc tui, nó giật sứt cả đám tóc, còn giật tay và đánh thâm tím mình mẩy”, bà Bé cho biết.

Bị nhốt sau nhà hàng chục năm, cũng chừng ấy năm anh Cường không mặc quần áo, cứ đưa vào là anh xé tan tành. Mùa nắng thì đỡ, còn mùa mưa thấy con ngồi co ro nhưng đưa mền mùng vào là anh điên cuồng ngồi xé khiến bà Bé đau lòng. Anh Cường cũng tiểu tiện luôn tại chổ, trước đây bà phải múc nước để dội rửa, nay phải câu ống nhựa để xịt. Những lần như thế anh lại múa may, hò hét, điên dại.

Bốn cuốn sổ điều trị bệnh tâm thần của các con bà Bé - Ảnh: Tô Văn

Còn người con trai thứ 2 tên Điền thì những năm gần đây có đỡ hơn nhờ có thuốc an thần. Trước đây, mỗi lần phát bệnh, Điền bỏ nhà đi lang thang nhiều ngày. Tìm về nhà thì dập phá, hò hét như anh Cường. Có đợt căn nhà nhỏ phải chia 2 gian để nhốt 2 người. Nay, cứ mỗi khi Điền có triệu chứng phát bệnh thì dùng thuốc, sau đó anh ngủ li bì nên đỡ phá phách hơn.

Trong 4 anh em thì trường hợp của chị Linh thì nhẹ nhất, nhưng thực tế khiến bà Bé lo lắng nhất. Hơn 39 tuổi nhưng tính tình của chị Linh như đứa trẻ lên 5. Có khi nói rất nghe lời, nhưng không thích thì mặc kệ rồi chửi rủa. Bà Bé bảo: “Con Linh hay đi ra ngoài, sợ có người chọc nó rồi làm nhục rước họa vào thân”.

“Tủ lạnh hết thức ăn, mẹ mua bánh cho con, mua không? Con đánh mẹ, con ghét mẹ”, chị Trang - con gái út của bà Bé hét lên. Sau ít phút hát ru những đứa con của mình, bà Bé xem đồng hồ rồi bảo: “Hôm nào vào giờ này cũng vậy, chúng nó lên cơn nhưng ít đập phá hơn trước, tui phải hát cho chúng nó nghe mới nín đấy!”.

Ngoại trừ Linh, khi lên cơn chỉ ôm mặt khóc, còn Cường, Điền, Trang hoàn toàn không kiểm soát được hành vi của mình. Cả 3 không chỉ không mặc quần áo đi lang thang người đường mà còn đập phá nhà cửa, tấn công mọi người kể cả cha mẹ... Cũng vì thế nên bà Bé đã ít nhất 3 lần phải nằm viện điều trị nhiều ngày vì bị con đánh đập trong lúc lên cơn điên.

Kể từ đó, bà phải khăn gói, đưa các con đi điều trị khắp nơi, từ Khoa Tâm thần của Bệnh viện đa khoa An Giang cho đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa - Đồng Nai). Dù gia đình tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng cho đến nay, bệnh tình các con của bà Bé không thuyên giảm, thậm chí còn nặng thêm với những biểu hiện vô cùng đáng sợ.

Đất ruộng bà đã bán hết để lo chữa bệnh cho con. Vì tuổi đã cao nên bà cố gắng làm thêm công việc gỡ tơ rối từ các xưởng dệt tơ lụa gần nhà với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày để kiếm tiền sinh hoạt cho gia đình. Hằng ngày, bà phải vừa trông con vừa nhặt sợi. Có bữa chị Trang ngồi xem mẹ làm nhưng không hiểu phật ý điều gì, bứt xé cả rổ sợi làm xong rồi đánh bà và bỏ đi đâu không biết. Lúc này, bà gục xuống khóc một mình.

Con gái út của bà cười ngơ ngẩn, vô hồn - Ảnh: Tô Văn

“Nhiều khi chỉ muốn chết đi, nhưng nhìn lại đám con điên điên dại dại, khóc cười ngây ngô tui lại không đành lòng. Giờ sức khỏe ngày càng yếu, không biết nằm xuống các con sẽ như thế nào nữa”, nói đến đây, nước mắt của bà Bé trào ra trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ già.

“Bà Bé là chủ hộ, cũng là lao động chính trong gia đình, không ai bằng bà phải chịu đựng và rắn rỏi trong môi trường nhỏ bé vừa phức tạp. Bà Bé dù tuổi cao nhưng 4 đứa con bà đều được chăm sóc chu đáo. Hiện tại căn nhà của bà Bé mục nát chỉ mong địa phương hỗ trợ cho bà sửa nhà và ngăn phòng cho từng đứa con bà mỗi khi phát bệnh dễ điều trị”, một người dân địa phương bộc bạch.

Bà Hồ Bảo Trân, Trưởng khóm Long Hưng, P.Long Châu cho biết, năm 2015 gia đình bà Bé thuộc diện cận nghèo, đến nay đã thoát cận nghèo nhưng 4 người con bà Bé được địa phương cho nhận theo chính sách, hỗ trợ 405.000 đồng/tháng. “Qua những lần thăm viếng chúng tôi cũng thấy căn nhà đã xuống cấp nên địa phương cũng kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ cho hoàn cảnh gia đình bà Bé nhưng chưa làm được”, bà Trân nói.

May nhờ số tiền hỗ trợ của 4 người con hơn 2 triệu mỗi tháng, thỉnh thoảng hàng xóm cho gạo, nên bà Bé còn xoay xở được lo cho 5 cha con. Nhưng bà chỉ lo, khi bà mất, chồng con bà rồi sẽ ra sao...

Tô Văn

Bài liên quan
EU cho TikTok 24 giờ để đánh giá rủi ro của TikTok Lite với sức khỏe tâm thần người dùng
Ủy ban châu Âu hôm 17.4 cho biết TikTok có 24 giờ để đưa ra đánh giá rủi ro với ứng dụng TikTok Lite vừa ra mắt tháng này tại Pháp và Tây Ban Nha, do lo ngại về tác động tiềm ẩn của nó với trẻ em và sức khỏe tâm thần người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Người đàn bà 70 tuổi nuôi 4 con tâm thần và người chồng lú lẫn