Hội thảo nhằm triển khai Nghị quyết số 19/NQ/TW (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chiều 17.2, Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo về “Vai trò của nông dân trong thực hiện Nghị Quyết 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hùng Cường - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Hùng Cường cho biết, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là "lấy doanh nghiệp làm trọng tâm".
“Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sang giai đoạn nâng chất; Nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân tiến đến làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Do đó, Hội thảo về vai trò của nông dân trong thực hiện Nghị Quyết 19-NQ/TW, là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp An Giang có thêm các tham vấn của các sở ban ngành, nhà khoa học, của nông dân trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của tỉnh trong giai đoạn sắp tới”, ông Cường nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận những điều kiện để có thể thực hiện vai trò chủ thể của nông dân, nhận diện đặc trưng nhân khẩu - xã hội của lao động nông nghiệp, hướng đến nhận thức mới về người nông dân Việt Nam hiện nay, đặc biệt, khẳng định rõ vị thế, vai trò của lực lượng xã hội quan trọng này.
Đây là cơ hội để nông dân khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển, song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro trên con đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Những thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các hộ gia đình nông dân, nhất là vùng khó khăn, vùng núi...
Các tham luận của hội thảo cũng đã gợi mở và đưa ra các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân, nâng cao mức sống của các nông hộ để thực hiện thành công Nghị quyết 19/NQ/TW (Khóa XIII) trong tình hình mới.
Một số thảmg luận được trình bày tại hội thảo: "Tri thức hóa và xây dựng năng lực nông dân chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại"; "Vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay"; "Vai trò của liên minh hợp tác xã tỉnh trong thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gắn với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị"; "Chuyển đổi số trong nông nghiệp và giải pháp giúp người nông dân chuyển đổi số"; "Hình ảnh người nông dân An Giang trước và sau thời kỳ đổi mới và xây dựng hình mẫu người nông dân thời kỳ 4.0".
Được biết, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2020, mức tăng trưởng nông nghiệp An Giang khoảng 3% trên năm, chưa đạt theo mục tiêu đề ra nhưng trong từng giai đoạn ngắn hạn, nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng hợp lý và từng bước chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu.
Ngành nông nghiệp đã duy trì phát triển ổn định nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn, đối với hàng hóa là lúa gạo, thủy sản; đồng thời, cây ăn trái cũng từng bước trở thành ngành hàng sản xuất lớn của An Giang, ngoài việc đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực còn xuất khẩu mang về giá trị kim ngạch lớn.
Đến cuối năm 2020, diện tích lúa gieo trồng đạt hơn 637 ngàn ha (tăng gần 73 ngàn ha so với năm 2008), sản lượng lúa đạt 4.014 triệu tấn (tăng 490 ngàn tấn). Trong cơ cấu giống lúa, tỷ lệ lúa chất lượng cao và lúa thơm cũng tăng dần qua từng năm đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất.
Về cây ăn trái, trong những năm gần đây An Giang thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái và để án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên diện tích cây ăn trái tăng hơn 9 ngàn ha (năm 2020 đạt 17,43 ngàn ha), chủ yếu là tăng diện tích trồng xoài, sản lượng đạt 167 ngàn tấn (tăng 148,6 ngàn tấn).