Sáng nay, Thủ tướng dự kiến chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản, với sự tham gia của nhiều địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo dự kiến, thành phần Chính phủ tham dự sáng 17.2 gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính; hai Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ: Công an, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước...
Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các nhà phát triển bất động sản lớn như Vingroup, NOVA (Novaland), Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Becamex IDC Bình Dương; 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV; 2 ngân hàng tư nhân là Techcombank, VP Bank.
Về phía chuyên gia có TS Cấn Văn Lực, ông Lê Xuân Nghĩa (cùng đến từ Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia); ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân).
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ ngày 2.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng cũng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này ngay trong tháng 2.
Hồi cuối tháng 1, Thủ tướng ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Thị trường bất động sản cần “ngòi nổ” để đảo chiều
Theo báo cáo tháng 1.2023 của Batdongsan.com.vn, có khoảng 456 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới trong tháng đầu năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này dừng hoạt động có thời hạn lên đến 1.448, tăng 54%, số doanh nghiệp giải thế là 153, tăng 18%.
Đánh giá về tình trạng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường hiện tại tương tự như thời điểm khó khăn năm 2013 và cần “ngòi nổ” để giúp thị trường đảo chiều.
“Vào năm 2013, khi ngành bất động sản khủng hoảng, giao dịch đình trệ, Chính phủ đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời ban hành gói kích thích 30.000 tỉ đồng với lãi suất 5-6%/năm dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Những chính sách này đã giúp tạo lại thói quen giao dịch trên thị trường”, ông Quốc Anh nói.
Đầu tháng 2 này, trong văn bản kiến nghị mới được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Ngân hàng Nhà nước, HoREA đánh giá thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Có thể nói 2022 là năm "khó khăn khắc nghiệt nhất" và 2023 là năm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50%. Tuy nhiên vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản".