Phở là một trong những món ăn của người Việt được biết đến trên gần như toàn thế giới. Nơi nào có người Việt là nơi đó có phở. Hương vị của món ăn này đã theo chân người Việt xa xứ len lỏi vào rất nhiều vùng văn hóa khác nhau.
Do người Việt sinh sống tại Mỹ đông nên số lượng tiệm phở Việt tại quốc gia này cũng nhiều nhất trong các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam. Phở Việt có hồn cốt đặc thù chung nhưng mỗi tiệm tại Mỹ lại có một hương vị khác, hoặc là có gì đó khác biệt về tiểu tiết. Phở Thanh tại Westminster, California là một quán phở Việt vô cùng khác biệt và rất đông khách về đêm.
Chúng tôi là đoàn khách từ Việt Nam sang Mỹ du lịch. Anh Dũng Nguyễn là hướng dẫn viên sinh sống tại TP.HCM nhưng có hơn 10 năm dẫn du khách Việt thăm viếng nước Mỹ. Vì vậy, anh hiểu rất rõ nét văn hóa lẫn những địa chỉ ẩm thực phù hợp khẩu vị người Việt.
Hôm đó, chúng tôi bay chuyến đêm từ bờ Đông sang California. Xe buýt tới đón trễ nên tầm 11 giờ đêm chúng tôi mới lên xe, ai nấy đều đói lả.
Xe chở chúng tôi vào khu người Việt tại California. Trời về khuya, các hàng quán ở đây đều đóng cửa và cả khu phố chìm vào sự tĩnh lặng. Nhưng ở cuối con đường có một tiệm phở vẫn còn sáng đèn.
Tôi hỏi anh Dũng Nguyễn “do đoàn mình đặt trước nên tiệm phở mở cửa chờ hay sao?”, anh liền cho biết tiệm phở này bán 24/24h, không lúc nào đóng cửa.
Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ rằng ban đêm sẽ có nhiều người đi ăn phở đến mức tiệm sẵn sàng phục vụ. Chi phí điện nước và lương nhân viên trong thời gian này không phải là ít. Tôi lân la hỏi chị đứng quầy thu tiền để chắc chắn rằng tiệm phở bán thâu đêm suốt sáng. Chị cho biết tiệm phở này hoạt động gần 20 năm. Nhiều năm qua, quán luôn có 2, 3 kíp nhân viên làm việc không ngưng nghỉ. Những người làm ca tối sẽ bắt đầu công việc từ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau. Điều đặc biệt đối với tiệm phở này là lượng khách vào ban đêm lại đông hơn ban ngày. Để lý giải thắc mắc vì sao có nhiều người ăn đêm, chị cho biết thêm rằng tại Mỹ có nhiều người làm ca trễ và họ đến ăn vào thời điểm tan ca. Ngoài ra, du khách quốc tế và cả những người đi chơi muộn cũng thường đến quán để ăn phở đêm.
Trong số những nhân viên của quán có mặt lúc đoàn chúng tôi vào thì khoảng phân nửa là người Việt Nam, còn lại là Mexico. Khi đó quán rất đông khách. Đoàn chúng tôi có 40 người, trong đó khách người Việt sống tại địa phương khoảng 20 người, còn lại là khách Mỹ và da màu.
Tôi chọn phở gà còn những người còn lại trong đoàn chọn phở bò. Có người nhìn thấy trên tường ghi xương xí quách 6USD/tô cũng chọn ăn thử cho biết. Phở ở đây được nấu theo hương vị miền Nam nên nước súp hơi ngọt, ăn kèm rau quế, giá đỗ cùng tương đen và tương ớt. Thịt gà tươi ngon nhưng sợi phở là phở khô đóng gói nên tôi ăn không quen lắm. Tôi nhìn sang tô phở bò của người bạn cùng đoàn thì trong tô của anh ấy là sợi hủ tiếu. Tôi lấy làm lạ là vì sao gọi phở bò mà họ dùng sợi hủ tiếu chứ không phải bánh phở như tô phở gà tôi đang ăn.
Hương vị phở ở đây có lẽ phù hợp với khẩu vị người Việt tại địa phương và những người nước ngoài là khách thường xuyên của tiệm. Nhưng nếu so sánh với món phở tại Việt Nam thì độ sâu trong hương vị có lẽ không bằng. Hơn nữa, sợi phở khô hay hủ tíu khô đóng gói cũng khiến cho tô phở ở đây giảm đi sự thuần chất. Nó khiến một người yêu thích món phở như tôi thấy chút gì đó thiếu và tiếc.
Khi về Việt Nam, tôi hỏi anh Lân, một trong những người đang quán xuyến tiệm phở Minh Pasteur lâu đời ở Sài Gòn rằng "tại sao một tiệm phở đông khách như thế lại không có lò làm bánh phở tại chỗ để bán mà lại sử dụng phở khô đóng gói?". Anh Lân cho biết, việc mở lò bánh phở tại hải ngoại có thách thức về nhiều thứ. Chính vì thế, dù gia đình anh cũng có một tiệm phở Minh tại Mỹ nhưng cũng đành bán sợi phở khô đóng gói.
Dẫu có hơi tiếc một chút về sợi bánh phở nhưng với một người đã 1 tuần không ăn món Việt như tôi thì tô phở Thanh cũng đủ làm tôi hài lòng và ăn cạn. Nó cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà và hương vị của món phở Việt ở Sài Gòn.