Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12.3 cho biết “rất có khả năng” Moscow dính líu đến vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, căn cứ theo nguồn gốc của chất độc thần kinh được dùng trong vụ này cùng những thông tin trong nhiều vụ ám sát khác trong quá khứ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng đồng tình với tuyên bố của bà May.

Anh ra ‘tối hậu thư’ cho Nga về vụ đầu độc cựu tình báo

Cẩm Bình | 13/03/2018, 13:23

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12.3 cho biết “rất có khả năng” Moscow dính líu đến vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, căn cứ theo nguồn gốc của chất độc thần kinh được dùng trong vụ này cùng những thông tin trong nhiều vụ ám sát khác trong quá khứ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng đồng tình với tuyên bố của bà May.

Theo Thủ tướng May, nhà nước Nga hoặc trực tiếp thực hiện với vụ đầu độc, hoặc đã để cho chất độc thần kinh dùng mưu sát ông Skripal lọt vào tay những kẻ khác. Luân Đôn cho Moscow thời gian đến cuối ngày 13.3 để giải thích về việc này.

Bà May cho biết giới chức Anh xác định được chất độc dùng trong vụ án nằm trong nhóm chất độc thần kinh Novichok do quân đội Liên Xô phát triển trong những năm 1970 - 1980.

Lãnh đạo Luân Đôn nhấn mạnh: “Nếu không có được phản hồi đáng tin cậy, chúng tôi sẽ kết luận rằng đây là hành vi sử dụng vũ lực phi pháp chống lại nước Anh do nhà nước Nga tiến hành”.

Ngoại trưởng Mỹ sau đó cho biết Washington “hoàn toàn tin tưởng” vào đánh giá của Thủ tướng May về vụ án. Cũng theo ông Tillerson: “Chúng tôi đồng ý rằng những ai có trách nhiệm, từ kẻ tiến hành tội ác đến kẻ ra lệnh thực hiện, đều phải nhận lấy hậu quả nghiêm trọng tương xứng”.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng chỉ trích hành động dùng chất độc thần kinh là “khủng khiếp và không thể chấp nhận được”. Ông khẳng định vụ việc tại Anh là mối quan tâm lớn của NATO.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã lập tức phủ nhận cáo buộc. Cơ quan này gọi tuyên bố của Thủ tướng Anh là “trò hề” và nằm trong chiến dịch tuyên truyền thông tin chống lại Moscow.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, cùng ngày cũng cho biết vụ đầu độc ông Skripal không phải là vấn đề của chính quyền Nga, vì nạn nhân làm việc cho cơ quan tình báo Anh và vụ án xảy ra tại Anh.

Chất độc dùng trong vụ mưu sát ông Skripal nằm trong nhóm chất độc thần kinh Novichok do quân đội Liên Xô phát triển trong những năm 1970 - 1980 - Ảnh: Reuters

Cựu tình báo Sergei Skripal và con gái ngày 4.3 được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh trên một băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury. Cả hai được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và đến nay vẫn chưa hồi phục.

Bà May ngày 12.3 nhấn mạnh Anh đã sẵn sàng đưa ra nhiều biện pháp đáp trả cứng rắn hơn với Nga. “Vào thứ 4 (ngày 14.3) chúng tôi sẽ xem xét cụ thể phản hồi của phía Nga”, bà May cho hay.

Hiện Đại sứ Nga tại Luân Đôn đã bị triệu tập để giải thích với Ngoại trưởng Boris Johnson về chuyện tại sao chất độc của quân đội Nga lại được dùng cho vụ mưu sát.

Giáo sư Gary Stephens của đại học Reading cho biết các chất thuộc nhóm Novichok có độc tính mạnh gấp 5 - 10 lần những chất độc thần kinh phổ biến như VX hay khí Sarin. Độc Nonichok làm tim đập chậm lại và khí quản gặp trở ngại, gây ra cái chết do ngạt thở.

Quân đội Anh, trong đó có đội ngũ chuyên gia hóa học, được huy động hỗ trợ cuộc điều tra- Ảnh: Reuters

Trong khi vụ án của ông Skripal vẫn đang được điều tra, tờ The Sun của Anh mới đây lại tiết lộ một vụ đầu độc khác chưa từng được giới chức Luân Đôn công bố. Nạn nhân của vụ này là ông Georgy Shuppe, người từng là con rể của tỉphú Boris Berezovsky (bị phát hiện chết tại nhà riêng ở Anh năm 2013).

Theo The Sun, ông Shuppe bị đầu độc tại nhà riêng vào 3 tháng trước. Cảnh sát đã bắt giữ được nghi phạm, nhưng sau khi ông Shuppe bình phục xuất viện thì nghi phạm cũng được thả, và vụ án cũng chìm vào bí mật. Thông tin này đã được người thân và vệ sĩ của ông xác thực.

Shuppe và Berezovsky từng là đối tác làm ăn. Ông cưới cô Nina Korotkova, con gái của Berezovsky. Shuppe từng bị cáo buộc lên kế hoạch giết tỉphú ngành bán lẻ Alexander Mineev. Tòa án Anh từ chối dẫn độ ông về Nga. Năm 2017, ông chuyển từ Chelsea về Oxshott vì lý do an ninh.

Quan hệ Nga - Anh đã gặp căng thẳng vì không ít vụ án đầy bí ẩn, với nạn nhân là cựu tình báo và doanh nhân Nga sinh sống tại Anh. Trong đó đáng chú ý là cái chết của cựu trung tá tình báo Alexander Litvinenko năm 2006, doanh nhân Alexander Perepilichny năm 2012 và tỉphú Boris Berezovsky năm 2013.

Cẩm Bình (theo Reuters, The Guardian, Crime Russia)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh ra ‘tối hậu thư’ cho Nga về vụ đầu độc cựu tình báo