Ngày 12.3, báo Japan Times dẫn lời một quan chức đảng Dân chủ tự do (LDP) nói Bộ Tài chính Nhật Bản thừa nhận đã sửa giấy tờ, nhằm giúp bán một lô đất công giá rẻ cho bạn của bà Akie Abe, vợ Thủ tướng Shinzo Abe.
Chiều 12.3, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Quốc hội Nhật rằng đã phát hiện nhiều nội dung trong tài liệu gốc đã bị xóa. Một quan chức cấp cao trong chính phủ cũng nói tên bà Abe từng xuất hiện trong những tài liệu gốc, nhưng sau đó được xóa bỏ.
Vị quan chức cấp cao đảng cầm quyền LDP nói 14 tài liệu gốc đã được Bộ Tài chính soạn lại, sau khi vụ tai tiếng “sửa xóa giấy tờ mua bán đất công” và “ưu ái người nhà” Thủ tướng bị một nhật báo lớn ở Nhật phát hiện.
Theo báo Japan Times, bê bối liên quan vụ bán lô đất công ở tỉnh Osaka cho công ty Moritomo Gakuen mở trường học. Trong hợp đồng mua bán ký hồi tháng 6.2016 có một văn bản ghi nhớ đây là một thỏa thuận “đặc biệt” giữa Bộ Tài chính với công ty. Nhưng chữ “đặc biệt” đã bị xóa trong tài liệu được trình Quốc hội xem xét, khi vụ bê bối “ưu ái người nhà” Thủ tướng bị phát hiện hồi tháng 2.2017.
Thủ tướng Abe liên tục phủ nhận ông và vợ không ưu ái công ty Moritomo Gakuen, và ông đã nói sẵn sàng từ chức nếu có chứng cứ họ ưu ái công ty này. Công ty cũng đã mời bà Abe làm hiệu trưởng danh dự, nhưng ông Abe nói vợ ông chỉ miễn cưỡng nhận và sau đó đã từ chức. Hồi tháng 7.2017, cựu giám đốc công ty Moritomo Gakuen là Yasunori Kagoike và vợ bị bắt và bị nghi nhận tiền trợ cấp trái phép.
Bộ Tài chính cũng đang xem xét kỷ luật một số quan chức ở trụ sở Bộ và ở Sở Tài chính Osaka dính líu vụ bán lô đất công với giá quá rẻso vớigiá thị trường. Các nguồn tin nói Bộ chưa xác định rõ tất cả các chi tiết khi nào tiến hành sửa tài liệu và lý do, ai dính líu, sẽ tiếp tục điều tra nội bộ.
Ngành công tố Osaka cũng đang điều tra các quan chức sở tài chính, nghi họ sửa giấy tờ. Vụ bê bối đã khiến ông Nobuhisa Sagawaa đột ngột từ chức Cục trưởng Cục thuế quốc gia hôm 9.3. Ông từng là quan chức Vụ tài chính của Bộ tài chính và bị nghi khai man vụ bán đất công giá rẻ với Quốc hội hồi năm ngoái.
Vụ tai tiếng có thể gây tổn thất cho uy tín chính trị của Thủ tướng Abe - người đã lập kỷ lục làm Thủ tướng lâu nhất khi ông thắng cuộc bầu thủ lĩnh LDP cầm quyền hồi tháng 9.2017. Ông Abe, 63 tuổi, hiện giữ chức Thủ tướng năm thứ sáu liên tiếp. Ông từng trở lại nắm quyền hồi tháng 12.2012, với lời hứa phục hồi nền kinh tế và tăng cường quốc phòng.
Đó là một cuộc trở lại hiếm có đối với vị nghị sĩ bảo thủ Abe, người từng đột ngột từ chức năm 2007 với lý do yếu sức khỏe, sau chỉ một năm ông làm Thủ tướng. Lúc đó, chính phủ của ông vướng nhiều tai tiếng, Quốc hội Nhật bị tê liệt không thể làm việc.
Vụ bê bối cũng càng khiến có thêm lời kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Taro Aso từ chức. Ông Aso là đồng minh thân cận của ông Abe, ngày 9.3 đã tuyên bố không từ chức.
Phe đối lập đã chỉ trích chính phủ Nhật cố tình ém nhẹmvụ bê bối, và việc Bộ Tài chính nhận trách nhiệm cũng có thể làm tăng yêu cầu liên minh cầm quyền phải quy trách nhiệm đối với các ông Abe-Aso.
Các thành viên cấp cao của những đảng đối lập đã kêu gọi ông Abe, thậm chí toàn bộ chính phủ phải từ nhiệm. Tổng thư ký Tetsuro Fukuyama của đảng Hiến pháp dân chủ (CDP) nói bóng gió rằng CDP sẽ tìm cách xử phạt những người chịu trách nhiệm cấp cao nhất, chứ không thể kỷ luật nhân viên cấp dưới.
Bảo Vĩnh (theo Japan Times)