Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp BĐS. Tổng giá trị TPDN BĐS phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn.

Áp lực đáo hạn TPDN bủa vây, danh sách chậm trả nợ tăng lên từng ngày

Hoài Lam | 20/11/2023, 14:00

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp BĐS. Tổng giá trị TPDN BĐS phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn.

Thị trường TPDN ảm đạm kéo dài

Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), giai đoạn 2017 - 2021, thị trường TPDN có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2021, giá trị phát hành TPDN bùng nổ, đạt hơn 700.000 tỉ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước năm 2021.

Sau thời gian tăng trưởng nóng, đến giữa năm 2022, một số sai phạm nghiêm trọng gây mất lòng tin của các nhà đầu tư buộc thị trường TPDN trải qua một bước ngoặt mới. Tổng giá trị phát hành TPDN năm 2022 giảm mạnh 64,4% so với 2021, ước đạt 269.733 tỉ đồng.

tp.jpeg
Tổng giá trị phát hành TPDN năm 2022 giảm mạnh 64,4% so với 2021

Thị trường TPDN ghi nhận tình trạng ảm đạm kéo dài với giá trị phát hành liên tục tụt giảm và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ đầu tháng 3 năm nay khi Nghị định số 08/NĐ-CP ra đời cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10.2023, tổng giá trị phát hành TPDN ghi nhận 209.150 tỉ đồng, cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái rất nhiều.

Trong đó, ngành ngân hàng chiếm ưu thế với 99.023 tỉ đồng (tức 47,3% tổng số), theo sau là nhóm BĐS với 68.256 tỉ đồng (chiếm 32,6%).

Tuy nhiên, nghiên cứu của VARS cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các DN BĐS. Tổng giá trị TPDN BĐS phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn.

Theo đó, năm 2022, DN BĐS đã mua lại khoảng 219.000 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, DN đã mua lại khoảng 153.800 tỉ đồng. Trong khi tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm BĐS 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, lần lượt đạt 15,6 nghìn tỉ đồng và 121,1 nghìn tỉ đồng.

anh-man-hinh-2023-11-20-luc-12.31.39.png
Giá trị TPDN đáo hạn

Danh sách các DN chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm BĐS. Theo HNX, tính đến ngày 3.10.2023, có khoảng 69 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ TPDN toàn thị trường.

DN nên cân nhắc bán bớt tài sản

Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, để có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của các DN BĐS trong bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường BĐS chưa phục hồi hoàn toàn.

Hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra tích cực với kết quả khá thành công kể từ tháng 4.2023. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 3.10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với tổng giá trị hơn 95.200 tỉ đồng. Chủ yếu thời gian đáo hạn điều chỉnh thêm hai năm, đẩy lùi áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025-2026.

VARS cho rằng đàm phán gia hạn trái phiếu vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn vẫn ở phía trước, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp DN có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi. Về cơ bản chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác.

“Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, DN cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản. Thậm chí, chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là "khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn”, VARS nêu.

anh-man-hinh-2023-11-20-luc-12.31.51.png
Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ ra công chúng

Ngoài ra, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa BĐS...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu

Theo VARS, về lâu dài, TPDN vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, phù hợp với xu hướng phân bổ tài sản vào trái phiếu của nhà đầu tư. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Để tiếp thêm dư địa cho thị trường TPDN, các DN cần tăng niềm tin cho khách hàng. Đây cũng là mắt xích quan trọng nhất để DN tái cơ cấu nợ.

Hoạt động huy vốn qua trái phiếu đã và đang tiếp tục được cải thiện cả về chất và lượng. Đặc biệt là kể từ khi hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 19.7, góp phần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư về một thị trường minh bạch, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, VARS cho rằng vẫn còn khoảng trống thông tin rất lớn giữa thị trường và nhà đầu tư. Việt Nam mới chỉ có rất ít tổ chức đánh giá hạn mức tín nhiệm với các DN phát hành trái phiếu. Trong khi đó, không phải nhà đầu tư TPDN nào cũng có khả năng, thời gian để đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trái phiếu khi quyết định đầu tư.

anh-man-hinh-2023-11-20-luc-12.31.27.png
Quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn ít so với các quốc gia khác

Để hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường TPDN, tiếp thêm dư địa cho thị trường TPDN, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan đến quy định xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN phát hành ra công chúng nhằm tạo ra các công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực đáo hạn TPDN bủa vây, danh sách chậm trả nợ tăng lên từng ngày