Xuất khẩu 7 tháng đầu năm thấp hơn mục tiêu đề ra nên từ giờ đến cuối năm, áp lực sẽ khá lớn khi mỗi tháng phải xuất khẩu khoảng 23,2-23,4 tỉ USD.

Áp lực lớn với chỉ tiêu xuất khẩu cuối năm

tuyetnhung | 09/08/2019, 06:27

Xuất khẩu 7 tháng đầu năm thấp hơn mục tiêu đề ra nên từ giờ đến cuối năm, áp lực sẽ khá lớn khi mỗi tháng phải xuất khẩu khoảng 23,2-23,4 tỉ USD.

Từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng phải xuất khẩu hơn 23 tỉ USD

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỉ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ).

Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm là 1,79 tỉ USD.

Với nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 143,34 tỉ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 60,83 tỉ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 82,5 tỉ USD, tăng 5,3%.

Nhập khẩu chủ yếu ở các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm cần nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, ước đạt 125,95 tỉ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2018, chiếm tỷ trọng 87,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Ông Phan Văn Chinh nhận định, xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2019 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...

Trong khi đó, mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp...

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 145,1 tỉ USD, thấp hơn khoảng 1 tỉ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỉ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018.

"Từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỉ USD. Như vậy, xuất khẩu mới đạt được kỳ vọng đề ra", ông Chinh nhấn mạnh.

Để ý đến nông sản

Trước thực trạng xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng những tháng cuối năm cần tập trung vào vấn đề xuất khẩu nông sản, vì 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 1,5 tỉ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ.

"Mức giảm không đáng kể nhưng ảnh hưởng, báo hiệu cho chúng ta cần quan tâm, thay đổi. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ từ phía Trung Quốc yếu đi, thì hiện nay, Trung Quốc chuyển mạnh từ trao đổi cư dân sang trao đổi chính ngạch.

Do đó, khi chuyển sang chính ngạch, đề nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với Bộ Công Thương mở rộng hơn nữa diện mặt hàng rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Nếu như các tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng đầu năm", Thứ trưởng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng cần có sự vào cuộc của các tỉnh cũng như các doanh nghiệp. Từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi 63 tỉnh thành để cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc, về nguồn gốc, vùng trồng, đăng ký nhà sản xuất, nhà xuất khẩu... nhưng nhiều doanh nghiệp chủ quan, thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác, nhất là thủy sản.

Cho nên mới dẫn đến câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị. Thực tiễn cho thấy cả nước có hơn 680 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Trung Quốc cho phép 128 loại thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì cách bán hàng thông qua trao đổi cư dân để đến khi thay đổi thì không thể xuất khẩu được nữa.

"Thực tiễn cũng cho thấy, tỉnh nào vào cuộc thì sản phẩm nông sản của tỉnh đó bán rất tốt. Bắc Giang, 3 vụ vải gần đây xuất khẩu rất thuận lợi, xoài Sơn La làm ra không đủ, đến bán quả nhãn cũng vậy, chúng ta đã tiêu thụ được hết, không thừa quả nào. Nếu như tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng đầu năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực lớn với chỉ tiêu xuất khẩu cuối năm