Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, kết nối toàn diện...

APEC ra Tuyên bố chung, đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế

P.V | 20/11/2022, 07:50

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, kết nối toàn diện...

phien-hop2.jpg
Toàn cảnh phiên họp thứ hai - Tuần lễ cấp cao APEC 2022 - Ảnh: TTXVN

Ngày 19.11, tại Bangkok (Thái Lan), các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững, kết nối toàn diện.

Tuyên bố chung cho biết các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm, cũng như cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn Putrajaya của APEC về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động và hòa bình vào năm 2040. Các lãnh đạo APEC cũng khẳng định quyết tâm duy trì và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Hoan nghênh tiến bộ trong năm nay trong việc thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực củng cố vai trò lãnh đạo của APEC, với tư cách là diễn đàn kinh tế hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là vườn ươm ý tưởng hiện đại, hiệu quả và năng suất. Tuyên bố nhấn mạnh hợp tác của APEC sẽ đóng góp vào các giải pháp thiết thực cho các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu, bao gồm Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

Cũng theo Tuyên bố chung, thương mại và đầu tư đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc nâng cao sự thịnh vượng của người dân trong APEC. APEC đánh giá cao tầm quan trọng của thương mại quốc tế và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng trưởng, thịnh vượng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và tạo điều kiện hợp tác liên quan đến bảo vệ, bảo tồn môi trường.

Tuyên bố chung ghi nhận công nghệ kỹ thuật số và đổi mới có vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như cơ hội tạo thu nhập và cải thiện sinh kế của người dân.

Các nhà lãnh đạo APEC cho biết sẽ đẩy nhanh việc triển khai Lộ trình kinh tế số và internet APEC (AIDER) nhằm tận dụng các công nghệ mới nổi cũng như tạo ra một hệ sinh thái số hóa thuận lợi, toàn diện, cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

APEC cũng tán thành các Mục tiêu Bangkok về Nền kinh tế tuần hoàn sinh học xanh (BCG) như một khuôn khổ toàn diện để thúc đẩy các mục tiêu bền vững của APEC.

phien-hop1.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp thứ hai - Tuần lễ cấp cao APEC 2022 - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lợi ích của thương mại và đầu tư phải hài hòa với trách nhiệm bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh; mang lại việc làm, lan tỏa lợi ích đến mọi người dân; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị APEC tập trung vào 3 hướng lớn gồm:

Thứ nhất, bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử thông qua việc thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư, cùng với xoá bỏ các hàng rào kỹ thuật không phù hợp, hỗ trợ các nền kinh tế cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm tính liên tục, tin cậy, bền vững, sáng tạo của các chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy các sáng kiến liên kết kinh tế khu vực và hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ hai, gắn kết thương mại, đầu tư với các mục tiêu phát triển bền vững 2030. Về thương mại, khuyến khích xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ sạch và các mặt hàng nông, thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng. Về đầu tư, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số.

Thứ ba, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao. APEC cần hỗ trợ các thành viên xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo lại và tạo cơ hội việc làm cho người lao động bị đào thải do thay đổi công nghệ, thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
APEC ra Tuyên bố chung, đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế