Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu chuyện Nga hung hăng chống phương Tây, trong đó có vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal hồi tháng 3, khi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.7 tới ở Helsinki.
Số 10 Phố Downing (Phủ Thủ tướng Anh) tuyên bố: Bà May hy vọng khi gặp ông Putin, ông Trump sẽ nêu chuyện Nga tấn công cựu điệp viên Nga Skripal cùng con gái Yulia của ôngbằng chất độc thần kinh cấp quân dụng Novichok. Đây cũng là chất độc đã đoạt mạng sống của bà Dawn Sturgess (người Anh) trong tuần này.
Khi dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels ngày 11.7, bà May nói với lãnh đạo các nước thành viên, kể cảTổng thống Mỹ: đã đến lúc phải đề cập thẳng “hành vi hiểm ác” của Ngaphá hoại các nền dân chủ và gây thiệt hại cho các quyền lợi của các nước thành viên.
Bà May nói: “Chúng ta phải đoàn kết và mạnh mẽ với Nga, duy trì hy vọng về một tương lai tốt hơn, nhưng cũng cần làm rõ rằng Nga cần thay đổi hành vi để hy vọng này trở thành hiện thực. Và khi nào Nga vẫn tung nỗ lực phá hoại quyền lợi và các giá trị của chúng ta, chúng phải tiếp tục ngăn chặn, chống lại các nỗ lực đó”.
Bà May cũng nói các đồng minh cần hợp tác làm việc để “nêu rõ cái giá của việc Nga hành xử hiểm ác”, tổ chức tấn công mạng và có hành động chống lại mạng lưới tình báo của các nước thù địch và trừng phạt mạnh mẽ chống lại các thế lực hung hăng.
Vị Thủ tướng Anh tuyên bố: “Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến Nga ráo riết bán vũ khí cho Iran, bao che chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học, tấn công mạng gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng, và tung tin giả nham hiểm ở cấp công nghiệp. Vụ tấn công cha con Skripal là một ví dụ Nga phớt lờ các chuẩn mực và luật pháp vốn giúp chúng ta an toàn”.
Theo Guardian, quyết định gặp ông Putin của ông Trump là đòn đau với bà May, người cố gắng cô lập Nga tiếp sau vụ tấn công bằng chất độc Novichok, dù lúc đó ông Trump cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án mạnh hành động của Điện Kremlin. Tiếp đó, Mỹ-Anh đều trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Nhưng dù Nga tiếp tục hành động, bà May nói tại bữa tối-làm việc của NATO: mục tiêu dài hạn của Anh là lập quan hệ mang tính xây dựng với Moscow. Bà May hoan nghênh việc ông Trump quyết gặp ông Putin, vì cho rằng nó có khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga với phương Tây, và giảm nguy cơ xung đột trong tương lai.
Vẫn theo báo Guardian, các bộ trưởng Anh lo ngại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể có kết quả là một thỏa thuận mà có thể gây hại cho NATO hoặc đẩy cao căng thẳng ở vùng biên giới phía đông châu Âu. Anh hiện có 800 quân trú đóng ở Estonia, 150 lính ở Ba Lan để giúp bảo vệ khu vực biên giới này.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ngay sau khi ông Trump có chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên từ trưa 12.7 (giờ Anh).
Theo Guardian, bà May sốt ruột chờ đón ông Trump, hy vọng sự chào đón trọng thị sẽ khiến Tổng thống Mỹ có tính khí thất thường chú trọng mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ hơn là thực hiện ý muốn lập quan hệ tốt hơn giữa Mỹ với Nga.
Trước chuyến thăm của ông Trump, bà May không trực tiếp nói đến ông Trump, ca ngợi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là liên minh mạnh mẽ nhất. Công tác tiếp đón rất hoành tráng, với tiệc tối 12.7 tại Dinh Blenheim (nơi Thủ tướng Anh Winston Churchill chào đời) để ông Trump gặp lãnh đạo các doanh nghiệp.
Ngày 13.7, tiếp sau một cuộc diễn tập chống khủng bố của quân đặc nhiệm Anh-Mỹ và cuộc nói chuyện giữa bà May với ông Trump, vợ chồng Tổng thống Mỹ sẽ có tiệc trà với Nữ hoàng Anh tại Lâu đài Windsor.
Tối 14.7, ông Trump đi Scotland nghỉ cuối tuần và chơi golf tại một sân riêng của ông, nhằm giữ ông cách xa với các cuộc biểu tình phản đối ông, vốn đã bắt đầu từ ngày 11.7 ở Scoltand, với các nhóm chống kỳ thị chủng tộc biểu tình ngắn trước sân golf của ông.
Dự kiến hôm 13.7 sẽ có biểu tình lớn ở London với khoảng 50.000 người tham gia, công tác bảo vệ chuyến thăm của ông Trump tốn ít nhất 12 triệu bảng, buộc 4.000 cảnh sát không được nghỉ phép, nhiều người sẽ phải làm việc theo ca 12 giờ. Vì lý do an ninh, cảnh sát cũng tạm thời cấm máy bay bay thấp ở những nơi ông Trump đến thăm.
Tuy nhiên, một số người Anh cũng sẵn sàng chào đón ông Trump, vì nguy cơ đổ vỡ kế hoạch Brexit (Anh rời khỏi EU) tạo cảm giác chỉ còn Mỹ là sự thay thế duy nhất mà Anh có trong các năm tới. Trên hết, họ hy vọng bà May và ông Trump sẽ đạt một thỏa thuận thương mại để bù lấp việc Anh rút khỏi EU từ năm 2019.
Bích Ngọc (theo Guardian, Washington Times)