Quinvaxem, 5 trong 1 rồi 6 trong 1...chắc hẳn là những cái tên khiến không ít các bà mẹ trẻ ám ảnh trong những ngày gần đây, bời nhiều thông tin xấu liên tục xuất hiện.
Không ít những gia đình khá giả quyết định đưa con sang các nước Thái Lan, Singapore để tiêm ngừa. Một mũi tiêm lên đến cả chục triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại khá tốn kém, thế nhưng họ vẫn chấp nhận sự lãng phí này để đổi lại sự an toàn tính mạng cho con trẻ. Một điều âu cũng rất dễ hiểu, bởi sinh con là cả một quá trình khó nhọc, tốn kém, đối diện nhiều rủi ro. Người cha người mẹ nào cũng mong cho con mình khỏe mạnh, lớn khôn.
|
Hai mẹ con tôi trong những ngày tại Mỹ. |
Đó là những gia đình có điều kiện, vậy còn những trường hợp vợ chồng công nhân, viên chức, nhân viên văn phòng nghèo, có thu nhập thấp thì sao? Có lẽ họ đành ôm con ngồi chờ thời trong một trạng thái thấp thỏm đầy lo sợ.
Đưa con đi tiêm trong trạng thái... không thể định thần
Tôi cũng thuộc thành phần thu nhập thấp, vẫn luôn đầy những hoang mang khi đứa con trai đầu tiên của mình cất tiếng khóc chào đời. Một ngày sau khi bé được sinh ra, trong lúc tôi còn đau trong phòng hồi sức thì con trai được một cô y tá đến mang đi.
Bước chân cô thoăn thoắt, người nhà tôi chưa kịp phản ứng, phải chạy theo hỏi trong vội vã, "bé đi đâu vậy chị?", "tiêm vaccine", "vaccine gì chị ơi?"... Không có tiếng trả lời.
Vài ngày sau cả nhà tôi cố gắng tìm hiểu đó là loại vaccine gì, nhưng có hỏi y tá, bác sĩ thì họ cũng đoán loại này, loại kia. Nhìn vào phiếu tiêm tìm tên thuốc, đố mà đọc được ra cái chữ loằng ngoằng trên đấy.
May mắn, con tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa hết thắc mắc trong lo lắng, rằng đó là loại vaccine gì. Đó cũng là bài học cả đời cho tôi, vào bệnh viện thì cái gì cũng thần tốc: hỏi nhanh, đi nhanh, phản ứng nhanh, tìm hiểu kĩ với các nhân viên y tế.
Rồi những tháng ngày sau đó, theo cái hẹn của bệnh viện, cứ đến kỳ, đúng ngày tháng, cả nhà lại "khăn gói" từ mờ sáng, đưa con đi tiêm cho đủ liệu trình. Đi sớm vì nhà khá xa bệnh viện, nhưng sáu giờ sáng trước phòng chờ tiêm đã chật cứng người.
Cái bàn cân trẻ ngoài hành lang, bé này vừa xuống, mũi kim chưa về trạng thái cân bằng thì bé khác đã được bỏ lên, thử hỏi như vậy, chỉ số cân đo chính xác là bao. Trước cảnh chen chúc ấy, có mẹ thở dài: "Đi chích ngừa mà như buôn bạc giả, vừa đi vừa run vừa cầu may"...
Bất ngờ ở xứ người
16 tháng, con trai tôi đã trải qua một liệu trình tiêm chủng khá đầy đủ, cũng là lúc cả nhà chuyển đến Mỹ, thành phố Huntington ở West Virginia theo diện F2.
Khỏi nói, khi đó trong tôi dâng đầy những lo lắng: ăn ở, giao thông, thói quen, phương tiện... Mọi thứ như bắt đầu từ một bài học vỡ lòng, nhưng lo lắng nhất vẫn là vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con. Tôi mang đi đầy đủ mọi thủ tục giấy tờ của con, từ lịch trình khám thai kỳ, sổ khám đến tờ giấy chứng sinh, phiếu sinh, sổ khám nhi và tất nhiên, không quên lịch tiêm phòng của thằng bé.
17 tháng, hai vợ chồng đưa con đến trung tâm y tế dự phòng địa phương. Tất nhiên, tôi không quên mang theo một số tiền lớn, vì chưa rõ chi phí y tế bên này như thế nào.
Trung tâm không một bóng người, hoàn toàn yên lặng, trừ âm thanh bàn phím máy tính lách tách. Gương mặt nhân viên của trung tâm bất ngờ ló ra ô cửa, chào chúng tôi và thể hiện cử chỉ yêu thương với con trai tôi. Xong, cô nhân viên chỉ tay về phía mô hình trò chơi mobile play, ngụ ý bảo thằng bé đến đó chơi đi, rồi gọi chúng tôi đến hỏi chuyện.
Chúng tôi đưa tất cả giấy tờ liên quan đến tiêm chủng ở Việt Nam, giấy tờ lúc mới sinh của thằng bé, rồi sổ khám nhi, đồng thời, bày tỏ nhu cầu của mình rồi nhờ họ xem thử lịch trình tiêm chủng cho bé sẽ được thực hiện như thế nào ở đây.
Nhân viên cần thời gian kiểm tra thông tin kĩ càng, họ bảo tôi ra khu vực ngồi chờ. Tại khu vực này chứa nhiều ngăn kệ đựng đầy những poster thông tin về tiêm chủng. Trẻ ở giai đoạn nào cần phải ngừa gì, tiêm gì rất đầy đủ. Còn có hẳn những tờ nội san về tiêm chủng, có thể do trung tâm hoặc địa phương xuất bản. Thông tin dễ hiểu, chỉ cần vốn tiếng anh cơ bản cũng có thể hiểu mà không cần sự tư vấn từ nhân viên y tế.
|
Con tôi đã được tiêm phòng đầy đủ và miễn phí, sau khi nhân viên y tế xem xét kỹ lưỡng thông tin từ Việt Nam. |
Mười lăm phút sau, nhân viên y tế gọi chúng tôi vào, họ hỏi chúng tôi qua đây khi nào, trước đây bé có mắc bệnh gì nghiêm trọng không, tình hình ăn uống, nghỉ ngơi của bé trong những tuần qua.
Sau khi chúng tôi trả lời, họ giải thích thêm, mỗi vùng miền, quốc gia có những lịch trình tiêm chủng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện khí hậu. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn dựa trên một liệu trình cơ bản nhằm giúp cho một đứa trẻ có đầy đủ sức đề kháng về sau.
Họ cho biết con trai tôi đã thực hiện một liệu trình tiêm chủng khá đầy đủ. Bé sẽ còn tiêm thêm 5 mũi, trong đó, một số mũi nhằm đáp ứng điều kiện thời tiết của vùng đất mới. 5 mũi này có thể tiêm trong cùng một lúc hoặc chia ra cho lần sau.
Tôi quyết định cho con mình tiêm trước hai mũi, để xem phản ứng của bé thế nào. Họ đồng ý rồi đưa cả nhà vào phòng tiêm, đặt bé nằm lên giường, không quên dặn bố mẹ giữ chân tay bé nhằm tránh cử động mạnh. Chưa đầy hai giây, hai mũi tiêm đã xong. Con trai có vẻ hoảng hốt nên hét lên, sau đó im re và tiếp tục chơi với món đồ trên tay nó.
Tiêm xong, y tá đưa lại tờ lịch trình tiêm chủng ở Việt Nam, kèm theo một bản copy mới, chính tay họ điền thông tin tiếp theo lên lịch trình rất rõ ràng. Thấy chúng tôi vẫn chưa ra về, họ thắc mắc hỏi chúng tôi có cần gì nữa không. Thì ra, ở đây, tiêm xong cho bé, cả nhà cứ vô tư ra về, không cần nán lại ba mươi phút để chờ xem bé phản ứng gì hay không, như những lời y tá tại bệnh viện Việt Nam hay căn dặn.
Khi tôi hỏi đến việc đóng chi phí tiêm ngừa, nhân viên y tế nhìn tôi vài giây rồi chợt nhớ ra rằng, chúng tôi là những người mới đến. Họ lại giải thích cặn kẽ, tất cả trẻ em ở Mỹ, dù dân bản xứ hay bất kỳ thành phần nào thì cũng đều được tiêm ngừa miễn phí.
Một cảm giác an lòng
Con trai chuyển sang tháng thứ 18, cả nhà lại chuyển đến thành phố Columbus, Ohio. Vẫn còn ba mũi tiêm cho bé chưa xong, hai vợ chồng lại tiếp tục tìm đến trung tâm y tế dự phòng của địa phương mới. Chỉ sau mười lăm phút, họ kiểm tra thông tin tiêm ngừa của thằng bé lúc còn ở địa phương cũ thông qua điện thoại và hệ thống mạng y tế rồi đồng ý tiêm nốt ba mũi còn lại cho con trai. Và với năm mũi ngừa đó, đến lúc bốn tuổi con trai tôi mới tiêm nhắc trở lại.
Chưa nói đến chất lượng của từng lọ vaccine, sự quan tâm và ánh mắt thiện tình của nhân viên y tế ở đây khiến những người tha hương như chúng tôi cảm thấy an lòng, cảm giác con của mình cũng được yêu thương như chính con cái của họ. Tôi nhớ nôm na một câu nói của vị bác sĩ mình từng có dịp làm việc ở Việt Nam: "Một nền kinh tế phát triển thì chưa bao giờ có y tế rẻ cả". Một hóa đơn khám chữa bệnh ở Mỹ, dù mới chỉ là cái hắt hơi, sổ mũi thôi cũng cả ngàn đô. Nhưng, người dân ở đây họ thừa hưởng được những phúc lợi rất tốt từ những nguồn bảo hiểm mà nhà nước mang lại cho họ.
Tất nhiên, chúng ta không thể so sánh phương tiện vật chất, điều kiện y tế của một cường quốc với một nước còn ở mức nghèo. Nhưng, sao vẫn cứ thương những đứa trẻ xứ mình khi mà người thân của chúng nhiều khi vẫn còn chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm cho con những điều tối thiểu nhất, 1 hộp thuốc, lon sữa hay chỉ là một liều vaccine đúng lịch tiêm phòng.
My Cao
>Tiêm chủng không đúng lịch có thể tiêm bổ sung?