"Các doanh nghiệp tham gia trong Chuỗi thực phẩm an toàn, hay những sản phẩm đạt Chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng nên tính đến việc đầu tư làm sao để cho sản phẩm của mình "ngon, bổ, rẻ" nhằm cạnh tranh với các sản phẩm khác".

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Các doanh nghiệp phải đầu tư làm sao để sản phẩm 'ngon, bổ, rẻ'

Hồ Quang | 06/10/2023, 20:00

"Các doanh nghiệp tham gia trong Chuỗi thực phẩm an toàn, hay những sản phẩm đạt Chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng nên tính đến việc đầu tư làm sao để cho sản phẩm của mình "ngon, bổ, rẻ" nhằm cạnh tranh với các sản phẩm khác".

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (QLATTT) TP.HCM đã lưu ý như thế đối với các doanh nghiệp tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ để đánh giá công tác phối hợp và liên kết tiêu thụ nông lâm, thủy sản trong “Chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2021-2025 vào chiều 6.10.

Các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” đều an toàn

Theo Ban QLATTT TP.HCM, sau 2 năm ký kết phối hợp và liên kết tiêu thụ nông lâm, thủy sản trong “Chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2021-2025 giữa TP.HCM và Cần Thơ, đến nay Cần Thơ đã có 7 cơ sở thủy sản tham gia Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” thực hiện thí điểm trên địa bàn TP.HCM, với tổng sản lượng thủy sản tham gia chuỗi là 5.615,88 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng tại Cần Thơ là 3.138,55 tấn/năm.

ba-pham-khanh-phong-lan-ca-doanh-nghiep-phai-dau-tu-lam-sao-de-san-ham-ngon-bo-re-hinh0-anh(1).png
Công nhân chế biến thủy sản tại Hợp tác xã Nhất Tâm (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP.Cần Thơ) - Ảnh: PV

Ngoài ra, TP.Cần Thơ còn có 8 cơ sở sản xuất thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM được cấp một trong các giấy chứng nhận Thực hành tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), tiêu chuẩn thực hành quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000), chứng nhận VietGAP, chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ…

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban QLATTT TP.HCM, con số gần 6.000 tấn thủy sản mỗi năm của Cần Thơ trong “Chuỗi thực phẩm an toàn” cung cấp cho TP.HCM là còn quá khiêm tốn so với sản lượng thủy hải sản mà TP tiêu thụ.

Bà Lan cho biết, những sản phẩm trong “Chuỗi thực phẩm an toàn” được ký kết hợp tác giữa TP.HCM và Cần Thơ luôn được đẩy mạnh kiểm tra chất lượng để đáp ứng đúng tiêu chí an toàn, không chứa chất độc hại.

“Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã lấy 60 mẫu để kiểm nghiệm. Dù số lượng mẫu kiểm nghiệm còn khiêm tốn, nhưng điều đáng mừng là tất cả các chỉ tiêu đều đạt. Điều đó có nghĩa là toàn bộ các sản phẩm trong “Chuỗi thực phẩm an toàn” đều an toàn”, bà Lan cho biết.

Các doanh nghiệp phải tính đến đầu tư làm sao để sản phẩm “ngon, bổ, rẻ”

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ, hiện nay tiềm năng về các sản phẩm nông lâm, thủy sản của Cần Thơ còn rất lớn, nhưng tỷ lệ giao thương giữa Cần Thơ với TP.HCM còn khiêm tốn, cần tăng cường hơn nữa số lượng “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Ông Nhơn mong muốn các doanh nghiệp tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” hay đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có đầu ra ổn định.

“Số lượng sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” hay chứng nhận VietGAP, GlobalGAP vào các siêu thị còn nhỏ giọt, chỉ chiếm khoảng 10%; còn lại phải bán tại các chợ truyền thống. Lúc này, giá cả các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hay tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” cũng giống như các sản phẩm khác, giá bán gần như giống nhau. Điều này khiến các doanh nghiệp không có động lực tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, ông Nhơn nói.

Chia sẻ về điều này, bà Lan cho biết, trong thời gian sắp tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiếp tục tham gia vào “Chuỗi thực phẩm an toàn” hay chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…; đồng thời sẽ làm sao cho các sản phẩm này có thêm đầu ra. Theo đó, TP.HCM sẽ tiêu thụ nhiều hơn những sản phẩm đạt chất lượng. “Đây cũng chính là cách thiết thực nhất để đẩy lùi các thực phẩm bẩn cũng như giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm”, bà Lan nói.

Ngoài ra, bà Lan cũng mong muốn tuyên truyền mạnh hơn nữa để thay đổi cách suy nghĩ của người tiêu dùng, để họ chấp nhận chọn mua những sản phẩm có giá cao hơn nhưng đạt chất lượng, an toàn, có thương hiệu.

Tuy nhiên, bà Lan cũng lưu ý các doanh nghiệp tham gia trong “Chuỗi thực phẩm an toàn”, hay những sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cũng nên tính đến việc đầu tư làm sao để cho sản phẩm của mình “ngon, bổ, rẻ” nhằm cạnh tranh với các sản phẩm khác.

“Sản phẩm “ngon, bổ, rẻ” không có nghĩa là rẻ nhất trong thị trường mà giá cả hợp lý, chấp nhận được. Đây cũng là sự cạnh tranh của những nơi bán hàng chuẩn, hàng đạt chất lượng, an toàn. Nếu chúng ta bán hàng chuẩn, đạt chất lượng, an toàn mà giá cả hợp lý thì chắc chắn sẽ có nhiều khách. Chúng tôi sẽ đi theo hướng đó”, bà Lan cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
9 giờ trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Các doanh nghiệp phải đầu tư làm sao để sản phẩm 'ngon, bổ, rẻ'