Chia sẻ với phóng viên báo Một Thế Giới sau khi ra quyết định xử phạt cơm tấm Kiều Giang về 2 hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng cơm tấm Kiều Giang đã sai ngay từ ban đầu. Đây là bài học để đơn vị này rút kinh nghiệm, sửa chữa.
Bà Lan cho biết trong sáng nay (30.8) bà đã ký quyết định xử phạt quán Cơm tấm Kiều Giang về2 hành vi vi phạm, gồm: không đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi chế biến; trang bị bảo hộ lao động không đầy đủ cho nhân viên. Tổng hợp 2 hành vi vi phạm trên, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 2.300.000 đồng.
Tuy nhiên, theo bà Lan, điều đáng nói là Cơm tấm Kiều Giang đã sai ngay từ ban đầu, vì đã được báo trước cả tháng sẽ kiểm tra cũng như những nội dung kiểm tra nhưng vẫn không chuẩn bị. “Ngày 1.8.2018chúng tôi đã có công văn gửi cho các doanh nghiệp, trong đó có quán cơm Kiều Giang về việc kiểm tra và nội dung kiểm tra. Quán cơm Kiều Giang cũng đã ký xác nhận về những nội dung này. Sau hơn 1 tháng đoàn mới đến kiểm tra những nội dung đã thông báo trên thì không đáp ứng được hồ sơ, chứng từ, buộc chúng tôi phải lập biên bản, niêm phong 3 ngày để chờ đơn vị cung cấp những chứng từ liên quan là hoàn toàn đúng quy định”- bà Lan nói.
Đề cập đến dư luận cho rằngBan Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa có kết luận cụ thể là không đúng, bà Lan cho biết thông tin mà các cơ quan truyền thông đưa về vụ việc này, Ban Quản lý an toàn thực phẩm không hề cung cấp cho báo nào cả.
Đây là hoạt động thanh tra định kỳ, các nhà báo được quyền tham gia cùng đoàn thanh tra. Do đó, việc các báo đăng thông tin như thế nào, đăng ra làm sao hay không đăng là quyền của các báo, Ban Quản lý an toàn thực phẩm không thể can thiệp vào chuyện đó.
Đối với Cơm tấm Kiều Giang, trước khi kiểm tra đã được báo trước cả tháng nhưng lại không chuẩn bị là điều không thể chấp nhận. Khi đã không chuẩn bị để các cơ quan báo chí đưa lên thì than vãn, mà thực tế báo chí nói không sai.
“Nếu ngay từ đầu doanh nghiệp này không tạo “chất liệu” thì làm sao báo chí thông tin, muốn báo chí không thông tin thì mình phải làm tốt, đừng có sai phạm. Việc cung cấp hóa đơn, chứng từ có gì khó khăn đâu mà không chuẩn bị sẵn khi đã thông báo trước cả tháng. Cả nghìn kýphụ gia không có một hóa đơn, chứng từ nào bên cạnh, giải thích thì ậm ừ. Trong trường hợp đó, nếu chúng tôi không lập bản bản, niêm phong thì báo chílại nói thấy doanh nghiệp lớn thì du di” - bà Lan bày tỏ và khẳng định sẽ tiếp tục công khai thông tin. Trong thời gian tới không chỉ có kiểm tra định kỳ mà đơn vị sẽ kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ thông tin của nhà báo hay của người dân.
Theo bà Lan, Cơm tấm Kiều Giang là một doanh nghiệp có tiếng, tương tự như một người nổi tiếng. Khi đã là doanh nghiệp có tiếng thì “nước lên, thuyền phải lên”, đơn vị cần phải cẩn thận hơn gấp nhiều lần. Dù là một vi phạm nhỏ nhưng đối với một doanh nghiệp lớn thì người dân sẽ thấy trở thành một vi phạm lớn.
“Đây là một bài học để Cơm tấm Kiều Giang rút kinh nghiệm, để bản thân cẩn thận hơn”- bà Lan nhấn mạnh và cho biết việc thanh tra,kiểm tra là không có “ vùng cấm”, không phải doanh nghiệp lớn là không kiểm tra. Kiểm tra doanh nghiệp nào sai phạm đến đâu thì xử đến đó, không xử oan.
Hồ Quang