Đến ngày 1.4.2023, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc 6 năm với 2 chu kỳ thí điểm. Việc đơn vị này có tiếp tục hoạt động nữa hay không, hoạt động mô hình nào phải chờ sự chỉ đạo Chính phủ, nhưng với người trong cuộc thì mong muốn được nâng cấp lên chuyên nghiệp hơn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: “Thực phẩm hiện nay ở TP.HCM đã an toàn hơn trước”

Hồ Quang | 15/07/2022, 20:18

Đến ngày 1.4.2023, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc 6 năm với 2 chu kỳ thí điểm. Việc đơn vị này có tiếp tục hoạt động nữa hay không, hoạt động mô hình nào phải chờ sự chỉ đạo Chính phủ, nhưng với người trong cuộc thì mong muốn được nâng cấp lên chuyên nghiệp hơn.

Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM hôm 15.7, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong 6 năm hoạt động với thân phận là một “đứa con tạm bợ”, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM mong muốn chính thức hóa mô hình này để tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, chính thức hơn. Đó chính là mô hình Sở an toàn thực phẩm TP.HCM.

ba-pham-khanh-phong-lan-thuc-pham-hien-nay-da-an-toan-hon-truoc-hinh-anh-1(1).png
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ với phóng viên - Ảnh: PV

“Hiện chúng tôi đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập Sở an toàn thực phẩm để trình UBND TP.HCM và Chính phủ”, bà Lan nói.

-Muốn chính thức hóa mô hình và trở thành Sở an toàn thực phẩm để được “danh chính ngôn thuận”, điều quan trọng nhất là Ban an toàn thực phẩm TP.HCM phải chứng minh được qua 6 năm hoạt động thí điểm của mình thực phẩm TP đã an toàn hơn so với trước đó?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Tôi khẳng định thực phẩm chưa an toàn tuyệt đối, nhưng chắc chắn đã an toàn hơn so với 6 năm trước khi chưa có Ban Quản lý an toàn thực phẩm.

Có rất nhiều tiêu chí để chứng minh thực phẩm của TP đã an toàn hơn trước đây, trong đó có một số tiêu chí 2 mặt, nhưng cũng có một số tiêu chí tuyệt đối.

Tôi lấy ví dụ ở tiêu chí 2 mặt, chúng ta thấy các vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm dần so với trước, điều đó đã nói lên thực phẩm của chúng ta đã an toàn hơn. Tuy nhiên, ngộ độc chỉ thể hiện cấp tính, khi thực phẩm nhiễm vi sinh; còn thực phẩm ngộ độc do nhiễm bẩn hay do sử dụng chất cấm thì phải hàng chục năm sau mới phát hiện được. Vì vậy, việc giảm ngộ độc thực phẩm cũng chưa phải đã an toàn tuyệt đối.

Bên cạnh đó, số vụ thanh tra của chúng tôi nhiều hơn, các cơ sở vi phạm bị xử phạt nghiêm minh hơn, có tính răn đe hơn. Công tác thanh, kiểm tra với đội ngũ quản lý an toàn thực phẩm xuống tận các quận, huyện góp phần làm cho an toàn thực phẩm tốt hơn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nhiều cơ sở vi phạm, bị xử phạt thì thực phẩm chưa an toàn còn nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có tiêu chí tuyệt đối, đó chính là kết quả giám sát chất lượng thực phẩm và tăng cường lượng thực phẩm sạch lưu hành trên thị trường.

Ở khâu giám sát chất lượng thực phẩm cho thấy, tỷ lệ lấy mẫu tăng so với trước đây nhưng tỷ lệ mẫu vi phạm giảm. Như vậy, nhìn chung thực phẩm an toàn hơn.

Đối với chuỗi thực phẩm an toàn được chúng ta xây dựng cùng với chuỗi nông sản tươi sống VietGAP, GlobalGAP… của ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, xuất khẩu khắp nơi. Điều này cho thấy thực phẩm sạch của chúng ta tăng. Một khi người dân sử dụng thực phẩm sạch tăng sẽ giảm được thực phẩm bẩn. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định thực phẩm của TP đã khởi sắc, an toàn hơn trước.

-Như bà khẳng định, thực phẩm của TP hiện nay đã an toàn hơn, khởi sắc hơn trước đây. Vậy thực tế hiện nay thực phẩm của TP đã an toàn đến đâu, thưa bà?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Như tôi đã nói nói, thực phẩm hiện nay của TP đã an toàn hơn so với trước, nhưng chưa an toàn tuyệt đối. Hiện nay chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng vẫn còn nhiều tồn tại. Chỉ khi nào chúng ta phát triển một nền nông nghiệp bền vững thì mới có thể ngồi nói chuyện với nhau được. Dù hiện nay thuốc bảo vệ thực vật có cắt giảm so với trước nhưng sử dụng vẫn còn nhiều, người nông dân sau dịch bệnh không loại trừ lại “xé rào” bỏ qua việc an toàn thực phẩm.

Tôi không chủ quan đánh giá thực phẩm TP tốt hết rồi, nhưng rõ ràng đã tốt hơn. Nếu như được tạo điều kiện, được chính thức hóa Ban quản lý an toàn thực phẩm thì thực phẩm TP sẽ còn tốt hơn nữa.

-Vậy theo bà trong 6 năm qua, đâu được xem là điểm nhấn góp phần giúp cho thực phẩm TP được an toàn hơn trước đây?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Tôi xin nhấn mạnh đến 3 lĩnh vực chính mà chúng tôi thực hiện trong 6 năm qua đã góp phần đưa thực phẩm TP an toàn hơn trước đây chính là xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Đối với công tác xây dựng thực phẩm sạch, chúng tôi đã đẩy mạnh việc xây dựng và kêu gọi tiêu thụ chuỗi thực phẩm an toàn cũng như những thực phẩm tươi sống khác từ ngành nông nghiệp.

Việc chống thực phẩm bẩn chúng tôi có cả hệ thống các đội quản lý an toàn thực phẩm xuống tận địa bàn các quận, huyện và chợ đầu mối, chợ truyền thống để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm. Chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội về vấn đề này. Tất nhiên cũng cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, sự phối hợp liên ngành và các ngành khác như: công an, quản lý thị trường…

Trong công tác nâng cao nhận thức người dân chung ta có thể thấy thức ăn đường phố đã có sự cải thiện đáng kể về vệ sinh. Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm để đảm bảo được nguồn gốc, nếu có xảy ra vấn đề mất an toàn nào sẽ truy xuất, ngăn chặn sự phát tán và gián tiếp giúp người nông dân sản xuất thực phẩm một cách an toàn.

-Đối với đề án chuỗi thực phẩm an toàn và ký kết xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM với các địa phương khác, bà đánh giá như thế nào về hoạt động này trong việc giúp cho thực phẩm TP an toàn hơn trước?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Với việc thành Ban Quản lý an toàn thực phẩm, chúng tôi có chức năng và quyền hạn để có những chương trình hoạt động và ký kết trực tiếp với các tỉnh, thành bạn. Đó là các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành cũng như phối hợp với nhau để quản lý tốt nhất thực phẩm từ nguồn. Bởi thực tế nguồn thực phẩm tiêu thụ tại TP có đến 80-90% là từ các tỉnh, thành khác.

Việc quản lý không chỉ dừng lại giữa các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà Ban Quản lý an toàn toàn thực phẩm còn chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát khi lưu hành trên địa bàn TP, khi có vấn đề gì thì cảnh báo ngược lại ngay cho các tỉnh, thành. Sự phát triển của chuỗi thực phẩm an toàn đã tăng cả về số lượng, sản lượng thực phẩm cũng như chất lượng. Điều này được thể hiện qua kết quả kiểm nghiệm. Đây là hướng tốt giúp cho các tỉnh, thành bạn có thể xây dựng những mặt hàng đảm bảo thương hiệu, uy tín của địa phương mình.

Xin cảm ơn bà!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Khánh Phong Lan: “Thực phẩm hiện nay ở TP.HCM đã an toàn hơn trước”