Đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, bởi việc này không chỉ giúp các em tránh được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm mà còn giúp các em phát triển toàn diện.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trường học là đối tượng ưu tiên kiểm tra, giám sát ATTP

Hồ Quang | 23/11/2022, 18:05

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong trường học phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu, bởi việc này không chỉ giúp các em tránh được nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm mà còn giúp các em phát triển toàn diện.

Chỉ có 2 đơn vị trường học vi phạm ATTP

Thời gian gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm trong trường học xảy ra nhiều với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, mới đây đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khiến hơn 600 học sinh và nhiều giáo viên của trường này phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 học sinh đã tử vong.

ba-pham-khanh-phong-lan-truong-hoc-la0doi-tuong-uu-tien-kiemtra-giam-sat-an-toan-thuc-pham-hinh-anh(2).png
Một bữa ăn bán trú của học sinh tại TP.HCM - Ảnh: PV

TP.HCM là địa phương có số lượng học sinh khá lớn với khoảng 1,7 triệu em trong năm học 2022-2023. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học luôn được địa phương này đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, tại các trường học trên địa bàn TP, bữa ăn của học sinh được thực hiện theo 3 hình thức gồm: nhà trường tự nấu, thuê nhà thầu bên ngoài vào trường nấu hoặc đặt suất ăn từ bên ngoài.

Đối với các bếp ăn tập thể do nhà trường tự tổ chức nấu đều được thực hiện quy trình 1 chiều nhằm đảm bảo quy định về ATTP. Theo đó, thực phẩm sau khi nhận sẽ được di chuyển đến khu vực bếp. Tại đây, đại diện Ban giám hiệu nhà trường hoặc nhân viên thực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng trên bao bì.

Sau đó, thực phẩm được đưa vào 2 khu vực (rau củ quả và thịt cá) để rửa sạch. Các nhân viên đầu bếp tiến hành sơ chế rồi di chuyển đến các khu trung chuyển như: khu nấu cơm, khu nấu canh, khu nấu món mặn… Sau khi nấu hoàn chỉnh sẽ đưa về khu vực phân chia cho các lớp. Các suất ăn được che đậy an toàn trước khi dùng xe đẩy đưa đến các lớp. Quá trình di chuyển được giám sát bởi Ban giám hiệu và nhân viên bếp ăn.

Những trường học có diện tích rộng, có điều kiện thì tự tổ chức bếp ăn tập thể như thế. Còn những trường có diện tích nhỏ hẹp, không có điều kiện thì hợp tác với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài. Dù với hình thức nào, các trường vẫn luôn quan tâm và thực hiện nghiêm các vấn đề ATTP để đem lại bữa ăn cho học sinh an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện.

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trong năm học 2022-2023 này, đơn vị đã kiểm tra 2.231 cơ sở, trong đó có 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, 2 căn tin tự tổ chức, 474 căn tin hợp đồng, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn của các trường học trên địa bàn TP và chỉ phát hiện 2 cơ sở vi phạm ATTP.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh: “Trường học là đối tượng ưu tiên của chúng tôi trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP. Quan điểm của chúng tôi là phòng hơn chống”.

Khuyến khích các trường sử dụng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn

Đánh giá về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP trong năm học 2022-2023, bà Lan cho biết, về mặt thủ tục, giấy tờ pháp lý, đa số các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP. Hồ sơ pháp lý ở các trường đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, dễ truy tìm. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp.

Nguồn nguyên liệu thực phẩm tại các trường đa số được lấy tại những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” (807 cơ sở), hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP, VietGap, GlobalGap (670 cơ sở). Người quản lý và người tham gia chế biến có nhận thức tốt về nguyên tắc đảm bảo ATTP trong quá trình chế biến thực phẩm. Các trường có bố trí cán bộ y tế phụ trách công tác ATTP, thực hiện lưu giữ hồ sơ pháp lý, thường xuyên kiểm tra an toàn bếp ăn cũng như góp phần đảm bảo ATTP cho trường.

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho biết, một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường có nơi chế biến đặt ở tỉnh lân cận, ngoài phạm vi quản lý của TP nên việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Một số trường chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về kiểm thực 3 bước theo Quyết định 1246. Một số trường không tổ chức căn tin do quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến tình trạng học sinh sử dụng thực phẩm trước cổng trường nên khó kiểm soát về ATTP...

Để đảm bảo ATTP trong các bữa ăn của học sinh tại trường học trên địa bàn TP, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề nghị trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học.

Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học, và các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học nhằm ngăn ngừa ngộ độc tập thể, sự cố về ATTP, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác kiểm tra ATTP các quy định mới về ATTP để thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Trao đổi thông tin, kiến nghị các địa phương lân cận kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn có nơi chế biến tại địa phương khác cung cấp cho trường.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP mới có hiệu lực đến các cơ sở, đơn vị trường học trên địa bàn quản lý.

Khuyến khích các trường học, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu thực phẩm được cung cấp bởi những đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, hoặc các đơn vị có Giấy chứng nhận ISO, HACCP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trường học là đối tượng ưu tiên kiểm tra, giám sát ATTP