Mặc dù hàng không Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch, nhưng 3 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không là giá dầu, tỷ giá và chính sách Zero-covid của Trung Quốc.
Hàng không nội địa lấy lại những gì đã mất trong đại dịch
Theo báo cáo của VNDIRECT, hàng không nội địa đã lấy lại những gì đã mất trong đại dịch. Kỳ nghỉ hè năm nay đã thực sự cởi trói cho khách nội địa sau hơn hai năm COVID-19.
Cụ thể, nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn đã triển khai kịp thời kết hợp với các chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh… đã kích hoạt sự bùng nổ du lịch nội địa cả nước.
Ngoài ra, các hãng hàng không trong nước cũng tích cực khai thác và tăng tần suất các đường bay nội địa đến các điểm du lịch giúp hàng không trong nước đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, với các hãng hàng không, báo cáo đánh giá triển vọng phục hồi bị lu mờ bởi giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá hối đoái và lãi suất tăng.
Thị phần của các hãng hàng không đã thay đổi rất nhiều từ năm 2017. HVN (Vietnam Airlines) chứng kiến thị phần giảm dần qua từng năm, từ 54,1% năm 2017 xuống còn 45,3% trong 9 tháng năm 2022, trong khi VJC (Vietjet) và Bamboo Airways đang dần chiếm lĩnh thị phần.
Trong số các hãng hàng không, VJC có sự phục hồi mạnh mẽ nhất về số lượng chuyến bay với mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm là 147,8% so với cùng kỳ, tiếp theo là HVN (119,3% so với cùng kỳ) và Bamboo Airways (87,6% so với cùng kỳ).
Lãi suất tăng, tỷ giá gây khó cho hãng hàng không
Tuy nhiên, theo quan điểm của VNDIRECT, trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, đồng USD mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD.
Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (bán bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay của các hãng hàng không khó khăn hơn. Tuy nhiên, những khó khăn này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.
Lãi suất tăng trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.
Đối với các hãng hàng không trong nước, HVN có tỷ trọng cho vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất (66,3%) với số dư vay USD là 21.815 tỉ đồng đến ngày 30.6.2022; trong khi tỷ trọng của VJC chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỉ đồng, do đó VJC ít phải chịu rủi ro hơn liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng.
Ba rủi ro lớn ảnh hưởng đến triển vọng ngành hàng không
Mặc dù hàng không Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch, nhưng VNDIRECT vẫn thấy ba rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành hàng không.
Cụ thể, trong bối cảnh thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt trên toàn cầu thì căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này, thúc đẩy giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.
Hiện tại, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức cao. Giá dầu cao hơn dự kiến dẫn đến gia tăng chi phí hoạt động của các hãng hàng không, điều này có thể nâng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam khi Trung Quốc chiếm 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn trước đại dịch.
“Chừng nào Trung Quốc còn tuân theo chiến lược này, chúng tôi tin rằng du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới.
Trong đó, ACV dự kiến vay 2,5 tỉ USD cho siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong đó ACV dự kiến giải ngân lần lượt 0,37 tỉ USD/0,87 tỉ USD/1,26 tỉ USD trong 3 năm 2022/2023/2024.