Trong báo cáo mới công bố, VNDIRECT dự báo một số rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

Kinh tế đối mặt nhiều thách thức phía trước, đà tăng trưởng có thể chậm lại

Lam Thanh | 22/10/2022, 06:00

Trong báo cáo mới công bố, VNDIRECT dự báo một số rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

VNDIRECT đánh giá tăng trưởng GDP quý 3/2022 tăng từ mức nền thấp của quý 3/2021. GDP của Việt Nam tăng 13,7% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 phần lớn là nhờ dịch vụ tăng mạnh và ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốt.

VNDIRECT cho hay áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn trong quý 4/1022, do đà tăng của các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như dịch vụ lưu trú, vật liệu xây dựng, xăng dầu và học phí.

Theo đó, dự báo CPI bình quân của Việt Nam trong quý 4 tăng 4,0-4,5% so với cùng kỳ. Tuy vậy, Chính phủ có thể đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4,0% so với cùng kỳ.

Đơn vị này cũng nhận thấy một số rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

Cụ thể, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn trong tương lai, kéo theo nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, thị trường việc làm thắt chặt và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu.

"Nhu cầu tiêu dùng thấp hơn tại Mỹ và châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này (chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2021) những quý tới đây", báo cáo nêu.

Một rủi ro khác là chính sách Zero-COVID và những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng ở tây nam Trung Quốc đã làm tê liệt hoạt động sản xuất thủy điện và khiến nhiều nhà máy ở khu vực đó phải đóng cửa.

“Đây là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chứng kiến chi tiêu tiêu dùng tăng chậm và thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, báo cáo nêu.

sx.jpg
Kinh tế đối mặt nhiều thách thức phía trước

Ngoài ra, việc đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do chính sách Zero-COVID hoặc cắt điện có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như dệt may, luyện kim, hóa chất, điện tử.

Đồng USD tăng mạnh cũng đang gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, thời gian qua, NHNN đã phải can thiệp vào thị trường và bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, NHNN sẽ có ít nguồn lực hơn để can thiệp do dự trữ ngoại hối đã mỏng hơn trước.

Trong trường hợp xấu hơn, NHNN có thể phải tính đến việc tăng lãi suất điều hành, từ đó làm tăng chi phí kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.

Cũng theo VNDIRECT, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu do xung đột Nga-Ukraine nguy cơ kéo dài và gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn. NHNN có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trong báo cáo mới nhất, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo nguy cơ nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại vào năm 2023, với các quốc gia chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có thể suy thoái trong giai đoạn 2022-2023.

Do khó khăn bên ngoài đang nổi lên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn FDI có thể chậm lại trong những quý tới.

Tuy vậy, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại, bao gồm nguồn vốn đầu tư công dồi dào và lượng khách nước ngoài kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm tới.

Do đó, đơn vị này dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2022 đạt 5,6%, đưa tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chậm lại còn 6,9% so với cùng kỳ, vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Bài liên quan
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế đối mặt nhiều thách thức phía trước, đà tăng trưởng có thể chậm lại