Gửi đơn đến báo điện tử Một Thế Giới, một số hộ dân gồm bà Nguyễn Thị Cảnh (SN 1956), Nguyễn Thị Bảy (SN 1964), Ngô Thị Linh (SN 1975) tại thôn Nội Xuân, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tố cáo nhiều sai phạm về đất đai tại địa phương của Ban quản lý thôn Nội Xuân.

Bắc Giang: Bán trái phép 14 lô đất trong dồn điền đổi thửa

Trí Lâm | 17/09/2017, 21:06

Gửi đơn đến báo điện tử Một Thế Giới, một số hộ dân gồm bà Nguyễn Thị Cảnh (SN 1956), Nguyễn Thị Bảy (SN 1964), Ngô Thị Linh (SN 1975) tại thôn Nội Xuân, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tố cáo nhiều sai phạm về đất đai tại địa phương của Ban quản lý thôn Nội Xuân.

Bán trái phép 14 lô đất nông nghiệp

Theo bà Ngô Thị Linh, năm 2016, thôn Nội Xuân tiến hành thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý thôn về dồn điển đổi thửa đã thực hiện sai với quy định của pháp luật.

“Nhất là ông Ngô Văn Bình, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nội Xuân đã lợi dụng chức quyền bán đất nông nghiệp cho những hộ liền kề trái quy định, trái thẩm quyền mà không thông qua họp dân. Các hộ dân đã mua và xây tường bao, có hộ đã làm nhà”, bà Linh nêu.

Tuy nhiên, đơn thư gửi đi nhiều lần nhưng không được giải quyết, thậm chí bà Linh còn cho biết trong cuộc họp của Ban công tác Mặt trận thôn, ông Lê Khâm - trưởng ban “dọa” sẽ tước quyền công dân của một số người dân đã ký vào đơn tố cáo. “Họ nói sẽ không cho tham gia sinh hoạt trong các hội như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… ở địa phương”.

Trong đơn, bà Linh cũng cho biết, bố bà là ông Ngô Đình Bính được cấp đất từ năm 1992 và có sổ đỏ số 018773 cho 2.112 m2 đất canh tác, trong đó có 2 thửa với diện tích là 720 m2 đất 2 lúa loại kém nhất. Thôn thu hồi 720 m2 đất không có giấy tờ thu hồi và hứa sẽ bán lại cho gia đình ông Bính 504 m2 đất liền kề như các hộ khác. Tuy nhiên, sau này gia đình nộp tiền mua thì thôn cho biết ông Bính chỉ được khoán thầu chứ không được mua. Gia đình không nhất trí với sự lật lọng này và cho rằng mình đã bị lừa.

Mảnh đất bà Ngô Thị Linh khiếu nại

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về mảnh đất này của bà Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ, trưởng thôn Nội Xuân cho biết, đất đó là đất dự trữ của thôn, gia đình ông Bính tạm thời nhận khoán thầu. Gia đình chị Linh xây và xếp gạch xung quanh nên thôn và xã cưỡng chế việc này.

Chủ tịch UBND xã Mai Trung, ông Nguyễn Văn Tụ cho biết, thôn hứa thế nào là chuyện của thôn, còn xã không hứa gì với bà Linh.

Theo anh Phương, cán bộ địa chính xã, đây là đất công ích, tập thể đang quản lý. Đất nhà ông Bính đang làm là thầu của thôn. Sắp tới, sau khi đo đạc bản đồ địa chính thì xã sẽ trực tiếp ký với các hộ chứ không để thôn ký, xã sẽ nắm được từng thửa đất. Thời gian tới đất mảnh đất này sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất và làm hồ sơ đấu giá, ai trả giá cao thì được.

“Trước năm 1992 chia ruộng thì nhà cô ấy ở đấy, nhưng sau khi dồn điền đổi thửa thì tất cả đất đã hòa với nhau rồi chia lại. Do đó sổ đỏ không còn hiệu lực gì. Gia đình cô Linh đã nhận ở ngoài đồng rồi”, ông Tụ nói.

Yêu cầu trưởng thôn hoàn trả tiền bán đất trái quy định

Về việc bán đất, Chủ tịch UBND xã Mai Trung Nguyễn Văn Tụ cho biết đã nhận được đơn tố cáo của bà Ngô Thị Linh và đã thành lập tổ xác minh và thụ lý giải quyết. Sau khi tổ xác minh làm việc với các bên liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì xác định nội dung tố cáo của bà Linh là có cơ sở.

Cụ thể, năm 2016 lãnh đạo thôn Nội Xuân đã tổ chức bán lâu dài với diện tích 3.901 m2 đất nông nghiệp cho 13 hộ gia đình, cá nhân trong thôn và thu được 659 triệu đồng. Riêng gia đình ông Quý Cảnh đổi diện tích 378 m2 được chia theo định suất năm 1992 lấy 378 m2 đất nông nghiệp ở gần nhà và ủng hộ thôn 35 triệu đồng. Hiện mảnh đất của ông Quý và một số hộ dân đã xây tường bao hoặc công trình chăn nuôi.

Một số lô đất đã bán, được xây tường bao

Tổ xác minh làm việc với ông Ngô Văn Bình - Bí thư chi bộ thôn thì được biết, ngày 14.9.2016, chi bộ thôn Nội xuân họp ban hành Nghị quyết chị đạo “cho khoán thầu có thời hạn diện tích đất 5%, thu tiền 1 lần”.

Ngày 18.9.2016, thôn Nội Xuân tổ chức họp nhân dân báo cáo chủ trương của chi bộ về việc “cho khoán thầu có thời hạn diện tích 5%, thu tiền 1 lần và được nhân dân nhất trí.

Theo ông Tụ, ông Ngô Văn Bình, trưởng thôn Nội Xuân khóa 2014 - 2017 và bà Nguyễn Thị Mỹ, phó thôn bán đất cho 14 hộ dân là trái quy định, vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai. Xã đề nghị Đảng ủy kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Ngô Văn Bình, Bí thư chi bộ và ông Nghiêm Xuân Trường, Phó bí thư chi bộ thôn Nội Xuân đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý đất đai.

Theo đó, xã nhận thấy hành vi của ông Ngô Văn Bình ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên đã lập hồ sơ gửi UBND huyện, Công an huyện; Phòng TN-MT huyện Hiệp Hòa đề xem xét xử lý trách nhiệm đối với ông Ngô Văn Bình và bà Nguyễn Thị Mỹ. Hiện nay hồ sơ đã được chuyển lên huyện và đang đợi kết quả thanh tra.

Bên cạnh đó, xã cũng giao công chức địa chính tham mưu quyết định hủy văn bản giao đất trái thẩm quyền của thôn Nội Xuân trước 25.7.2017. Cùng với đó là tiến hành thanh tra, kiểm tra tài chính đối với thôn Nội Xuân giai đoạn 2015 - 2016.

Đồng thời, UBND xã Mai Trung cũng yêu cầu ông Ngô Văn Bình và bà Nguyễn Thị Mỹ phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền 694 triệu đồng cho 14 hộ gia đình, cá nhân xong trước ngày 10.8.2017. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc “dọa” không cho người dân tham gia sinh hoạt tại các tổ chức hội ở địa phương, ông Lê Khâm cho biết thông tin này không chính xác và bản thân mình không có những lời dọa nạt người dân như vậy. “Khiếu kiện, tố cáo là quyền của công dân, tôi không thể cấm họ khiếu kiện và dọa tước quyền công dân của họ được”, ông Khâm nêu.

Ông Nguyễn Văn Tụ cũng cho biết sẽ xác minh, nếu có thì hành vi dọa người dân là trái quy định, sai hoàn toàn. Nếu người dân cung cấp đầy đủ chứng cứ thì UBND xã sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Bán 2 quả đồi khiến ruộng 4 hộ dân ngập nặng

Cũng theo đơn thư, người dân cho biết thôn Nội Xuân có 2 quả đồi thì thôn không cho người dân đấu thầu mà thôn và xã đã múc 2 quả đồi này lấy đất đổ đường nội đồng và bán cho tư nhân. Trong quá trình lấy đất từ 2 quả đồi, thôn đã múc thêm đất ở mặt ruộng khiến ruộng của 4 gia đình bị lõm sâu xuống từ 40 - 70cm, khiến người dân không thể canh tác vì ngập úng.

Ông Nguyễn Văn Liễu, một người dân địa phương chịu thiệt hại vì ruộng bị hạ sâu cho biết, thôn lấy đất 2 quả đồi để làm đường giao thông nội đồng thì ít còn bán cho tư nhân thì nhiều, trái với mục đích của chi bộ. Trong khi đó, người dân cần mua đất san ruộng thì không được. Hơn nữa, dân đang đấu thầu 2 quả đồi, đang canh tác, chưa thanh lý hợp đồng thì xã tự ý lấy đất bán là quan liêu, cửa quyền, coi thường dân.

“Tôi đề nghị UBND xã Mai Trung phải mua đất nơi khác để đổ vào cho bằng mặt ruộng và đền bù thiệt hại cho người dân”, ông Liễu nêu.

Ruộng lúa không thể canh tác do đất bị lấy đi quá sâu

Theo UBND xã Mai Trung, 2 quả đồi bị hạ sâu có diện tích 5.340 m2, trong quá trình dồn điền đổi thửa đã được chi bộ và nhân dân thôn Nội Xuân nhất trí hạ thấp để lấy đất làm đường giao thông nội đồng. Việc hạ sâu khiến người dân không cấy được thì UBND xã sẽ yêu cầu đền bù cho người dân khoảng 240 kg thóc/sào. Còn việc mua đất san lại mặt ruộng thì xã không đủ kinh phí để làm. Mùa sau sẽ cho đấu thầu lại các mảnh ruộng khu vực này.

Tuy nhiên, ông Liễu không đồng tình với những kết luận của chính quyền xã. Vị này cho rằng nói chi bộ và nhân dân Nội Xuân thống nhất việc hạ sâu quả đồi là không đúng, bởi vì dân không được họp, không được phổ biến gì. Đó là do ban quản lý tự ý làm.

Ông Liễu cũng kiến nghị thêm việc Ban quản lý và ông Nghiêm Văn Đại - một hộ dân đã tự ý chuyển máng tiêu nước và thu hẹp lòng máng khiến ngập úng ruộng. Về vấn đề này, UBND xã cho biết sẽ ngay lập tức yêu cầu ông Nghiêm Văn Đại và thôn khắc phục.

Còn chuyện 2 quả đồi, ông Tự cho biết, khi dồn điền đổi thửa thì thành lập các tiểu ban dồn điển đổi thửa. “Trong quá trình hạ 2 quả đồi chắc cũng có việc người ta bán đất, chuyển đi nơi này nơi kia mấy xe dù mục tiêu chính là hạ đồi để đắp thêm các tuyến đường nội đồng. Việc hạ 2 quả đồi diễn ra trong 2 tuần, cán bộ quản lý chúng tôi cũng khó theo sát hết được”.

Hoài Phong
Bài liên quan
Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ kết nối Hà Nội - Bắc Giang
Sau khoảng 1 năm thi công với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, cây cầu vượt sông nối liền Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 13.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Giang: Bán trái phép 14 lô đất trong dồn điền đổi thửa