Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc đang có chiến dịch rầm rộ giải tỏa nơi ở của dân nhập cư, và cuộc cưỡng chế này cũng tiến hành với hàng chục trường học của con cái của những người nhà quê lên thủ đô kiếm việc làm.

Bắc Kinh ủi sập trường học của con người nhập cư

25/12/2017, 20:59

Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc đang có chiến dịch rầm rộ giải tỏa nơi ở của dân nhập cư, và cuộc cưỡng chế này cũng tiến hành với hàng chục trường học của con cái của những người nhà quê lên thủ đô kiếm việc làm.

Một lớp học của trường Shijingshan Huangzhuang, nơi sẽ bị ủi sập vào tháng 1.2018 - Ảnh: New York Times

Theo báo New York Times (NYT) ngày 24.12, những ngôi trường này thường hoạt động chui, không có giấy phép và thuê giáo viên cũng không có giấy phép chính thức sống và làm việc tại Bắc Kinh, giống như gia đình các học sinh của họ.

Các nhà giáo dục nói hơn chục trường đã bị đóng cửa hoặc bị giải tỏa trong năm 2017, thường chỉ sau vài ngày báo trước, khiến khoảng 15.000 đứa trẻ không còn được đi học, trong khi các em đã phải sống ngoài lề xã hội. Hầu hết các em này dưới 12 tuổi.

Đem xe ủi đến đuổi các cháu học nhà trẻ

Ding Fei là một tài xế xe tải, xuất thân từ vùng quê, đã tìm được trường cho cô con gái 7 tuổi. Ông nghĩ con ông đã có thể học đọc học viết, thậm chí sẽ có cơ hội trở thành bác sĩ hoặc y tá, như vợ ông kỳ vọng.

Nhưng một ngày lạnh giá tháng 11, cán bộ chính quyền thông báo với phụ huynh và giáo viên, ngôi trường không an toàn và xây trái phép.

Vài giờ sau, ngôi trường của hơn 200 học sinh gốc nhà quê bị đóng cửa, bị đánh dấu phải đập bỏ. Ông Ding nói: “Giấc mộng Trung Hoa của tôi là gia đình được sống hạnh phúc, khỏe mạnh, không phải lo nghĩ chuyện con cái được đến trường. Nhưng chính quyền không muốn chúng tôi sống ở đây”.

Gia đình Ding gồm 3 con Miaoke, 9 tuổi, Shanshan, 7 tuổi, Tianyu, 3 tuổi, hiện sống ở một khu ngoại ô nam Bắc Kinh đã bị xe ủi, ủi sập. Họ ngủ trong một phòng thuê ọp ẹp với giá 227 USD/tháng, không có máy sưởi và điện chập chờn.

Hồi cuối tháng 11, hơn chục công an viên tìm đến nhà trẻ Yingbo (phía bắc Bắc Kinh) và buộc học sinh, giáo viên phải ra về. Chính quyền nói nhà trẻ này hoạt động “chui”, và lính phòng cháy lần lượt niêm phong các lớp học.

Sau đó, nhà trẻ này mở ở nơi khác, dù các nhà giáo dục nói nhiều gia đình đã phải về quê hoặc cho con nghỉ học hẳn. Ông Wang Hai là chủ nhà trẻ, nói: “Chính quyền không bao giờ giải thích bất kỳ điều gì cho chúng tôi biết”.

Hộ khẩu làm con dân nhập cư lãnh “hậu khổ”

Chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức chiến dịch cưỡng chế giải tỏa nơi ở của hàng triệu dân nhập cư, là những tòa nhà xây tạm, không đủ giấy tờ hợp lệ. Hàng ngàn ngôi nhà bị phá dỡ, và vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh làm gợi nhớ sự tàn phá của một cuộc chiến tranh.

Chiến dịch được tổ chức với lý do “bảo đảm an toàn”, sau vụ cháy một tòa nhà cao tầng đêm 18.11 tại quận Đại Hưng (nam Bắc Kinh) khiến 19 người chết gồm 17 nạn nhân là lao động nhập cư.

Trên toàn Trung Quốc, các chiến dịch tương tự cũng diễn ra, khi người dân quê nghèo ồ ạt lên tỉnh kiếm việc làm, trở thành một gánh nặng lên cơ sở hạ tầng đô thị và dịch vụ xã hội.

Đa phần vấn nạn là Trung Quốc quản lý dân số bằng cách duy trì hệ thống hộ khẩu vốn đã có từ thời Mao Trạch Đông. Hộ khẩu khiến dân quê khó được trở thành dân thành phố, ngay cả khi họ sống và lao động ở những nơi đó. Con cái của họ cũng bị xếp nguồn gốc là dân tỉnh, dù các em chào đời ở thành phố.

Để đuổi họ về quê, chính quyền các tỉnh thành hạn chế những phúc lợi, như không được tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế giá bình dân, hoặc không được học trường công vốn dành cho cư dân lâu năm của tỉnh thành.

Dù vậy, làn sóng nhập cư vẫn đến, vì họ muốn tìm việc làm lương cao, và họ đem theo cả gia đình. Con cái họ phải học trường tư nhân vốn thu học phí rẻ, dẫn đến chất lượng giảng dạy kém, không đủ kinh phí hoạt động và cơ sở hạ tầng xuống cấp, giáo viên thường kém trình độ.

Hiện có hơn 200 triệu dân sống ở các thành phố Trung Quốc, gồm 38 triệu trẻ con vốn phải đối mặt với những trở ngại để được học tập đầy đủ, theo các nhà phân tích nhận định.

Tại Bắc Kinh, có một mạng lưới hơn 100 trường tư dạy hàng trăm ngàn học sinh là con dân nhập cư. Theo NYT, chính quyền không công bố con số chính xác.

Hàng năm, Bắc kinh đều đóng cửa hàng chục trường dành cho học sinh nhập cư. Nhưng chiến dịch cưỡng chế giải tỏa hiện nay làm rất căng, không chỉ nhắm đến các trường dã chiến, mà còn chĩa cả vào các trường đã lập được tên tuổi.

Các học giả nói những vụ đóng cửa trường này là “đòn đánh tê liệt” một bộ phận quần chúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc chuyển hướng sang các công nghệ kỹ thuật cao. Giáo sư Kam Wing Chan của đại học Washington, chuyên nghiên cứu sự phân hóa nông thôn-đô thị Trung Quốc, nói: “Làm thế là tiêu diệt cả một thế hệ thiếu nhi”.

Những vụ đóng cửa trường cũng làm tăng sự bất mãn. Hiện hơn 1/3 trong gần 22 triệu dân Bắc Kinh là nông dân nhập cư, và nhiều người đã bày tỏ sự giận dữ vì bị dân thủ đô khinh ghét, gọi họ là “bọn hạ lưu”. Trong khi lực lượng nhân công này làm phục vụ ở các nhà hàng, công ty giao hàng, các công trình xây dựng, tiệm bán lẻ cùng ở các xí nghiệp nhỏ.

Các học giả nói con cái người nhập cư sẽ lớn lên trong một xã hội kỳ thị như thế, và các em sẽ chỉ có thể tìm được việc làm lương thấp, không bảo đảm an toàn và thường là những việc nguy hại mà cha mẹ họ đã phải làm. Họ nói điều đó chỉ càng làm con dân nhập cư cảm thấy bị xã hội bỏ mặc và sinh ra bất mãn.

Trường Shijingshan Huangzhuang (mở năm 2005, ở phía nam Bắc Kinh) đã nhận lệnh phải đóng cửa từ tháng 1.2018, nên nhằm duy trì trường, phụ huynh của hơn 1.500 học sinh và giáo viên đã viết thư ngỏ chống lệnh.

Một phụ huynh nói: “Cơ hội học tập phải bình đẳng. Dân nhập cư chúng tôi vi phạm điều khoản luật nào cơ chứ?”.

Bà Sheng Ying, một giáo viên, nói lệnh dọa giải tỏa trường làm nhân viên trường và học sinh tuyệt vọng. Bà cho biết trong khi học sinh đang học, chính quyền đã đưa xe ủi đến trước cổng và bảo vệ trường đã ngăn lại.

Bà Sheng cũng nói chính quyền nên có nhiều giải pháp bảo đảm cuộc sống ấm no, có cơ hội học tập cho con dân nhập cư, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 rằng chính phủ sẽ chú ý nhiều hơn đến sự khốn khó của học sinh gốc nhà quê.

Bà Sheng nói: “Thật là ác. Bọn trẻ đã phải chứng kiến những cảnh tượng phá bỏ nhà ở quanh các em. Chúng tôi phải trấn an học trò và nói với các em rằng trường sẽ tồn tại”.

Các học sinh nói sẽ rất nhớ bạn học, khi các em phải cùng gia đình trở về quê. Nhiều gia đình đã sống nhiều năm ở Bắc Kinh, rất miễn cưỡng nếu phải gửi con về quê vốn thiếu trường học, bệnh viện hiện đại.

Nhà nghiên cứu Tống Ánh Tuyền ở Đại học Bắc Kinh đã phát hiện: trẻ nhập cư phải trở về quê có nguy cơ suy nhược thần kinh cao, bị ngược đãi và bị bỏ rơi, so với những trẻ đã lớn lên ở vùng quê.Việc đuổi dân nhập cư như thế là sai, ngược lại phải cho họ có cơ hội theo đuổi ước mơ của họ ở thành phố, bất kể nền tảng gia đình là gì.

Người dân nhập cư bắt đầu phản đối

Theo NYT, chính quyền Trung Quốc ngán những cuộc phản đối đông người, đã cố gắng hạn chế sự chỉ trích chiến dịch xua đuổi dân nhập cư khỏi các thành phố lớn. Cán bộ chính quyền địa phương bào chữa rằng giải tỏa các khu nhà ở để bảo vệ mỹ quan đô thị, cải thiện an ninh và loại bỏ những trường học không đạt chuẩn.

Nhưng đã có những dấu hiệu về nỗ lực chống chiến dịch. Tại tỉnh Sơn Tây, hàng trăm phụ huynh phản đối các qui định cứng ngắc đối với con dân nhập cư đăng ký đi học.

Tại trường cấp 1 Zhenbei (thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến), phụ huynh và giáo viên cáo buộc chính quyền ngược đãi thiếu nhi bằng cách khóa vòi nước nóng và cắt điện, nhằm buộc trường này phải đóng cửa.

Hiệu trưởng Xu Jiuan nói với NYT: “Như thế là tội ác. Đấy là những đứa trẻ. Bạn cắt điện nước của các em, thì bạn muốn các em cảm nhận thế nào? Các em sẽ nghĩ gì về tổ quốc khi các em trưởng thành?”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh ủi sập trường học của con người nhập cư