Sau khi mất ngón tay cái, khả năng lao động bị hạn chế, nhất là không thể thực hiện được một số việc hàng ngày, nam thanh niên đã tìm đến bệnh viện cầu cứu. Bất ngờ, các bác sĩ đã thực hiện một cuộc chuyển đổi, giúp trả lại cho bệnh nhân một ngón tay cái bình thường.
Ngày 4.5, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho hay bệnh viện này vừa thực hiện thành công một cuộc phẫu thuật chuyển đổi ngón chân thành ngón tay cái cho một nam thanh niên.
Theo người nhà của anh Hoàng Ngọc Th. (32 tuổi), cách đây 4 tháng anh này bị tai nạn lao động làm dập nát ngón cái tay phải và đã làm mỏm cụt.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt và làm việc, anh Th. gặp rất nhiều khó khăn do tay thuận bị mất ngón cái nên mất gọng kiềm để tạo cung cầm nắm, vì ngón cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, bệnh nhân đã tìm đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cầu cứu.
Kết quả chụp X-quang cho thấy ngón cái bàn tay phải của bệnh nhân đã không còn - Ảnh: H.K
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định việc tái tạo ngón tay cái là rất quan trọng không chỉ giúp hồi phục tính thẩm mỹ ở bàn tay mà còn khôi phục chức năng của bàn tay, tạo cung cầm nắm, giúp bệnh nhân mau chóng hòa nhập cuộc sống.
Trước nhận định trên, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật vi phẫu chuyển ngón chân làm ngón tay cái cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Mai Trọng Tường - Trưởng khoa vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, đây là một kỹ thuật rất phức tạp, nhưng muốn có được ngón tay cái cho bệnh nhân để thuận lợi trong công việc thì không còn cách nào khác.
Do đó, một ê kíp thực hiện vi phẫu gồm nhiều bác sĩ có kinh nghiệm của bệnh viện đã được tập hợp để tiến hành phẫu thuật lấy ngón chân thứ 2 của bàn chân trái mang lên làm ngón cái cho bàn tay phải.
Các bác sĩ đã hô "biến" trở lại ngón cái ở bàn tay phải cho bệnh nhân - Ảnh: H.K
"Chúng tôi thực hiện nhiều kĩ thuật như: kết hợp xương nẹp vít cố định ngón chân vào thay thế ngón cái tay phải giúp xương vững chắc, nối gân gấp và gân duỗi và các cơ nội tại vùng ngón cái giúp hồi phục chức năng vận động, nối vi phẫu động mạch và tĩnh mạch giúp phục hồi sự sống của ngón tái tạo, nối vi phẫu thần kinh mặt lưng và mặt lòng ngón tái tạo để hồi phục cảm giác”, bác sĩ Tường chia sẻ.
“Hiện sau 7 ngày thực hiện vi phẫu, ngón cái được tái tạo mới của bệnh nhân đã sống tốt và có thể cử động những động tác gập duỗi, khép ngón cái. Phần cảm giác sẽ được hồi phục dần trong thời gian sắp tới”, bác sĩ Tường cho biết.
Hồ Quang