Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị triển khai 1 dự án thủy lợi có mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ở ĐBSCL. Chỉ có điều, tính khả thi của dự án rất mơ hồ, nên gây nhiều tranh cãi. Bởi tiền bỏ ra hàng ngàn tỉ, mà hiệu quả không ai đảm bảo, không ai chịu trách nhiệm, thì triển khai để làm gì?

Bài 1: Băn khoăn từ dự án thủy lợi nghìn tỉ Cái Lớn - Cái Bé

28/09/2018, 05:50

Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị triển khai 1 dự án thủy lợi có mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ở ĐBSCL. Chỉ có điều, tính khả thi của dự án rất mơ hồ, nên gây nhiều tranh cãi. Bởi tiền bỏ ra hàng ngàn tỉ, mà hiệu quả không ai đảm bảo, không ai chịu trách nhiệm, thì triển khai để làm gì?

Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong vùng dự án- ảnh: Chánh Ngọc

Mục tiêu dự án nhằm kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.

Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định.

Theo tính toán, chủ đầu tư sẽ xây dựng cụm công trình giai đoạn 1, gồm các hạng mục: cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối 2 cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61; kênh nối sông Cái Lớn - Cái Bé; sửa chữa cống âu thuyền Tắc Thủ. Dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến 3.309,5 tỉ đồng. Giai đoạn 2 khoảng 3.500 tỉ nữa. Nguồn vốn từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 và vốn ngân sách nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý.

Theo dự trù ban đầu, dự án sẽ thực hiện tại tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau với thời gian thực hiện 5 năm, đến năm 2021 hoàn thành. Trong đó, năm 2017 hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế, giải phóng mặt bằng; các năm tiếp theo khởi công xây dựng và thực hiện đầu tư theo tiến độ dự án được duyệt. Nhưng sau khi đưa ra bàn bạc, nhiều chuyên gia đã phản đối quyết liệt!

Mục tiêu không rõ ràng!

“Khi chưa làm rõ triển khai giai đoạn 1, bắt tay xây dựng các cống có nguy cơ đâm lao sẽ phải tiếp tục phóng theo lao. Phải tiết kiệm từng đồng ngân sách nhà nước, nợ công đã rất cao”, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, khẳng định. Theo ông, không nên triển khai dự án này, bởi rất nhiều vấn đề về hiệu quả, khả năng thành công… chưa được chủ đầu tư làm rõ. Thế thì sao vội bỏ tiền làm, vì động cơ nào?

Môi trường vật lý vùng ĐBSCL và vùng dự án- Ảnh: Nguyễn Ngọc Trân

Một số nhà khoa học am tường về ĐBSCL khẳng định, nghiên cứu về vùng dự án của chủ đầu tư rất sơ sài! Thậm chí, đây là dự án để kiểm soát nước, nhưng theo GS.TS Trân: “Báo cáo dường như không quan tâm đến diễn biến của lượng mưa trên địa bàn ra sao trong các thập niên qua, mặc dù sự diễn biến này ảnh hưởng đến việc chống ngập úng, đến mô hình luân canh mặn ngọt. Báo cáo tóm tắt dự án nói nhiều đến mưa nhưng không tìm được một phân tích nào về mưa, diễn biến của lượng mưa trong vùng dự án”. Vậy thì làm sao đảm bảo hiệu quả?

Trước đây, dự án “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau” được triển khai, một mặt đào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và bơm nước ngọt từ sông Hậu vào kênh này. Mặt khác bằng xây dựng 11 cống dọc theo quốc lộ 1A, và cống Bạch Ngưu, cống Cà Mau và âu thuyền Tắc Thủ để ngăn không cho mặn vào vùng ngọt hóa.

Sau khi đưa vào sử dụng, các cống xây dựng và vận hành không đồng bộ là một lẽ, nhưng chủ yếu vì nước ngọt về không đủ vào mùa khô, nên ngoại trừ phần phía Đông Bắc (về phía Sóc Trăng) nằm ngoài trũng trung tâm, dự án ngọt hóa không thành công. Mùa mưa phải mở cống để trũng trung tâm không bị ngập úng. Mùa khô phải mở cống để lấy nước mặn nuôi tôm và để tránh nẻ đất, xì phèn. Hiện nay, nước ngọt không thể theo kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp về tới Cà Mau, Kiên Giang! Vào mùa khô, Cà Mau và vùng Cái Lớn- Cái Bé phải nhờ vào mưa để có nước ngọt. Ở Cần Thơ, thậm chí còn bị mặn xâm ngập. Vậy tốn hàng ngàn tỉ cho dự án Cái lớn- Cái Bé để trữ cái gì, khi nước ngọt không có?

Nếu dự án trữ nước ngọt lấy từ rừng Quốc gia U Minh để trữ, thì chính dự án này sẽ phá nát khu rừng quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo GS.TS Trân, Trước tiên đó là sự cạn kiệt dần và nhanh chóng nguồn nước ngọt trong trũng treo, kéo theo hậu quả thứ hai là sự kiệt quệ hệ sinh thái ngập nước ngọt ở đây như đã đề cập. Hậu quả thứ ba là mặn xâm nhập vào từ hai phía, theo kênh Cán Gáo và từ bờ Biển Tây, nhất là vào mùa khô. Và các vỉa than bùn “ngậm nước” chống cháy rừng sẽ rút ra ngoài để trữ, nên khô dần, rừng có thể cháy rụi bất cứ lúc nào!

Diễn biến của lượng mưa năm tại các trạm thủy văn Xẽo Rô, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Gành Hào, GS.TS Trân phải cung cấp cho các nhà làm dự án- Ảnh: Nguyễn Ngọc Trân

Nếu xảy ra hạn hán kéo dài, mặn-phèn trong đất xì lên làm ảnh hưởng cây trồng thì nguồn nước ngọt ít ỏi có giữ được? Trong các sông rạch liệu có đủ để bơm vào đồng ruộng mà pha loãng độ mặn-phèn này không? Và nếu rửa lượng mặn-phèn từ đồng ruộng này sẽ đi đâu? Giả như hạn hán kiểu năm 2015-2016 thì mực nước sông Hậu thấp hơn bình thường rất nhiều, vậy nếu có xây thêm trạm bơm bổ sung từ Cần Thơ thì chưa chắc có đủ nước ngọt mà bơm, mà có bơm thì chưa chắc nước chảy được vì nếu bơm thì phải bơm lúc nước ròng từ sông Hậu để không bị mặn, nhưng phía biển Tây coi chừng lại là nước lớn vì có 2 chế độ triều khác nhau.

Những tình huống nầy trong đề cương của dự án chưa đưa ra được giải pháp, chưa nói là đánh giá giải pháp đó có khả thi hay không? Và nói chung, theo GS.TS Trân: “Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng khép kín trong Bộ NN&PTNT, và hầu như là một sản phẩm chỉ của ngành thủy lợi, chạy mô hình chứ không thực tế. Các kết quả và kết luận của báo cáo nghiên cứu khả thi do vậy chất lượng và độ tin cậy không cao:.

Một số nhà khoa học cho rằng, đây là những bản báo cáo lấp liếm, cốt để dự án được duyệt. Nhiều đoạn được cắt dán, copy từ các dự án khác! Thậm chí, một số nghiên cứu, số liệu, chính các nhà khoa học phản biện phải cung cấp, vì dự án… không có! Và người am tường nhìn vào, không ai tin là dự án thành công và đảm bảo hiệu quả. Hàng ngàn tỉ đồng, mà họ làm ẩu vậy sao?

Hồ Hùng

Bài 2: Giới khoa học lo ngại dự án sẽ làm hàng triệu hộ dân miền Tây bị ảnh hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Băn khoăn từ dự án thủy lợi nghìn tỉ Cái Lớn - Cái Bé