Cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50, bắc ngang sông Soài Rạp nối 2 tỉnh Long An - Tiền Giang. Ngay dưới chân cầu, trên địa phận ấp 4, xã Phước Đông (H.Cần Đước, tỉnh Long An) là một xóm nhà nhỏ nằm ẩn khuất trong vùng cây lá sầm uất sát bờ sông, nhìn bình thường như bao xóm nhà ở miền Tây sông nước. Rất ít người biết đó chính là “đại bản doanh” của 1 nhóm thợ lặn nổi tiếng cả vùng miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Bài 1: Chuyện ở xóm thợ lặn ‘cha truyền con nối’ bên sông Soài Rạp

Hùng Anh | 09/04/2019, 21:29

Cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50, bắc ngang sông Soài Rạp nối 2 tỉnh Long An - Tiền Giang. Ngay dưới chân cầu, trên địa phận ấp 4, xã Phước Đông (H.Cần Đước, tỉnh Long An) là một xóm nhà nhỏ nằm ẩn khuất trong vùng cây lá sầm uất sát bờ sông, nhìn bình thường như bao xóm nhà ở miền Tây sông nước. Rất ít người biết đó chính là “đại bản doanh” của 1 nhóm thợ lặn nổi tiếng cả vùng miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Miền Tây Nam bộ có hệ thống sông rạch chằng chịt dài gần 28.000km, ghe tàu lưu thông gần như suốt ngày đêm. Điều không thể phủ nhận là tai nạn giao thông đường thủy tuy ít hơn tai nạn đường bộ, nhưng vẫn xảy ra và gây cản trở luồng lạch.

Những năm gần đây còn có nhiều công trình xây dựng cầu, cống trên hệ thống thủy lộ của vùng đất này. Ít người biết rằng, mỗi khi xảy ra tai nạn đường thủy, cơ quan chức năng cần giải phóng luồng tàu, các nhà thầu xây dựng cần thi công những công trình ngầm dưới đáy sông, thì “những người đặc biệt” lại xuất hiện. Họ là những thợ lặn chuyên nghiệp, người đời thường gọi bằng biệt danh: những kẻ “ăn cơm trên bờ kiếm tiền… dưới đáy sông”.

Gặp thợ lặn “cha truyền con nối” 3 đời

Mất nhiều thời gian liên lạc, hẹn hò, chúng tôi mới gặp được “trùm thợ lặn” Tám Chậu (Trần Văn Chậu, SN 1964) ngay tại “đại bản doanh” của ông. Bởi thường ngày, ông cùng các chiến hữu còn bận bịu đi lặn thuê khắp nơi. 55 tuổi nhưng ông Tám Chậu vẫn rắn rỏi, quắc thước, thân hình chắc nịch, hay cười và rất mến khách. Vừa gặp nhau, ông Tám đã hối người nhà bày bàn tiệc để cùng khách lai rai, lấy điện thoại gọi những “chiến hữu thợ lặn” trong xóm đến cùng nhậu cho vui.

Ông Tám Chậu trực tiếp kiểm tra máy móc trên 1 chiếc ghe - Ảnh: Thanh Anh

Lát sau, nhóm thợ lặn của ông Tám kéo đến, nói cười rôm rả, trong khi ông Tám giới thiệu: “Mấy tay thợ lặn này đều là anh em, bà con họ hàng trong nhà, chẳng ai xa lạ. Đây là Mười Tân, Tám Giàu, Mười Chai, mấy đứa khác đi chơi chưa về kịp. Còn thằng nhỏ này là con trai lớn của tui, Hai Huy, 30 tuổi mà đã có hơn 10 năm theo nghề”.

Ông Tám Chậu cho biết, căn nhà tường khang trang mà gia đình ông đang trú ngụ xây bằng tiền kiếm được sau nhiều năm lặn ngụp dưới đáy các con sông, đương đầu với nhiều hiểm nguy, vất vả. “Cả xóm này ai cũng như tui, gia đình chỉ có cái nền nhà, không vườn, không ruộng, nên mới rủ nhau… lặn xuống đáy sông kiếm tiền”, ông Tám nói.

Theo lời ông Tám, từ khi ông còn rất nhỏ đã thấy cha mẹ ông quanh năm làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con. Những khi không có người thuê mướn làm việc trên bờ, cha ông lại chèo ghe ra sông Soài Rạp làm những nghề hạ bạc kiếm con tôm, con cá.

“Hồi đó sông Soài Rạp hay có những bè gỗ tròn từ vùng miền Đông Nam bộ theo sông Vàm Cỏ xuôi về Gò Công (Tiền Giang) để cung cấp nguyên liệu cho làng sản xuất tủ thờ Gò Công. Mỗi khi có bè bị đứt dây, gỗ trôi xuống đáy sông, người ta lại nhờ cha tui lặn mò, đưa gỗ lên bãi bồi neo lại. Một mình cha tui không thể làm được, nên ông phải huy động anh em, bà con họ hàng cùng ra sông lặn trục vớt gỗ để kiếm tiền. Nhiều lần như vậy, lâu ngày cha tui và những người bà con trong xóm trở thành thợ lặn lúc nào không hay”, ông Tám nhớ lại căn nguyên khiến cả họ nhà mình gắn bó với nghề thợ lặn.

Đến khi ông Tám Chậu được 16 - 17 tuổi, ông bắt đầu theo cha đi lặn vớt gỗ, ghe xuồng bị chìm. Ông Tám kể, lúc đó nhóm thợ lặn của cha ông hành nghề rất nghiệp dư, chủ yếu sử dụng sức người chứ chẳng có máy móc hỗ trợ như ngày nay. “Hồi xưa lặn xuống đáy sông mò tìm, trục vớt đồvật, ghe tàu, người thợ chỉ có 2 lá phổi, sợi dây thừng cột ngang lưng nối với chiếc ghe và những người trên mặt nước, nên phải ngoi lên hụp xuống liên tục, mất rất nhiều thời gian. Bây giờ thợ lặn được trang bị nhiều loại máy móc, đặc biệt là máy nén khí cung cấp dưỡng khí để thở, nên thời gian làm việc dưới đáy sông rất dài”, ông Tám nhớ lại.

Máy nén khí chuyên cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn làm việc dưới đáy sông, trái tim của nghề thợ lặn - Ảnh: Thanh Anh

Theo lời ông Tám, lúc mới vào nghề ông chỉ là thợ phụ việc cho cha, lâu dần nghề dạy nghề, ông trở thành thợ chính lúc nào không hay. Khi cha ông Tám giải nghệ vì tuổi cao sức yếu, ông nối nghiệp cha rồi trở thành thủ lĩnh của cả nhóm thợ lặn trong vùng cho đến ngày nay. Dường như số trời đã định, 2 đứa con trai của ông Tám khi lớn lên lại nối nghiệp cha, đứa lớn là thợ lặn chuyên nghiệp, còn 1 đứa chuyên lo bảo trì, sửa chữa máy móc, bảo đảm an toàn cho cha và anh đi kiếm tiền dưới đáy sông.

Vào “đại bản doanh” thợ lặn

Ông Tám Chậu dẫn chúng tôi ra thăm “đại bản doanh” của nhóm thợ lặn ở Rạch Lá, 1 con rạch nhỏ nằm sau xóm nhà, chảy thẳng ra sông Soài Rạp. Nước ròng, gần chục chiếc ghe lớn nhỏ là phương tiện làm ăn của nhóm thợ lặn nối đuôi nhau nằm phơi mình trên bùn suốt chiều dài của con rạch. Trên bờ rạch, ngổn ngang dây nhợ, đủ loại máy móc, ống cao su lớn nhỏ và hàng chục người quần áo lấm lem dầu mỡ, mồ hôi nhễ nhại đang hì hục xem xét, hiệu chỉnh, sửa chữa các phương tiện hành nghề.

Ông Tám Chậu cho biết, những người đang sửa chữa máy móc đều là thợ lặn trong nhóm của ông, sau mỗi chuyến lặn đều phải tháo máy móc đem lên bờ xem xét, bảo trì và đó là 1 trong những tiêu chuẩn an toàn bắt buộc của nghề thợ lặn. “Bất cứ ai trong nhóm thợ lặn đều phải biết sửa chữa, bảo trì máy móc, bởi trong quá trình làm việc trên sông, nếu máy móc có trục trặc thì họ phải sửa được ngay để không gây nguy hiểm đến tính mạng những người đang làm việc dưới đáy sông”, ông Tám nói.

Ông Tám cho biết, ngoài những chiếc ghe lớn, nhỏ là phương tiện làm ăn không thể thiếu của nghề thợ lặn thì hiện nay cả nhóm đã sắm được nhiều loại máy móc hỗ trợ. Đó là máy hút bùn cát, máy bắn đá, máy khoan, máy bơm nước công suất lớn, máy cắt sắt thép, nhưng quan trọng nhất là những chiếc máy nén khí chuyên cung cấp nguồn ô-xy cho thợ lặn làm việc dưới đáy sông.

“Thông thường mỗi kíp lặn được hỗ trợ bằng 2 máy nén khí, trong đó có 1 chiếc làm nhiệm vụ dự phòng. 2 chiếc máy này phải luôn trong tình trạng hoạt động thật tốt, bởi nó được ví như trái tim của nghề thợ lặn. Nhưng trong lúc làm việc giữa bốn bề sóng nước thì mọi sự trục trặc về máy móc đều có thể xảy ra, nên khi máy nén khí chính gặp sự cố thì người trên ghe phải lập tức vận hành máy dự phòng và nối ống cung cấp dưỡng khí cho thợ lặn ngay lập tức”, ông Tám giải thích.

Căn nhà khang trang của ông Tám Chậu xây dựng bằng những đồng tiền kiếm được dưới đáy sông - Ảnh: Thanh Anh

Nếu cả 2 máy cùng bị sự cố thì cả nhóm phải gấp rút đưa thợ lặn lên khỏi mặt nước và rút quân về sửa máy, không ai dám mạo hiểm “lặn chay không ống thở” như những năm trước. Dù ông Tám Chậu không tiết lộ giá trị các phương tiện làm ăn của cả nhóm, nhưng theo 1 người thợ lặn thì toàn bộ phương tiện hành nghề gồm ghe và máy móc các loại có giá trị lên đến vài tỉ đồng. Ông Tám Chậu cho biết, toàn bộ nhóm thợ lặn của ông tuy “nghề dạy nghề, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau”, nhưng muốn được phép “lặn xuống đáy sông kiếm cơm” thì tất cả đều phải đi thi lấy bằng thợ lặn chuyên nghiệp.

Ông Tám Chậu bày tỏ, nhiều năm nay điều ao ước lớn nhất của ông và cả nhóm thợ lặn là có được phương tiện hành nghề hiện đại, đó là buồng giảm áp. Nhưng phương tiện phục vụ nghề thợ lặn hiện đại này trị giá nhiều tỉđồng và phải được trang bị trên con tàu cũng hiện đại, nên nhóm thợ lặn của ông Tám Chậu với những chiếc ghe gỗ nhỏ bé không thể biến ước mơ thành hiện thực.

“Nếu được trang bị buồng giảm áp và bộ đồ lặn hiện đại, thợ lặn của tui có thể lặn xuống độ sâu trên 20 m làm việc trong thời gian dài. Còn hiện nay tụi tui chỉ thực hiện công việc ở độ sâu không quá 20 m. Máy móc hỗ trợ nhiều nhưng thực tế anh em chỉ có kính lặn, ống thở, mình trần quần cộc, xuống đáy sông thì… lấy tay thay mắt để làm việc”, ông Tám giải thích.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Chuyện ở xóm thợ lặn ‘cha truyền con nối’ bên sông Soài Rạp