LTS: Hiểu về trái tim là cuốn sách đầu tiên thuộc chủ đề Hạt giống tâm hồn do một tác giả trong nước viết: thầy Minh Niệm, người sáng lập dòng Thiền hiểu biết. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được cảm xúc của tâm hồn, để loại bỏ nỗi buồn, tổn thương và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.

Bài 1: Hạnh phúc hiểu thế nào cho đúng?

First News – Trí Việt | 31/01/2019, 08:00

LTS: Hiểu về trái tim là cuốn sách đầu tiên thuộc chủ đề Hạt giống tâm hồn do một tác giả trong nước viết: thầy Minh Niệm, người sáng lập dòng Thiền hiểu biết. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được cảm xúc của tâm hồn, để loại bỏ nỗi buồn, tổn thương và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.

Không có cái hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn là hạnh phúc, bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau.

Thỏa mãn cảm xúc

Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người. Tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội và từng thời đại mà hạnh phúc được quan niệm một cách khác nhau.

Không ít người cứ gặp phải xui rủi triền miên nên họ quả quyết rằng trên đời này làm gì có hạnh phúc. Còn những người trẻ thì cứ mơ mộng hạnh phúc chắc đang ở cuối con đường mình đang đi. Và hằng bao lớp người đi gần hết kiếp nhân sinh này mà vẫn đuổi theo hạnh phúc như trò chơi cút bắt: có khi tóm được nó thì nó lại tan biến, có khi ngỡ mình tay trắng thì lại thấy nó hiện về. Mặc dù ai cũng mong muốn có hạnh phúc nhưng khi được hỏi hạnh phúc là gì thì phần lớn đều rất lúng túng, định nghĩa một cách rất mơ hồ, hoặc mỉm cười trong mặc cảm.

Chẳng phải ta cũng như bất kỳ người trẻ nào đã từng cảm thấy thật hạnh phúc khi nắm được mảnh bằng tốt nghiệp sau nhiều năm vật lộn với đèn sách? Nhưng vì liền sau đó ta lại than phiền rằng phải kiếm được việc làm có nhiều tiền, khiến bạn bè ai cũng nể phục thì mới thật là hạnh phúc. Rồi cái cảm giác hạnh phúc ấy không ở lại bao lâu, ta lại nghĩ nếu không cưới được người mình yêu thì sao gọi là hạnh phúc. Và chưa được bao lâu ta lại trông đứng trông ngồi có một đứa con, rồi thêm đứa nữa cho vui nhà vui cửa, đẹp lòng hai họ. Những ngày tháng hạnh phúc ấy cũng qua nhanh, bây giờ ta lại ao ước được dọn ra riêng, được sở hữu một căn hộ đắt tiền thì mới gọi là hạnh phúc trọn vẹn. Và rồi ta lại bất an khi thấy bạn bè chạy chiếc xe đời mới, con của họ học những trường danh tiếng, chức vụ của họ được nhiều người ngưỡng mộ, ta lo nếu không theo kịp thì hạnh phúc mình đang có cũng trở nên tầm thường, chẳng đáng vào đâu.

Thật ra những điều kiện của hạnh phúc vẫn luôn có mặt, chỉ có điều nó không hấp dẫn ta nữa mà thôi. Không phải vì nó mất đi tính hữu dụng mà chỉ tại ta mau chóng nhàm chán, nhu cầu hưởng thụ của ta cứ thay đổi liên miên. Một phần do bản năng hưởng thụ quá lớn, một phần bị tác động bởi tâm thức xã hội. Đôi khi ta vất vả cả chục năm trời để mua cho bằng được một món đồ cao cấp sang trọng chỉ vì ta lo sợ nếu không có nó thì đời sống sẽ không được an toàn, hoặc chỉ vì muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình là ai, chứ ta có hưởng được bao nhiêu đâu.

Nếu hạnh phúc chỉ là cảm xúc được thỏa mãn khi được hưởng thụ, thì ngay trong giây phút hiện tại này đây ta cũng đang nắm trong tay vô số những điều kiện mà nhờ nó ta mới tồn tại một cách vững vàng, vậy tại sao ta nói mình chưa hạnh phúc? Một đôi mắt sáng để nhìn thấy cảnh vật và những người thân yêu, một đôi chân khỏe mạnh có thể đi đến bất cứ nơi nào, một công việc ổn định vừa mang lại thu nhập kinh tế vừa giúp ta thể hiện được tài năng, một gia đình luôn chan chứa tình thương giúp ta có điểm tựa vững chắc, một vốn kiến thức đủ để ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la, một tấm lòng bao dung để ta có thể gần gũi và chấp nhận được rất nhiều người…

Vì vậy kẻ khôn ngoan không cần chạy thục mạng đến tương lai để tìm kiếm những thứ chỉ đem tới những cảm xúc nhất thời mà sẽ dành thời gian và năng lượng để khơi dậy và giữ gìn những giá trị hạnh phúc mình đang có. Không cần nhiều tiện nghi, chỉ cần sống một cách an vui là ta đã có hạnh phúc rồi. Mà ngay khi đời sống chưa mấy ổn định thì ta vẫn có thể hạnh phúc vì thấy mình còn may mắn giữ được thân mạng này. Hãy nhìn một người đang nằm hấp hối trong bệnh viện, một người đang cố ngoi lên từ trận động đất, một người vừa suýt mất đi người thân trong gang tấc thì ta sẽ biết hạnh phúc là thế nào. Hạnh phúc của họ rất đỗi bình thường, đôi khi chỉ là một hơi thở, một nắm cơm hay một cái nhìn nhau lần cuối. Cho nên không có thứ hạnh phúc nào đặc biệt ở tương lai đâu, ta đừng mất công tìm kiếm. Có chăng, cũng chỉ là những trạng thái cảm xúc khác nhau mà thôi. Mà cảm xúc thì chỉ có ghiền, chứ có bao giờ đủ!

Thỏa mãn ý chí

Khi hay tin người thân đang bị kẹt trong cơn bão tuyết thì tuy đang nằm trong nệm ấm chăn êm, ta cũng không tài nào hạnh phúc được. Ta không cần cái cảm giác sung sướng đó. Chỉ cần có mặt kịp thời để cứu giúp người thân thì dù có trải qua cái cảm giác lạnh thấu xương trong bão tuyết ta cũng thấy hài lòng. Cũng vậy, một bà mẹ làm việc quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo cho con ăn học thành tài, tuy phải chấp nhận sự mệt nhọc thể xác nhưng bà cảm thấy thật hạnh phúc vì đã làm tròn tâm nguyện. Một người hoạt động chính trị tuy bị khảo tra rất đau đớn, nhưng họ vẫn thấy tự hào vui sướng vì đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như vậy, hạnh phúc không chỉ là những cảm xúc dễ chịu, đôi khi ta phải hy sinh những cảm xúc ấy để đổi lấy thứ hạnh phúc sâu sắc hơn, đó là thỏa mãn ý chí.

Mặc dù thỏa mãn ý chí vẫn còn đứng trên nền tảng phục vụ cái tôi, thực hiện cho bằng được điều mình muốn làm, nhưng đó là sự hưởng thụ rất tinh tế và phải để tâm sâu sắc lắm mới nhận ra. Bởi nó vượt qua những đòi hỏi tầm thường của thói quen, dốc hết bản năng sinh tồn để chịu đựng, vận dụng tất cả những hiểu biết và kỹ năng luyện tập để xử lý, nên chắc chắn phẩm chất của nó bền vững hơn loại hạnh phúc chỉ đơn giản được tạo nên bằng cảm xúc; vì bản chất của cảm xúc luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của những đối tượng chung quanh. Nghĩa là hạnh phúc được thỏa mãn cảm xúc bị điều kiện hóa nhiều hơn hạnh phúc khi được thỏa mãn ý chí.

Như vậy khi gặp hoàn cảnh khó khăn, đối đầu với những cảm giác không mấy dễ chịu, ta đừng vội chống trả. Ta phải ý thức là mình đang thực hiện mục đích lớn lao hay cao cả nên không thể đòi hỏi những tiện nghi hưởng thụ tầm thường được. Cho nên ta đừng sợ khổ đau, đừng chia cắt rạch ròi giữa hạnh phúc và khổ đau, vì nếu không có khổ đau thì ta sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Cũng như ngọc chỉ có trong đá, sen chỉ ở dưới bùn. Ngọc là sự kết tinh của sỏi đá, sen là sự kết tinh của bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn được. Vì thế không có cái hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn là hạnh phúc, bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau. Hạnh phúc không thể thiếu khổ đau. Và còn nơi nào tuyệt diệu hơn cõi đời này vì nó có cả hạnh phúc lẫn khổ đau!

Hạnh phúc chân thật

Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi ba năm; hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi ba tháng; hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đôi ba tuần; hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói bay đi chỉ sau đôi ba tiếng; rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin rằng một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn. Vậy đó, hạnh phúc của ta thật ngắn ngủi, đôi khi ta mất rất nhiều thời gian và năng lực để tạo dựng nhưng rồi nó cứ bỏ mặc ta mà đi một cách tàn nhẫn. Tại vì nó vốn ở ngoài ta, ta đã vay mượn những điều kiện bên ngoài để nhồi nặn ra thành một thứ để ta hưởng thụ nên ta không làm chủ được nó là phải. Ta biết nhưng không thể làm khác hơn vì ta không thể vượt qua nổi bóng tối tham vọng của mình.

Thật ra hạnh phúc thỏa mãn cảm xúc hay hạnh phúc thỏa mãn ý chí đều xuất phát từ tâm của con người chứ không phải do điều kiện bên ngoài. Nhưng vì thiếu hiểu biết nên ta cứ tưởng nếu không có cái này hay không có cái kia thì ta không thể hạnh phúc. Điều kiện bên ngoài cũng cần, nhưng ít thôi. Cái trạng thái tâm lý không muốn tìm kiếm thêm bất cứ cái gì để phục vụ cho mình và không cần phải loại trừ những gì mình cho là bất lợi mới chính là hạnh phúc chân thật. Nó bằng lòng và chấp nhận tất cả. Nó chân thật vì nó là thứ hạnh phúc được tạo ra từ sự bình an của chính lòng mình chứ không vướng kẹt vào những hoàn cảnh bên ngoài. Chính vì thế mà người xưa hay nói lạc phải đi liền với an – an lạc – thì mới bền vững. Một người không có nhiều tiền, không có quyền lực, không được ai ngưỡng mộ nhưng luôn sống trong thảnh thơi, lúc nào cũng có thể mỉm cười và tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm trong thực tại thì chẳng đáng kiếp sống sao!

Tập buông bỏ dần những tham cầu và chống đối không cần thiết để cái tôi bé nhỏ này được tan chảy vào vũ trụ, để nó vận hành đồng điệu với mọi người và vạn vật thì tự nhiên hạnh phúc trong ta sẽ rộng mở đến vô cùng. Vậy nên tâm ta như thế nào ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy, bởi hạnh phúc vốn có sẵn trong ta – ở đây và ngay bây giờ.

Mỉm cười nhìn đóa hoa

Lòng nghi ngờ tan vỡ

Hạnh phúc ở đây rồi

Dại khờ tìm muôn thuở.

Trích Hiểu về trái tim
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Hạnh phúc hiểu thế nào cho đúng?