Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL khẳng định: “Sạt lở ở ĐBSCL ngày một tăng do sông, biển vùng này đang đói cát”.

Bài 1: Vì sao tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng?

Văn Kim Khanh | 20/08/2023, 10:00

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL khẳng định: “Sạt lở ở ĐBSCL ngày một tăng do sông, biển vùng này đang đói cát”.

tt-1(1).jpg
Đoàn khảo sát về sạt lở vùng ĐBSCL do Bộ NN-PTNT dẫn đầu làm việc tại Tiền Giang ngày 17.8 - Ảnh: Mỹ Tho

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ NN-PTNT, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km, bờ biển: 113 điểm/390km). Trong đó có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải xây dựng công trình để bảo vệ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mức độ xói lở ở vùng này ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ thì hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.

sl-25.jpg
Sạt lở QL 91B, tỉnh An Giang - Ảnh: Công Mạo

ĐBSCL hiện nay là điểm nóng sạt lở của cả nước, trong đó tỉnh Cà Mau là địa phương có tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển diễn ra nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254km.

Theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của Cà Mau). Qua khảo sát, hiện nay sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700ha.

sl-26-nh.jpg
Đê biển Cà Mau - Ảnh: Nhật Hồ

Với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, Cà Mau đã đầu tư xây dựng 55,7km kè bảo vệ bờ biển (kinh phí 1.720 tỉ đồng) và kè bờ sông (kinh phí 391 tỉ đồng). Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.

Bờ biển ĐBSCL dài 736km, trong đó có 250km ở gần cửa sông có cát bồi lắng. Việc các tỉnh trong vùng đẩy mạnh khai thác cát khi phù sa và cát thượng nguồn ngày một cạn kiệt đã gây sạt lở bờ sông và bờ biển vùng thiếu cát. Dòng sông Mekong dài hơn 4.000km hiện nay không còn tải phù sa và cát về như xưa do hệ thống đập thủy điện thượng nguồn, khiến tình trạng sạt lở ngày một dữ dội. 

de-bien-ca-mau-gia-bach.jpg
Đê biển Cà Mau - Ảnh: Gia Bách

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về môi trường sinh thái ĐBSCL cho rằng: “Dùng từ “đói cát” ở ĐBSCL có hai nghĩa rất thực tế. Hệ thống đập thủy điện thượng nguồn quá nhiều khiến cát về hạ nguồn ngày một ít đi, trong khi các tỉnh vùng ĐBSCL khai thác cát phục vụ xây dựng đô thị, đường sá, dân sinh ngày một tăng. Chuyện này ví như tiền trong tài khoản của chúng ta vậy. Tiền vô tài khoản quá ít nhưng chi tiêu của chúng ta quá nhiều thì kết quả như thế nào ai cũng biết. Hiện nay bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL có rất nhiều điểm nóng về tình trạng sạt lở do đầu vô và đầu ra của cát mất cân đối lớn”.

sl-2.jpg
Phương tiện khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: Internet

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích: “Từ trước tới nay người ta còn đổ lỗi về việc sạt lở trong vùng do cát tặc. Tuy nhiên, “cát tặc” là những người ăn cắp vặt bằng ghe nhỏ, bơm hút cát lén lút. Đáng sợ là những “cát tặc” khai thác có pháp nhân và giấy phép hẳn hoi. Có cần cẩu của “anh Ba, anh Tư” hùn hạp. Những người này nguy hiểm hơn nếu họ gian dối và vi phạm pháp luật trong quá trình khai thác cát. Khi có giấy phép, họ khai thác cát gần chỗ được cấp phép. Một thời gian sau, họ xin phép khai thác tiếp do mỏ cát còn khai thác được. Vì vậy có thể nói “cát tặc” và “cát không tặc” đều nguy hiểm như nhau”.

sl-19.jpg
Các công trình giao thông hiện nay có sử dụng lượng cát ở ĐBSCL - Ảnh: Mỹ Tho

Từ chuyện Bộ Công an đang điều tra việc khai thác cát vi phạm pháp luật ở An Giang cho thấy những doanh nghiệp khai thác cát có pháp nhân nguy hiểm như thế nào. Để có hệ thống sông ngòi, dòng chảy và ĐBSCL như hiện nay phải mất 6.000 năm chuyển động và bồi lắng của phù sa. Tuy nhiên, các xáng cạp bơm hút cát chỉ mất vài năm, thậm chí vài tháng là có thể phá vỡ cơ cấu địa chất của dòng sông, gây sạt lở nhiều nơi.

sl-18.jpg
Mỗi tỉnh trong vùng ĐBSCL có cả trăm khu dân cư, tái định cư và khu công nghiệp - Ảnh: Internet

Ngày 17.8, đoàn khảo sát về sạt lở vùng ĐBSCL do Bộ NN-PTNT dẫn đầu khảo sát sạt lở ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Hậu Giang… Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, việc xử lý các điểm sạt lở hiện nay ở vùng ĐBSCL cần nguồn kinh phí rất lớn (dự kiến hơn 13.400 tỉ đồng). Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng mà chỉ ưu tiên xử lý các "điểm nóng".

sl-13.jpg
Các công trình xây dựng cần khối lượng cát khổng lồ - Ảnh: Mỹ Tho

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng không có lý do nào để sạt lở ĐBSCL dừng lại. Chính vì vậy chúng ta cần hiểu cho đúng bản chất của sạt lở bờ sông, bờ biển vùng này và có giải pháp giải quyết căn cơ, lâu dài. Chính phủ quan tâm và đầu tư lớn cho chống sạt lở ở ĐBSCL là điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, việc khai thác cát phục vụ xây dựng giao thông, đô thị; dự báo sạt lở; bố trí tái định cư bảo đảm an toàn cho dân vùng sạt lở... thì cần phải tiến hành trên cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình vùng ĐBSCL.

Bài liên quan
Hợp tác đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn ở ĐBSCL
Hội thảo khoa học “Hợp tác đào tạo và nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, điện - điện tử trong kỷ nguyên thông minh” do Trường đại học Nam Cần Thơ tổ chức ngày 25.4 đã khép lại. Tuy nhiên, từ hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành này ở vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Vì sao tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng?