TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ, cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn ở giai đoạn ban đầu và có nhiều thách thức.
Khoa học - công nghệ

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở ĐBSCL: Cơ hội và thách thức

Văn kim Khanh 14:50 23/04/2025

TS Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ, cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn ở giai đoạn ban đầu và có nhiều thách thức.

thu-truong-bo-kh-dt-tran-duy-dong-phat-bieu-tai-toa-dam-anh-van-kim-kha.jpg
Tọa đàm trực tuyến về khoa học công nghệ ĐMST và khởi nghiệp ở Đại học Cần Thơ - Ảnh: V.K.K

ĐBSCL bắt đầu chú trọng ĐMST

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục khởi nghiệp và ĐMST ở các trường đại học vùng ĐBSCL bắt đầu được chú trọng; các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và ĐMST bắt đầu đi vào thực tiễn. Nhiều trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên như Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Nam Cần Thơ, Trường đại học Trà Vinh, Trường đại học An Giang…

Cách đây gần 2 năm, ngày 16.6.2023, tại Trường đại học Cần Thơ đã diễn ra buổi tọa đàm “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Động lực cho phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”. Tại đây, GS-TS Hà Thanh Toàn, lúc đó là Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ cho rằng: “Khoa học là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng. Khoa học công nghệ, ĐMST và khởi nghiệp thúc đẩy doanh nghiệp và cộng đồng phát triển, là nguồn lực quan trọng trong phát triển của vùng và cả nước. Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng”.

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, tạo kết nối để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm sự trợ giúp về kiến thức kinh doanh trong kỷ nguyên số và các mối quan hệ trong cộng đồng, hệ sinh thái.

Những khó khăn, thách thức

ThS Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, ĐMST Đại học quốc gia TP.HCM, cho rằng ngoài việc tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên vùng ĐBSCL khởi nghiệp ĐMST thì cần có những mô hình khởi nghiệp, những doanh nghiệp tiêu biểu cho người khởi nghiệp tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm và thực nghiệm.

gs.ts-nguyen-thanh-phuong-chu-tich-hoi-dong-truong-dai-hoc-can-tho-phat-bieu-ket-thuc-anh-van-kim-khanh.jpg
GS-TS Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 16.6.2023 - Ảnh: V.K.K

Thách thức đến từ chính nội bộ doanh nghiệp, từ góc độ kinh tế, các cá nhân; doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn (cả vốn đầu tư và vốn vay). Việc thiếu vốn dẫn đến các khó khăn khác trong việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, mua sắm cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, cũng như tiếp cận các công nghệ số.

“Tuổi trẻ” cũng là một rào cản đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi đặc thù không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn về uy tín và hiểu biết pháp luật, khó khăn hơn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác, không thể dựa vào danh tiếng trên thị trường tài chính; khó hơn trong việc xây dựng mạng lưới hoặc tạo sự cân bằng trong liên minh.

Bên cạnh đó, hầu hết người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn. Phần lớn họ thiếu kỹ năng cần có trong thời đại số, thiếu tính linh hoạt và khả năng thích ứng. Một trong những thách thức, rào cản khác là những người sáng lập không giỏi tiếng Anh, khiến họ khó tiếp thu kiến thức, công nghệ bên ngoài, vươn ra khu vực và thế giới.

Ngoài ra, các doanh nhân thành đạt trong các lĩnh vực này thường có cái nhìn rất khác và chưa quen với khởi nghiệp. Vì vậy, họ có xu hướng bỏ tiền đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, có nhiều mối quan hệ và am hiểu thị trường, thay vì đầu tư vào startup.

Việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư cũng là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL. Do đặc thù kinh tế của vùng chủ yếu là nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao; hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống thấp, chưa có nhiều yếu tố công nghệ... Ngoài ra, cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và ĐMST trong vùng được ban hành còn chưa đồng bộ; chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp ĐMST ngay từ giai đoạn đầu; hệ thống vườn ươm khởi nghiệp chưa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST của các tỉnh thành vùng ĐBSCL mới đang ở giai đoạn hình thành ban đầu. Đặc biệt, một rào cản lớn đối với hoạt động khởi nghiệp và ĐMST là công nghệ ở ĐBSCL chưa phát triển. Tâm lý sợ thất bại trong kinh doanh cũng là một điểm yếu của các start-up trong vùng.

Giải pháp phát triển

TS Ngô Anh Tín cho rằng tại vùng ĐBSCL, để giải quyết những khó khăn, thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp và ĐMST trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các biện pháp cần triển khai đồng bộ trong thời gian tới gồm: Nâng cao tinh thần khởi nghiệp và xây dựng văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong giới trẻ theo định hướng hành động của Chính phủ. Các đơn vị có liên quan cần tập trung mọi nguồn lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ đều cần tinh thần khởi nghiệp để tạo ra các sản phẩm mới và động lực phát triển mới.

Các công ty khởi nghiệp vùng ĐBSCL cần được trang bị kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn cơ bản để nhận được các nguồn tài trợ ngay từ giai đoạn ban đầu. Bên cạnh đó, họ cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tiềm năng công nghệ số tạo khả năng phát triển toàn diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, củng cố vị thế bền vững hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình để huy động vốn.

ky-ket-hop-tac-giua-trung-tam-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-voi-truong-dai-hoc-can-tho-anh-van-kim-khanh.jpg
Ký kết thỏa thuận hợp tác về ĐMST - Ảnh: V.K.K

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp tại ĐBSCL đều là khởi nghiệp thông thường, dựa trên các sản phẩm nông nghiệp bản địa, chưa áp dụng nhiều công nghệ và chưa có tính sáng tạo đột phá. Công nghệ là nền tảng để các doanh nghiệp khởi nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đồng thời tạo thị phần cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Nói cách khác, một doanh nghiệp không thể gọi là khởi nghiệp nếu thiếu yếu tố công nghệ. Hiểu đúng khái niệm khởi nghiệp ĐMST là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đối tượng và mục tiêu của các chương trình, cũng như chính sách khởi nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST hướng tới phát triển bền vững, trong đó tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tăng cường vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái. Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thông cáo đặc biệt về Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
6 giờ trước Sự kiện
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở ĐBSCL: Cơ hội và thách thức