Không ai có thể tưởng tượng ra 1 người bệnh tâm thần có thể làm ra được những việc gì. Chỉ có người trong cuộc, họ mới chứng kiến và đau nỗi đau khi người thân của mình phải trải qua những chuyện khủng khiếp.

Bài 2: Người mẹ kinh hãi kể chuyện con ăn thịt mèo sống

Nguyên Việt | 20/05/2019, 16:48

Không ai có thể tưởng tượng ra 1 người bệnh tâm thần có thể làm ra được những việc gì. Chỉ có người trong cuộc, họ mới chứng kiến và đau nỗi đau khi người thân của mình phải trải qua những chuyện khủng khiếp.

Chuyện ở BV tâm thần - kỳ 1: Người cha làm tất cả vì cô con gái trẻ

Thanh niên tâm thần, ăn bất chấp

Không như trường hợp của cha con ông Trần Văn Năm và chị Trần Thị Ngọc Quý, trường hợp của bà Lương Thị Phượng (ngụ ấp Tân An, TT.Cái Tắc, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và người con trai tâm thần Nguyễn Văn Tiền, khiến nhiều người kinh hãi. Bà Phượng hiện đang nuôi con trai trong Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ với những vết thương tinh thần và thể xác do chính người con này gây lên.

Vừa rơi nước mắt, bà vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết thương khắp cơ thể do con trai cắn, đạp gây ra. “Nó đánh, chửi tôi đã là điều quá bình thường rồi. Nhưng mỗi lần chịu trận tôi lại tủi thân. Người ta nói kiếp trước tôi mắc nợ nó, giờ tôi phải trả. Các bác sĩ nói tôi gửi nó vào trung tâm bảo trợ đi. Nhưng tôi không đành lòng để nó vào đó một mình”, bà Phượng tức tưởi.

Năm nay 57 tuổi, bà Phượngđã có hơn 30 năm phải sống chung với người tâm thần. Chồng bà, cha của Tiền cũng là 1 người tâm thần. Sau khi cả 2 cưới nhau và sinh ra được 3 người con (Tiền là con trai út), thì người chồng này trở bệnh nặng, thường xuyên chửi bới vô cớ, đánh đập vợ con. Sợ đứa con trai mới sinh gặp họa, bà chia tay chồng khi con mới hơn 3 tháng tuổi.

Ngay từ năm học tiểu học, Tiền đã có biểu hiện bất thường. Cậu học trònhỏ này giận thầy giáo, đã từng dám lận dao tìm đâm thầy. May mắn cú đâm của 1 đứa trẻ bị trượt, nhưng từ đó, người làm mẹ đã thấy hoang mang vô cùng. “Năm nó mười mấy tuổi đã không coi tôi ra gì. Nó thường chỉ vào mặt tôi mà rằng, bà không phải mẹ tôi. Tôi biết nó bị bệnh rồi mà mình thì nghèo quá, chẳng biết kêu ai”, người mẹ già thổn thức.

Nghỉ học khi vừa đủ biết mặt chữ, Tiền ở nhà rong chơivà căn bệnh tâm thần ngày càng nặng. Nhẹ thì Tiền nằm võng, gặp ai cũng chửi, chửi con gà đang gáy, chửi ông Địa ngồi dưới bàn thờ, chửi cả… thế giới. Còn khi không phát bệnh, Tiền lại trở về 1 thanh niên ngoan hiền. Vì đó, người mẹ tìm chỗ nhờ vả cho con đi học nghề sửa xe. Nhưng khi nghề học vừa thành thì một lần nữa Tiền lại phát bệnh cũ.

Tiền, con trai bà Phượng hiện đang nằm trong khu Trấn tĩnh và mọi việc đều phụ thuộc vào người mẹ - Ảnh: Thanh Nguyên

“Mỗi ngày nó đi đâu toàn đi xe ôm, đi hết ngày đến đêm. Tiền tôi không trả nổi, công việc ở tiệm sửa xe thì bỏ bê. Cơm nước nhà nấu không ănmà cứ đi ngoài đường bới rác tìm đồ ăn. Tôi sợ quá, đành phải đưa nó đi bệnh viện”, người mẹ kể.

Đưa con đến Bệnh viện Tâm thần, các bác sĩ xác định Tiền bị mất ngủ và có một vài triệu chứng tâm thần. Sau khi cho thuốc uống điều trị, cả nhà hồi hộp chờ đợi kết quả. Nhưng nghịch cảnh xảy ra khi chưa thấy được sự tiến triển trong điều trị thì Tiền chạy xe gắn máy gây tai nạn giao thông làm chết người. Hậu quả, thanh niên này phải ở tù hơn 2 năm. Sau khi ra tù, lưng Tiền xuất hiện những hình xăm vằn vện và cũng từ đây những lần lên cơn đến nhiều hơn.

Người mẹ kinh hãi kể: “Bữa đó nó đi đâu về, bắt được con mèo con rồi ngồi lột da, ăn sống ngấu nghiến. Tôi phát hiện miệng nó đầy máu. Cảnh tượng đó tôi không dám tưởng tượng ra được. Rồi có bữa nó đi mua thiếu đâu được cái đầu heo, đem về bắt tôi luộc. Tôi bỏ vô nồi nước vừa sôi là nó xách ra ngồi nhồm nhoàm nhai. Những lúc đó mà ngăn cản là y như rằng ăn đòn của nó. Thân thể tôi không biết bao nhiêu lần nó đánh. Mà đâu phải tôi, tất cả những người trong gia đình đều bị nó đánh bất chấp”.

Nỗi đau của người mẹ

Dù bị con trai nhiềulần đánh đập, nhưng có lẽ đau đớn nhất với bà Phượng là mỗi lần bị con trai nói câu: “Bà không phải mẹ của tôi”. Không đau sao được khi người mẹ mang nặng đẻ đau mà bị con trai từ mặt dù trong cơn điên loạn. Mỗi lần nghe con nói, bà chỉ biết khóc. Nhưng tai ương chưa dừng lại ở đó. Người phụ nữ bất hạnh này kể, mấy năm trước có lần 2 cha con gặp nhau trong 1 đám giỗ. Cả 2 không hiểu vì sao xông vào đánh nhau, đòi cắt cổ nhau mà không hề mâu thuẫn.

“Rồi sau đó, mỗi lần nó chửi tôi, dọa cắt cổ tôi thì luôn nhắc tới là sẽ giết cha nó luôn. Gia đình tôi tan hoang hết vì con. Đứa con gái ở với tôi có 2 đứa con gái, càng phải chịu cực hình hơn. Nó đánh hết, 2 đứa nhỏ đánh, bà ngoại gần 80 tuổi cũng đánh. Mỗi buổi tối nếu nó ở nhà, là mấy mẹ con bà cháu không dám ngủ ra ngoài hè đốt nhang trừ muỗi ngồi ôm nhau khóc. Tôi biết xử trí với nó sao đây?”, bà Phượng bất lực nói.

Là người quan tâm, chăm sóc con trai nhiều nhất, bà Phượng hiểu một phần nào đó vấn đề của con mình. Theo bà, Tiền chỉ thích người nói chuyện với mình nhỏ nhẹ, còn khi quát mắng thì thanh niên này sẽ phản ứng. Trong nhiều năm bị bệnh, bà Phượng không đếm được bao nhiêu lần con trai bị đám thanh niên trong xóm đánh. Phần đầu của Tiền không biết đã may bao nhiêu mũi. Chỉ mới qua tết này, Tiền bị người khác chém vào đầu phải nằm viện điều trị 20 ngày.

Bà Phượng kể: “Người ta biết nó tâm thần đâu thèm nói chuyện với nó. Nhưng nó chửi người ta trước, mà nó chửi dễ làm người khác nổi điên lắm. Như có 1 thanh niên bị sún răng, gặp nó, nó chửi coi chừng tao đánh gãy hết hàm răng của mày. Người ta tức, xúm lại vào đánh. Còn công an thị trấn mời nó thì không biết bao nhiêu lần mà đếm cho nổi. Nhưng rồi cũng không xử lý nó được”.

Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, nơi có những câu chuyện đau lòng - Ảnh: Thanh Nguyên

Hiện nay, Tiền đã nhập viện được hơn 10 ngày và vẫn đang nằm trong Khu Trấn tĩnh của Bệnh viện Tâm thần. Đây là khu vực dành cho những người tâm thần đang ở trong tình trạng bị kích động nhất. Gần 10 ngày qua, Tiền nằm một chỗ trên giường, tay chân bị cột lại, việc vệ sinh cá nhân một tay người mẹ lo lắng.

Mỗi buổi sáng, bà Phượng vào đút sữa cho con thì thanh niên này yêu cầu phải mặc áo bác sĩ đút mới chịu uống. Nhưng khi bác sĩ vào thì Tiền lại dọa giết cho bằng được. Để Tiền có thứ gì đó trong bụng, bác sĩ phải cạy miệng đổ sữa vào. Ở những lần điều trị khác, mỗi lần yêu cầu Tiền đi đâu, thì thanh niên này đòi phải có công an còng tay, dẫn đường đưa đi mới chịu đi.

Hoàn cảnh của bà Phượng cũng như rất nhiều người ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ là rất khó khăn. Lúc trước bà đi bán vé số cũng đắp đổi qua ngày, nhưng bây giờ chăm con, lại còn số nợ mười mấy triệu bạc cho lần Tiền nhập viện gần nhất khiến bà như gục ngã. Những người con của bà cũng không biết làm thế nào để giúp đỡ khi cuộc sống công nhân cũng chỉ vừa đắp đủ qua ngày cho gia đình.

Câu chuyện bi kịch, kinh hãi của mẹ con bà Phượng ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ rất nhiều ngườibiết. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, họ kể về sự bất hạnh của mình và động viên an ủi nhau cùng vượt qua nghịch cảnh. Trong từng phòng bệnh của bệnh viện này, những bệnh nhân với đôi mắt vô hồn, hoặc ở Khu Trấn tĩnh đầy ám ảnh khi những con người bị trói tay chân nằm nói lảm nhảm, chửi bới cả… thế giới khiến người chứng kiến rất dễ bị ám ảnh.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Người mẹ kinh hãi kể chuyện con ăn thịt mèo sống