“Mỗi khi có vụ tai nạn đường thủy gây ách tắc luồng lạch hoặc các nhà thầu thi công cầu, cống trên sông có nhu cầu thì cảnh sát giao thông và nhà thầu chỉ cần a lô cho anh Tám Chậu là nhóm thợ lặn tụi tui lại nổ máy ghe, chở máy móc lên đường. Nhưng kiếm được đồng tiền dưới đáy sông không phải chuyện dễ ăn”, Mười Tân nói.

Bài 2: Những quy định bất thành văn của đời thợ lặn

Hùng Anh | 10/04/2019, 17:24

“Mỗi khi có vụ tai nạn đường thủy gây ách tắc luồng lạch hoặc các nhà thầu thi công cầu, cống trên sông có nhu cầu thì cảnh sát giao thông và nhà thầu chỉ cần a lô cho anh Tám Chậu là nhóm thợ lặn tụi tui lại nổ máy ghe, chở máy móc lên đường. Nhưng kiếm được đồng tiền dưới đáy sông không phải chuyện dễ ăn”, Mười Tân nói.

Bài 1: Chuyện ở xóm thợ lặn ‘cha truyền con nối’ bên sông Soài Rạp

“Lấy tay thay mắt” dưới đáy sông tăm tối

Mười Tân nói, việc đầu tiên khi nhóm thợ lặn đến hiện trường là phải tìm hiểu kỹ phương tiện bị tai nạn là loại gì, có chở hàng hóa hay không, hàng hóa loại nào, có ai bị thiệt mạng còn kẹt trong khoang hay không, vị trí tàu chìm và yêu cầu của cơ quan hữu trách. Đối với các công trình xây dựng cầu, cống, thợ lặn cũng phải nắm rõ yêu cầu của nhà thầu, vị trí và khối lượng công việc phải thi công. Sau đó những thợ lặn cừ khôi như Tám Chậu, Mười Tân đích thân lặn xuống đáy sông khảo sát thực trạng, ước tính khối lượng công việc phải làm rồi quay lên bờ bàn bạc thỏa thuận giá cả với người thuê, ký hợp đồng thi công.

“Trục vớt phương tiện thì tùy độ sâu bị chìm, khối lượng công việc, giá cả từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Thi công các công trình ngầm phục vụ việc xây dựng cầu, cống thì thù lao từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, phụ thuộc vào công trình lớn hay nhỏ, khối lượng công việc và thời gian thi công dài hay ngắn”, Mười Tân cho biết. Sau khi ký xong hợp đồng, những người thợ lặn chọn giờ lành để bàn hương án, lễ vật cúng “Bà Cậu”, làm lễ ra quân.

Theo Mười Tân, “Bà Cậu” là vị thủy thần chuyên phùhộ cho những người làm nghề hạ bạc trên sông, trong đó có những thợ lặn làm việc dưới đáy sông. Ngoài nhang đèn hoa quả, lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng “Bà Cậu” là heo quay hoặc vịt quay. Bày xong lễ vật trên ghe, trưởng nhóm thợ lặn là ông Tám Chậu phải trực tiếp đứng ra khấn vái, cầu xin “Bà Cậu” phù hộ độ trì cho cả nhóm làm việc suôn sẻ, tai qua nạn khỏi, không gặp sóng to gió lớn, không gặp sự cố, tai nạn bất ngờ.

Thợ lặn Mười Tân đang kiểm tra hệ thống máy cung cấp dưỡng khí - Ảnh: Thanh Anh

Trước khi trục vớt tàu ghe, sà lan bị chìm để giải phóng luồng lạch, thợ lặn phải xuống đáy sông lần nữa để xác định cụ thể từng phần việc phải làm, sau đó quay lên ghe phân công cho từng nhóm thợ, mỗi nhóm đảm trách 1 phần việc khác nhau. Mười Tân cho biết, nếu có nạn nhân bị thiệt mạng còn kẹt trong khoang phương tiện bị chìm thì việc đầu tiên là thợ lặn phải tìm mọi cách đưa thi thể nạn nhân lên bờ để người nhà lo hậu sự, sau đó mới thực hiện trục vớt.

“Sông rạch ở miền Tây Nam bộ nước đục ngầu phù sa nên tầm nhìn dưới đáy sông rất hạn chế, gần như bằng không. Vì vậy khi xuống đáy sông thì người thợ lặn hoàn toàn không nhìn thấy gì, chỉ dùng đôi tay để sờ, cảm nhận, khảo sát, tìm kiếm, xác định những phần việc phải làm, mò mẫm đưa họng hút của các loại máy bơm cát, hút bùn, bắn đá vào đúng vị trí thi công. Muốn tháo từng chiếc bù lon, con tán hay cắt sắt thép, thợ lặn đều phải lần mò trong điều kiện tăm tối như vậy. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, ít sóng gió, dòng chảy êm thì công việc đỡ vất vả, còn trục vớt phương tiện ở những nơi nước chảy xiết, sóng to gió lớn thì cực kỳ khó khăn”, Mười Tân nói.

Trong khi đó, thợ lặn Mười Chai cho rằng việc lặn trục vớt phương tiện bị chìm, đặc biệt là trục vớt các sà lan chở cát, đá, khó khăn và căng thẳng hơn lặn chuẩn bị mặt bằng thi công các trụ cầu trên sông. Mười Chai giải thích, do yêu cầu phải giải phóng nhanh luồng lạch nên việc lặn trục vớt phương tiện bị chìm phải đảm bảo thời gian quy định của các cơ quan hữu trách, nên áp lực làm việc rất căng. Trong khi đó việc lặn dọn bãi để thi công trụ cầu thì không bị áp lực cao, bởi yêu cầu về thời gian của nhà thầu không quá khắt khe và công việc cũng không phức tạp.

“Lần lặn trục vớt phương tiện gần đây nhất của anh em tụi tui là hôm 4.1, khi chiếc sà lan chở hơn 150m3 cát bị chìm trên sông Tiền ở địa phận xã Xuân Đông, H.Chợ Gạo (Tiền Giang). Khi bị chìm, trên sà lan có 4 người, nhưng chỉ có 1 người may mắn thoát chết, sau đó chiếc sà lan bị dòng chảy cuốn ra xa cách bờ sông khoảng 400m”, Mười Chai kể.

Khi được CSGT Tiền Giang mời đến hiện trường với yêu cầu phải tìm được thi thể các nạn nhân và giải phóng nhanh luồng lạch, đội thợ lặn 9 người của ông Tám Chậu đã bất chấp sóng to gió lớn, nước chảy, tích cực lặn tìm. Đến chiều 5.1, nhóm thợ lặn đã đưa được thi thể 3 nạn nhân lên bờ, sau đó họ tiếp tục đưa máy móc xuống đáy sông bơm hút toàn bộ cát trong khoang sà lan ra ngoài rồi sử dụng các giải pháp kỹ thuật từ từ nâng chiếc sà lan lên mặt sông, tiến hành bơm hút nước, trục vớt thành công phương tiện trong thời gian rất ngắn.

Một thợ lặn đang sẵn sàng xuống đáy sông làm việc - Ảnh: Thanh Anh

“Chiếc sà lan nghiêng 90 độ dưới đáy sông, có thể lật úp bất cứ lúc nào vì sóng to, dòng chảy rất xiết, điều kiện làm việc rất nguy hiểm. Nhưng nhìn thân nhân của người bị nạn nóng ruột chờ đợi trên bờ thấy thảm quá, nên anh em tụi tui bảo nhau phải cố gắng làm thật nhanh”, Mười Chai nhớ lại.

Những quy định bất thành văn của đời thợ lặn

Khi chúng tôi hỏi: “Lặn xuống đáy sông sợ nhất điều gì, có gặp chuyện gì kỳ lạ hay không, có uống nước mắm cốt chống lạnh trước khi lặn như mọi người nói không?”, ông Tám Chậu cười cười, cho biết: “Anh em thợ lặn tụi tui không ai uống nước mắm cốt chống lạnh, vì công việc dưới đáy sông rất nặng nhọc, hơn nữa sống lâu năm trong nghề nên ai cũng quen với cái lạnh, dù không ai mặc đồ bảo hộ, do vướng víu khi làm việc.

Lặn xong lên ghe hút điếu thuốc là xong, hết lạnh. Làm việc dưới đáy sông tăm tối, tụi tui sợ nhất 2 chuyện, đó là gặp chướng ngại vật theo dòng chảy bất ngờ lao đến và bị đứt dây cung cấp dưỡng khí. Còn chuyện lạ thì… không có đâu, nếu có cũng không ai dám nói, vì thợ lặn khi vào nghề đã có lời thề với “Bà Cậu”, không được tiết lộ những bí mật dưới đáy sông”.

Tuy nhiên ông Tám Chậu cũng cho biết nghề thợ lặn đầy hiểm nguy, nên mỗi ca lặn làm việc dưới đáy sông chỉ kéo dài 2 giờ. Ai có sức khỏe tốt thì có thể nhận 2 ca/ngày, ai yếu thì chỉ làm 1 ca/ngày. Chỉ khi nào công việc quá căng thẳng, gấp gáp thì cả nhóm mới thay nhau lặn ban đêm, nhưng việc lặn đêm rất hạn chế vì quá nguy hiểm. “Mỗi ca làm việc dưới đáy sông thợ lặn được trả công từ 700.000 - 900.000 đồng, tùy tay nghề và khối lượng, mức độ khó khăn của công việc phải làm”, ông Tám Chậu nói.

Nhóm thợ lặn của ông Tám Chậu đang chuẩn bị sửa chữa máy móc - Ảnh: Thanh Anh

Trong khi đó, Mười Tân cho biết, không phải thợ lặn nào cũng được phân công tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số trong những vụ tai nạn. Chỉ những người nào thực sự gan dạ, có nhiều kinh nghiệm mới được phân công làm nhiệm vụ vớt xác. Tuy nhiên ai không muốn làm vẫn có thể từ chối, giao lại cho người khác. “Có 1 điều mà các anh em thợ lặn luôn nhắc nhở nhau: trong những vụ tai nạn đường thủy, nếu nhận thấy gia đình nạn nhân quá khó khăn thì tụi tui sẵn sàng lặn tìm thi thể miễn phí, chỉ nhận tiền công trục vớt của chủ phương tiện. Tụi tui xem đó như là 1 cách làm phước, tích đức cho con cháu về sau”, Mười Tân khẳng định.

Theo ông Tám Chậu, làm cái nghề lặn xuống đáy sông kiếm đồng tiền cực kỳ nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, chỉ cần lơ là bất cẩn chút xíu là tai nạn xảy ra, nên phương châm của cả đội là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người, phán đoán chính xác mọi tình huống. “Đời thợ lặn lắm chuyện vui buồn nhưng không thể tránh khỏi những tình huống cực kỳ nguy hiểm. Dù cố gắng giữ an toàn nhưng vẫn xảy ra sự cố ngoài ý muốn, khiến bản thân tui day dứt không nguôi”, ông Tám Chậu nói.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Những quy định bất thành văn của đời thợ lặn